• 111
  • lang
  • lang

Biện pháp kỷ luật tích cực dành cho trẻ độ tuổi học mẫu giáo

Giáo dục trẻ học mẫu giáo (trẻ từ 3 đến 5 tuổi) là quá trình cần kết hợp giữa nghệ thuật, khoa học, sự kiên nhẫn, kiên trì và sự thấu hiểu. Những biện pháp có tác dụng trong tuần trước không chắc sẽ khiến trẻ giữ kỷ luật tốt trong tuần này. Do đó cha mẹ có thể thử nhiều cách, dù có thể không thành công nhưng đó sẽ là những kinh nghiệm để có thể tìm ra phương án tốt nhất cho trẻ.

Hình ảnh: Verywell / Emily Roberts

Những hành vi tiêu biểu của trẻ học mẫu giáo

- Trẻ học mẫu giáo đang từng bước học cách tự làm mọi thứ, có thể mang đến nhiều thử thách cho cha mẹ trong việc giáo dục trẻ. Bên cạnh đó, trẻ sẽ không ngần ngại thực hiện nhiều hành vi khác lạ để xem cha mẹ phản ứng như thế nào. Con trẻ có thể có những hành động chạm vào ranh giới, giới hạn mà cha mẹ đặt ra, thậm chí công khai sự kháng cự với lời nhắc nhở của cha mẹ. Khi trẻ cảm thấy chán nản vì bị trói buộc bởi nhiều quy tắc, trẻ sẽ bắt đầu có những hành vi như cãi lại, nhõng nhẽo, dây dưa, không nghe lời... 

- Do việc bắt đầu đến môi trường lớp học có bạn bè, có thầy cô, nhiều trẻ bỗng trở nên lo lắng, nhút nhát không dám làm quen với bạn mới hoặc tương tác với thầy cô.

- Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo đã có sự hiểu biết cơ bản về những gì là đúng sai. Các em có thể tuân thủ một vài quy tắc cơ bản và thường cố gắng ngoan ngoãn để làm vui lòng cha mẹ. Tuy nhiên, trẻ không thể hiểu được logic, lý lẽ của người lớn, nên đôi lúc trẻ sẽ chật vật khi đưa ra quyết định đúng đắn. Một số hành vi bốc đồng của trẻ như là la hét, phát biểu những lời xấu tính đang thử thách giới hạn của cha mẹ. Vì vậy cha mẹ nên giúp trẻ hiểu rõ hơn về những hậu quả khi hành xử bộc phát.
 

Những hành vi phổ biến cần thay đổi 

- Việc trẻ nói dối đang trong độ tuổi đi mẫu giáo là một hành vi hay gặp phải. Nhiều lúc, trẻ nói dối để che đậy lỗi lầm, hoặc trẻ chỉ muốn sử dụng trí tưởng tượng của bản thân.

- Trẻ mè nheo, nhõng nhẽo cũng thường xảy ra trong độ tuổi này. Con trẻ hay nghĩ rằng nếu bạn đang không đồng ý với yêu cầu mà con đưa ra, chỉ cần nhõng nhẽo thêm sẽ khiến bạn thay đổi ý kiến. Và cha mẹ nên nhớ rằng, nếu trẻ đã thử và thành công, thì trẻ tin rằng những lần sau chúng có thể tiếp tục nhõng nhẽo với cha mẹ.

- Với nhiều gia đình, việc con trẻ ở độ tuổi học mẫu giáo hay dùng cách nói không rõ tiếng như em bé cũng hay xảy ra, khi trẻ đang muốn sự chú ý từ cha mẹ hoặc trẻ đang căng thẳng.

- Bên cạnh đó, dù nhiều trẻ có tư tưởng muốn phụ giúp cha mẹ làm việc, nhưng các con cũng thích tự mình đưa ra quyết định. Trẻ sẽ thường xuyên trả lời "Không" khi cha mẹ dặn dò, nhắc nhở trẻ làm gì đó, chỉ vì con trẻ muốn xem phản ứng của cha mẹ như thế nào

- Khả năng kiềm chế cơn giận của trẻ chưa được thành thạo, không đủ mạnh để kiểm soát những hành vi bộc phát như đánh nhau, đá nhau hoặc cắn nhau. 

Những biện pháp kỷ luật có thể áp dụng

Biện pháp kỷ luật bao gồm một số hình phạt để ngăn chặn việc trẻ lặp lại các hành vi sai trái và các hành động khuyến khích, khen thưởng để thúc đẩy con trẻ tiếp tục có những hành vi đúng đắn. Cha mẹ hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây và điều chỉnh cho phù hợp với con trẻ của mình:

- Hãy ca ngợi những hành vi đúng: Khi cha mẹ tán dương và khuyến khích những hành vi đúng của trẻ một cách công bằng, chính xác, thực tế, trẻ sẽ cảm thấy mình được công nhận và cha mẹ quan tâm trẻ thực lòng.

