• 111
  • lang
  • lang

Biện pháp kỷ luật tích cực dành cho trẻ từ 6-9 tuổi

Giai đoạn hình thành tích cách của trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 9 khá thú vị nhưng cũng sẽ mang đến nhiều thử thách cho cha mẹ. Một số hành vi phức tạp của trẻ sẽ cần cha mẹ phản ứng một cách bài bản hơn để các biện pháp kỷ luật có hiệu quả. Theo góc nhìn tích cực, những bài học mà trẻ học được trong thời gian này sẽ là những bài học có giá trị về cuộc sống xung quanh.

Một vài hành vi tiêu biểu của trẻ 6-9 tuổi: Ở lứa tuổi này, trẻ đã không còn là "em bé" tuy nhiên vẫn chưa đủ trưởng thành. Những hành vi của con trẻ là biểu hiện chuyển tiếp của quá trình phát triển.

- Nhìn chung, các con đã có thể tập trung tốt hơn trong thời gian dài, kiên nhẫn hơn khi phải đối mặt với khó khăn và sự thất bại. Đồng thời các con cũng dần có khả năng tập trung làm nhiều thứ cùng lúc.

- Khả năng nhận thức và sức khoẻ thể chất cũng trở nên tốt hơn, giúp trẻ thực hiện các công việc hàng ngày một cách dễ dàng hơn. Điều này giúp giảm sự lo lắng ở trẻ, tự chủ tốt hơn, biết ứng phó với môi trường lớp học, xã hội và gia đình. 

- Tuy nhiên trẻ cũng có thể sẽ tiếp tục thử thách những giới hạn của cha mẹ bằng những cơn giận dữ, cáu gắt, nhõng nhẽo, dù ít thường xuyên hơn. Một số hành vi cư xử chưa đúng có thể trở nên rõ ràng và nghiêm trọng hơn như việc cãi lại bạn, do trẻ đã có thể nói chuyện rõ ràng để thể hiện được suy nghĩ, cảm xúc của trẻ.

- Có nhiều con trẻ thích được tự lập, hoạt động một mình nhưng vẫn chưa thuần thục hoặc ghi nhớ được những kỹ năng, lời dặn của cha mẹ. Trẻ vẫn cần được tiếp tục chỉ dạy nhiều kỹ năng xã hội, kiểm soát cảm xúc và hành vi để hoàn thiện được bản thân.

 

Một số hành vi cần được thay đổi: Cùng tồn tại song song với một số hành vi đặc trưng của lứa tuổi này chính là các hành vi mà cần cha mẹ giúp trẻ điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. 

- Với những trường hợp vô kỷ luật như việc thách thức, cãi lại, một vài trẻ có thể đã thực hiện từ lâu. Và khi ngày càng lớn lên, các hành vi này sẽ trở nên phức tạp hơn khi các con học được nhiều từ ngữ mới, tiếp thu từ bạn bè, xã hội và có xu hướng độc lập hơn. Cha mẹ đừng quá ngạc nhiên khi trẻ từ chối thực hiện những công việc hoặc chỉ dẫn mà cha mẹ đưa ra.

- Trẻ cũng có thể thỉnh thoảng nói dối, bịa chuyện với cha mẹ: khoe khoang điều gì đó không thật về bản thân, nói dối để tránh bị la mắng. Hành vi nói dối có thể trở thành thói quen xấu nếu như cha mẹ làm lơ và không giải quyết.

- Nếu trẻ có anh chị em khác trong gia đình, trường hợp cãi vã, bất đồng, ganh đua sẽ xảy ra dù các con có yêu thương nhau như thế nào.

- Việc trẻ lười biếng, chây ì, chậm chạp cũng là một vấn đề ở độ tuổi này, dễ khiến cha mẹ bực mình.

- Các con vẫn có thể nhõng nhẽo, ương bướng, than vãn kèm theo khóc lóc. Đây cũng là một trong những khó khăn mà cha mẹ cần phải vượt qua.

