• 111
  • lang
  • lang

Bí mật đằng sau sự thành công của một đứa trẻ.

Chúng ta thường nghĩ rằng những đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình giàu có và học thức thường sẽ thành công hơn vì chúng có quá nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên câu trả lời cho điều này lại làm chúng ta khá bất ngờ.

Một dự án kéo dài 10 năm của GS. Ferguson và công sự thuộc ĐH Harvard đã tiến hành gần 200 cuộc phỏng vấn với những người thành công, những người được lựa chọn phỏng vấn là những người thành công, đã tốt nghiệp từ những trường ĐH danh tiếng như Harvard, Yale, Stanford… và nay trở thành những nhà quản trị cấp cao trong nhiều lĩnh vực và cũng phỏng vấn những người cha người mẹ có những đức con thành công. Xuất thân của họ rất đa dạng: từ những gia đình giàu có học thức, từ những người đến từ gia đình ở tầng lớp thấp của xã hội, thậm chí có những người xuất thân từ những gia đình tị nạn hoặc có thành viên tù tội.

Buổi phỏng vấn xoay quanh vấn đề “Cha mẹ đóng vai trò gì trong sự thành công của bạn?” Và ông đã tìm được câu trả lời: điểm chung trong sự thành công của những người này là do:

1) Họ được sinh ra trong những gia đình mà bố mẹ luôn đặt niềm tin và khao khát mãnh liệt con mình thành công

2) Có sự am hiểu trong từng giai đoạn phát triển của trẻ, đảm bảo có sự hỗ trợ và can thiệp kịp thời để không bõ lỡ bất kì giai đoạn phát triển nào của trẻ

Câu hỏi được đặt ra là tất nhiên cha mẹ nào cũng có khao khát mãnh liệt muốn con thành công. Vây khao khát mãnh liệt này là như thế nào?

1. Khao khát mãnh liệt muốn con thành công:

Khao khát mãnh liệt muốn con thành công không có nghĩa là bạn chỉ giữ nó cho riêng bạn mà hãy truyền điều này cho trẻ. Nếu chỉ giữ nó cho riêng bạn, bạn có thể sẽ vô tình rơi vào kiểu “cha mẹ trực thăng” nghĩa là lúc nào bạn cũng chăm chăm xem con ra sao, nên mặc gì không nên mặc gì hôm nay, có cái gì khó không để mẹ làm giúp hoặc kiểu “mẹ hổ” luôn ép buộc trẻ phải chạy theo thành tích điểm số một cách cứng ngắt – kiểu này thường gặp ở các bố mẹ Châu Á

Bạn có thể cho trẻ thấy điều này thông qua những cách sau:

- Thể hiện niềm tin của bạn vào khả năng của trẻ, luôn khuyến khích trẻ làm theo cách trẻ muốn dù nó thành công hay thất bại . Như bà Esther Wojcicki, người mẹ của 3 chị em quyền lực của Thung Lũng Silicon – trong đó chị cả từng là CEO của Youtube. Bà cũng là một trong những người được mời trong cuộc phỏng vấn với GS. Ferguson. Bà từng nói với con bà khi con bà thất bại: “Chúng ta biết nỗ lực hết sức, nhưng cũng cần biết tha thứ cho bản thân, không có lí do gì phải đổ lỗi cho bản thân, bản thân không có lỗi khi nó đã nổ lực. Thế giới này vốn không hoàn hảo. Hãy đứng dậy và đi tiếp.”

- Cho trẻ thấy khao khát mạnh liệt của bạn với tri thức, bởi vì tri thức là con đường của thành công. Napoleon Hill từng nói “con đường thành công là con đường luôn theo đuổi tri thức”. Bạn càng giúp trẻ sớm có tình yêu với sách thì trẻ càng sớm nhận ra bản thân và dễ thành công hơn.