- Hãy quy định một vị trí mà trẻ khi bị phạt nhẹ sẽ phải ở đó tự suy nghĩ: Cha mẹ có thể áp dụng nguyên tắc phạt nhẹ khi trẻ vi phạm một lỗi nào đó, như hung dữ với bạn bè, không nghe lời hướng dẫn. Nói với trẻ rằng "Con có thể buồn nhưng không được đánh bạn. Con hãy ra góc phạt nhẹ, thở đều và suy nghĩ về hành vi của mình".

- Tước đi một vài quyền lợi của trẻ: Nếu con trẻ không chịu đi đến khu vực phạt nhẹ, hoặc hành vi sai của trẻ lại tiếp tục sau vài phút, hãy tước đi một vài quyền lợi liên quan đến hành động đó. Ví dụ trẻ ném đồ chơi vào bạn bè, cha mẹ có thể tịch thu đồ chơi và nói với trẻ rằng "Con sẽ không được chơi đồ chơi này trong vòng 10 phút"

- Hãy treo thưởng: Nếu trẻ đang gặp khó khăn khi phải thực hiện một số hành vi nhất định, như là ngủ một mình, cha mẹ có thể áp dụng phương pháp thu thập sticker cho mỗi lần trẻ thực hiện được. Với một số lượng sticker nhất định, trẻ sẽ được thưởng một món quà lớn hơn. Việc treo thưởng sẽ dần khiến trẻ quen thuộc với hành vi bạn muốn trẻ thực hiện mà không cần ép buộc. Đồng thời, cha mẹ cũng hãy quan tâm đến lí do trẻ không muốn thực hiện hành vi ấy lúc ban đầu. Việc lắng nghe và chia sẻ với trẻ một cách chân thành sẽ giúp cha mẹ và trẻ thân thiết hơn, hiểu rõ nhau hơn để có thể cùng nhau giải quyết vấn đề.


 

Một số giải pháp có thể hạn chế những hành vi không đúng của trẻ trong tương lai

- Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thường cáu gắt khi đói, mệt mỏi hoặc quá sức. Cha mẹ có thể cho bé ăn vặt, giải trí, vui chơi bên ngoài để trẻ có thể giải toả căng thẳng. Đồng thời, việc lập ra thời khoá biểu hàng ngày cũng sẻ giúp trẻ biết được mục tiêu cần hoàn thành.  

- Bên cạnh đó, những quy định, giới hạn, sự trông đợi từ cha mẹ được đặt ra một cách rõ ràng để trẻ có thể hiểu được các con cần phải làm gì, hành xử như thế nào. Nhiều trẻ ở độ tuổi này có vấn đề về việc kiểm soát tâm trạng và cảm xúc, đặc biệt là sự cáu gắt. Cha mẹ đừng quên giúp trẻ luyện tập kỹ năng kiểm soát tức giận, có thể đặt ra quy định trong gia đình về việc nổi giận "Con có thể thấy tức giận nhưng không được làm người khác bị thương hoặc đập phá đồ đạc". 

Một số nguyên tắc giao tiếp với trẻ

Cha mẹ hãy cố gắng giao tiếp với trẻ một cách ngắn gọn và hiệu quả, để có thể tạo thành một thói quen khi trao đổi, trò chuyện hoặc tâm sự.

- Hãy nói ngắn gọn nhưng dịu dàng, dùng từ ngữ đơn giản và cụ thể, không nên diễn giải dài dòng.

- Tự tạo một chiến lược khi giao tiếp, trao đổi với trẻ về nhiều vấn đề và các cách giải quyết. Ví dụ, cha mẹ hãy chọn một địa điểm yên tĩnh trong nhà để nói chuyện về những vấn đề quan trọng, và đặc biệt hơn nếu không khí đang căng thẳng, hãy quay lại trao đổi sau khi cả hai bên đã bình tĩnh, không còn tức giận.

- Giới hạn cho trẻ một vài lựa chọn, bằng cách nêu cụ thể những lựa chọn bạn đang có, thay vì đặt một câu hỏi mở. Việc này giúp trẻ biết được giới hạn và không bị rối rắm khi phải đưa ra quyết định.

- Đề cập đến những lựa chọn khác khi trẻ đang hành xử sai do không có được những thứ trẻ muốn hoặc làm những thứ trẻ thích. Cho trẻ biết có nhiều cách khác để giải quyết vấn đề, suy nghĩ theo hướng khác để không phải tức giận. 

- Đưa ra những lời chỉ dẫn hữu ích với trẻ có thể khiến trẻ lắng nghe cha mẹ hơn. Cha mẹ có thể thử đặt tay lên vai, nhìn vào mắt trẻ khi đưa ra hướng dẫn để tăng cảm giác tin tưởng cho trẻ. Sau khi trẻ nhận được hướng dẫn từ cha mẹ, hãy cho trẻ lặp lại một lần nữa để đảm bảo trẻ hiểu đúng ý của cha mẹ.
 

-----------------
Nguồn tham khảo: https://www.verywellfamily.com/discipline-strategies-for-preschoolers-620098

-----------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616