Một số biện pháp kỷ luật có tác dụng: biện pháp kỷ luật có hiệu quả cần kết hợp những biện pháp củng cố tích cực và một số hình thức phạt. Củng cố tích cực tức là tập trung khuyến khích và khen thưởng đến những hành vi tốt, ứng xử phù hợp của trẻ và áp dụng hình phạt khi trẻ phạm lỗi. Cha mẹ hãy cùng nhau tham khảo một số gợi ý sau đây:

- Khuyến khích các hành vi, biểu hiện tốt: Hãy khen nỗ lực của con và động viên con trẻ tiếp tục giữ vững những thói quen tốt trong học tập, lao động, giải trí. Điều này có thể giúp các con tự tin hơn, cảm thấy cha mẹ thực sự quan tâm đến con, sự cố gắng hết mình của con hơn là những kết quả mà con đạt được.

- Hình thức phạt nhẹ ở một khu vực nhất định trong nhà: Ở độ tuổi này cha mẹ vẫn có thể áp dụng hình thức phạt nhẹ khi trẻ đang mất bình tĩnh và không nghe lời.

- Thay đổi cách đặt vấn đề với trẻ: Chỉ cần thay đổi cách nói để khiến một hình phạt trở thành một giải thưởng có thể khiến trẻ hứng thú với nhiệm vụ được giao. Ví dụ, thay vì "Con sẽ không được đi chơi nếu không dọn phòng", cha mẹ có thể thử "Con dọn phòng sạch sẽ xong con có thể đi chơi 2 tiếng". Với cách này, trẻ sẽ học được cách vâng lời mới có thưởng.

- Đặt ra những hình phạt liên quan đến lỗi của trẻ: Nếu trẻ không chịu rời máy tính trong thời gian cha mẹ quy định, cho trẻ biết trẻ sẽ không được dùng máy tính trong vòng 24 giờ tới.

- Hãy để trẻ gánh lấy kết quả tiêu cực vốn có khi trẻ không nghe lời (trong phạm vi an toàn): Bạn dặn trẻ mang theo phần snack khi đi chơi công viên và trẻ từ chối thực hiện, bạn không cần làm giúp trẻ. Khi đói, trẻ sẽ nhận ra không có snack để ăn vì đã không đem theo, sẽ giúp trẻ ghi nhớ cho lần sau.

- Hãy treo thưởng theo hình thức đổi điểm: Hãy đặt quy định khi trẻ có cách ứng xử đúng, có nỗ lực thực hiện công việc bạn giao cho, hoặc hoàn thành việc học ở trường, trẻ sẽ được thưởng điểm. Với những số điểm nhất định, trẻ sẽ được thưởng những món quà lớn hơn, như tăng thời gian dùng máy tính, được đến chơi nhà bạn cùng lớp.

Một số giải pháp có thể hạn chế những khó khăn trong tương lai

Việc học ở trường càng quan trọng hơn khi trẻ lớn dần lên. Nhiều hành vi cư xử không đúng của trẻ có thể bắt nguồn từ sự lo lắng, căng thẳng trong học tập. Nhiều trẻ có thể bị bạn bè trêu chọc khi không hiểu bài vở, không biết làm bài tập. Do đó cha mẹ hãy hỗ trợ hình thành các thói quen tốt trong học tập để trẻ có thể tự tin trong lớp học: trẻ có một khu vực học tập riêng trong nhà, quy định thời gian học bài tại nhà và theo dõi, quan tâm việc học của trẻ hơn. Một số biểu hiện lo lắng khác của trẻ có thể được tìm hiểu qua trao đổi với giáo viên. Cha mẹ cũng nên lưu ý khi trẻ có một số biểu hiện lo âu thái quá có thể dẫn đến bất ổn tinh thần như chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, chứng khó đọc... 