2. Không bỏ lỡ những giai đoạn phát triển của trẻ:

Bên cạnh việc khao khát muốn trẻ thành công, cha mẹ cũng cần am hiểu từng giai đoạn phát triển của trẻ, đảm bảo rằng luôn có hỗ trợ và can thiệp khi cần để không bỏ lỡ bất kì sự phát triển nào của trẻ. Đây là những cột mốc quan trọng cha mẹ cần quan tâm để giúp trẻ phát triển tốt nhất

GIAI ĐOẠN TRƯỚC 5 TUỔI: đây là giai đoạn rất quan trọng với trẻ bởi vì đây là thời điểm mà trong chính trẻ có những biến chuyển vô cùng nhanh chóng. Như sau khi sinh não bộ trẻ sẽ tăng trung bình khoảng 2 gram mỗi ngày, đến khi 5 tuổi não trẻ sẽ đạt khoảng 90% kích thước của não người lớn. Não trẻ có thể hình thành lên đến 1000 kết nối trong mỗi giây và có thể truy xuất lên đến 100,000 từ mỗi ngày. Tốc độ xử lý này giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, nhận thức, cảm xúc và hành vi xã hội rất nhanh. Điều này có nghĩa rằng cha mẹ không nên bỏ lỡ thời gian này để giao tiếp, trò chuyện và tương tác cùng trẻ, như:

- Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, bạn và chồng bạn có thể nói điều hay lẽ phải cho bé nghe. Cha mẹ ít cãi nhau, ít kể tật xấu lẫn nhau vì bé sẽ nghe được.

- Khi bé được sinh ra, me tương tác da kề da với bé và thì thầm cho bé nghe.

- Từ khi sinh ra đến 5 tháng tuổi: mẹ thường xuyên da kề da thì thầm, mát-xa bé, chơi cùng bé đặc biệt trong lúc bé nằm sấp

- Từ 6 tháng tuổi -1.5 tuổi: thường xuyên nói bé nghe những việc bạn làm với bé như thay tả bé như thế nào, tắm bé ra sao,...

- Từ 3-7 tuổi: nói chuyện gợi mở tình huống để bé tìm hướng giải quyết. VD. Hãy cho bé 1 hộp bút màu và các loại giấy có chất liệu khác nhau, và cho bé tự vẽ và tô màu theo ý bé. Bé không có trải nghiệm lá cây màu xanh như não của bạn, trừ khi bạn đã chỉ bé thấy lá cây màu xanh lúc đi công viên. Do đó, bé vẽ lá cây màu đen là chuyện không gì bình thường hơn. Đơn giản, bạn chỉ nói với bé: ngày mai, bố mẹ sẽ cho con đi công viên để xem lá cây màu gì nhé. Sau khi đi công viên về, bé vẽ chiếc lá màu vàng cam, cũng đừng la bé làm gì, lắng nghe lí do bé tại sao vẽ vậy, bạn sẽ nghe lời giải thích rất dễ thương là: "bố chỉ kêu con nhặt những lá rơi trên mặt đất, mà lá nào cũng màu vàng cam thôi bố ạ".

NHỮNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TÂM LÝ CỦA TRẺ:

- Trẻ 3 tháng tuổi có thể hiểu cảm xúc buồn, vui, giận dữ. Cha mẹ nên tránh các cuộc tranh cãi trước mặt trẻ ngay từ lúc này.

- Trẻ 9-18 tháng tuổi sẽ phát triển mạnh mẽ sự kết dính với mẹ và phát triển nỗi lo chia cắt.

- Trẻ 3-5 tuổi: trẻ muốn được độc lập và tự do trong mọi hoạt động. Cha mẹ nên như người cùng chơi hơn là điều khiển trẻ chơi ra sao. Giai đoạn này cũng nên dạy trẻ cách chia sẻ, bài học yêu thương và chờ đến lượt.

- Trẻ 6-10 tuổi là rất tò mò và quan tâm đến nhiều vấn đề. Đây là lúc cha mẹ phải đối mặt với những câu hỏi của trẻ và là khoảng thời gian cha mẹ nên tận dung để bên trẻ và trở thành bạn của trẻ vì sau đó hướng tập trung của trẻ không còn là bạn nữa.

- Trẻ 12-14 tuổi thường tập trung quan tâm vào bản thân như hình thể, cách nói chuyện…, xu hướng về thần tượng và ảnh hưởng bởi bạn bè hơn cha mẹ. Việc cha mẹ trở thành bạn của trẻ ở giai đoạn trước là quan trọng vì họ cũng sẽ là người bạn có “ trọng lượng” ở giai đoạn này. Cha mẹ nên quan tâm và lắng nghe suy nghĩ của trẻ trước tiên, chứ đừng “phủ định” ngay vì điều này chỉ làm trẻ càng xa cách bạn hơn. Tránh chê bai hay chế diễu những điều liên quan đến hình thể như mập ốm, xấu đẹp, “điệu đà”…

Note

Renée Adams et al. (2017) Are CEOs Born Leaders? Lessons from Traits of a Million Individuals. ECGI Working Paper Series in Finance. 478/2016

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061