Triển khai những nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong chiều 15/10 đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng kế hoạch phục hồi thị trường lao động, khớp nối với chương trình chung của Chính phủ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương thực hiện những nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 128.
Cụ thể, theo Nghị quyết 128, Bộ LĐTB&XH chủ trì việc tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ các đối tượng chịu ảnh hưởng do COVID-19; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ trẻ em, người lao động, người sử dụng lao động, đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động.
3 nhóm giải pháp cốt lõi khôi phục thị trường lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh chương trình khôi phục thị trường lao động là một bộ phận cấu thành của chương trình khôi phục nền kinh tế sau đại dịch COVID-19. Bộ LĐTB&XH đã trao đổi với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xây dựng kế hoạch phục hồi thị trường lao động, khớp nối với chương trình chung của Chính phủ (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì báo cáo).
Kế hoạch của ngành lao động chú trọng vào 3 giải pháp cốt lõi là: Giữ chân người lao động; thu hút người lao động đã về quê quay trở lại làm việc; đào tạo, phát triển thêm lực lượng lao động bổ sung cho những lĩnh vực, ngành nghề, khu vực có nhu cầu cao, phục vụ cho khôi phục phát triển kinh tế.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vấn đề thời sự, cấp bách cần tập trung giải quyết lúc này là đánh giá đúng về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.
"Hà Nội và các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở ra phía bắc không đáng ngại lắm nhưng từ Đà Nẵng trở vào, các đầu tàu kinh tế như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bình Phước, Tây Ninh… rõ ràng cần quan tâm. Những ngày qua, tôi nhận tin nhắn của doanh nghiệp là Thủ tướng đã nêu tinh thần chỉ đạo "không ngăn sông cấm chợ" nhưng một số địa phương vẫn chưa tạo điều kiện cho người lao động đi làm trở lại, thậm chí khi công nhân đã có đủ thẻ xanh COVID-19, tiêm vaccine rồi vẫn bắt buộc phải '3 tại chỗ'. Khó khăn trong di chuyển như vậy thì lao động rất khó quay trở lại doanh nghiệp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu vấn đề.
Để khôi phục thị trường lao động, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh báo cáo ngay với Bộ LĐTB&XH về một số vấn đề cụ thể.
Đối với người lao động trên địa bàn, tổ chức nắm các thông tin cơ bản: Công việc đang làm; số lao động đang thất nghiệp, lý do thất nghiệp, thời gian thất nghiệp, công việc và nơi làm việc gần nhất trước khi thất nghiệp; nhu cầu của người lao động về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng lao động, tìm kiếm việc làm mong muốn… Ưu tiên tổ chức nắm bắt thông tin của người lao động trở về địa phương từ tháng 6/2021 trở lại đây.
Đối với người sử dụng lao động, tổ chức nắm thông tin về tình hình tuyển dụng và nhu cầu sử dụng lao động, với các thông tin cơ bản về quy mô hoạt động và nhu cầu về lao động (số lượng, trình độ) theo từng thời gian, khả năng thiếu hụt lao động và các chính sách của doanh nghiệp cho người lao động. Tập trung tổ chức nắm thông tin của những doanh nghiệp có quy mô lao động lớn từ 300 lao động trở lên.
An sinh xã hội là nhiệm vụ trọng yếu
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, công tác an sinh xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Bộ LĐTB&XH đã chủ trì và gấp rút triển khai những chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, trẻ em… bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Về kết quả triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo báo cáo của Sở LĐTB&XH của 63 tỉnh, thành phố, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là gần 21,89 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng. Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng các chính sách hỗ trợ là 17,75 nghìn tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc).
Riêng TPHCM đã chi 10,13 nghìn tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa - Vũng Tàu (986 tỷ đồng).
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng. Tổng số tiền đã chi trả là 999,5 tỷ đồng cho 425.117 người lao động.
Đối với chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 không phát sinh thủ tục mới mà thực hiện thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội. Về cơ bản đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 363.300 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,676 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm đóng (từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022) khoảng 7.594,6 tỷ đồng.
Về hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, theo báo cáo của các địa phương, có 2.184 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có 2.084 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 41 trẻ mồ côi cả cha và mẹ; riêng TPHCM có 1.426 trẻ em mồ côi.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,83 tỷ đồng cho 1.541 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do COVID-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 124 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức 1 triệu đồng/trẻ em)./.
-----
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616