Bên cạnh đó, trẻ ở lứa tuổi này cũng hay nghi ngờ về khả năng của bản thân, các con có thể tự so sánh mình với các bạn cùng lứa. Do đó, việc cha mẹ dạy con về sự tự tin bằng việc chăm chỉ nỗ lực học tập, luyện tập để thành thạo hơn rất cần thiết -  Cần cù bù thông minh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy cách giáo dục nguyên tắc nhưng thấu hiểu sẽ giúp trẻ phát triển bản thân tốt nhất do cha mẹ sẽ hỗ trợ và bên cạnh trẻ để giúp trẻ đạt được những mục tiêu tích cực đã đặt ra. Hãy thẳng thắn về cảm xúc của mình và cho trẻ thấy sự đồng cảm, bao dung của cha mẹ với trẻ. Đồng thời trẻ cũng cần ý thức được những quy tắc và hậu quả nếu trẻ phạm lỗi. Những nỗ lực này giúp cha mẹ trở thành phụ huynh có nguyên tắc nhưng đủ thấu hiểu, có thể giáo dục trẻ trưởng thành một cách khoẻ mạnh và đầy trách nhiệm.

Ngoài ra, con trẻ cũng phụ thuộc và mong chờ vào sự dỗ dành và khả năng bảo vệ của cha mẹ. Hãy dành cho trẻ sự quan tâm tích cực, sự chú ý khi cần thiết để trẻ cảm thấy an tâm, được lo lắng và bảo vệ: chơi game cùng con, trò chuyện về ngày hôm nay, giải trí bằng nhiều cách cho dù hôm nay trẻ có phạm lỗi. Nhờ những khoảng thời gian như thế này, trẻ sẽ hạn chế các hành vi tiêu cực nhằm tìm kiếm sự chú ý từ người lớn, sẽ nghe lời hơn và cha mẹ có thể kết nối chân thành với trẻ.

Một số nguyên tắc giao tiếp với trẻ: 

- Thay vì một bài lên lớp tràng giang đại hải, cha mẹ có thể trao đổi thẳng thắn, ngắn gọn về những hành vi cần được thay đổi tốt hơn của trẻ trong tương lai. Cách làm này giúp trẻ học được các lựa chọn đúng đắn

- Trẻ sẽ quan sát và học tập cách cha mẹ kiểm soát tâm trạng, cơn tức giận, xích mích. Do đó cha mẹ hãy hành xử đúng đắn, giữ bình tĩnh khi giao tiếp với trẻ. 

- Cùng nhau bàn bạc và giải quyết vấn đề: khi trẻ lặp lại sai lầm, cha mẹ hãy bình tĩnh nghe trẻ chia sẻ, đặt những câu hỏi mang tính giải quyết như: có cách nào giúp con không tiếp tục quên làm bài nữa không? Hay là mình cùng nhau ngồi học sau đó sẽ nghỉ giải lao 10 phút nhé?

- Làm rõ các quy tắc bạn đề ra: Hãy giải thích về các quy tắc trong gia đình nhằm bảo vệ an toàn, giữ gìn sức khoẻ, các giá trị đạo đức hoặc phép xã giao. Hành động này giúp trẻ hiểu được lý do, mục đích của cha mẹ nhằm giúp trẻ hoàn thiện tính cách, nguyên tắc của bản thân chứ không phải cha mẹ đang gây khó khăn cho trẻ. 

- Khuyến khích trẻ bộc lộ cảm xúc và thành thật với cảm xúc của bản thân: Cha mẹ hãy nói với trẻ rằng việc trải qua mọi cung bậc cảm xúc rất bình thường, trẻ không nên cảm thấy xấu hổ hoặc che dấu. Quan trọng là cách trẻ tiếp nhận, hành vi phản ứng với những cảm xúc này. Do đó cha mẹ hãy hướng dẫn và hỗ trợ trẻ những phương thức tích cực để biểu hiện cảm xúc: viết, vẽ, kể chuyện...

-------------
Nguồn tham khảo:
https://www.verywellfamily.com/discipline-strategies-for-school-age-kids-620099
https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000149284 

-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616