• 111
  • lang
  • lang

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nói gì về chính sách hỗ trợ 2.580 trẻ em mồ côi do Covid-19?

Tại phiên thảo luận của Quốc hội tại tổ ngày 21-10 về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thông tin về chính sách hỗ trợ 2.580 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19.  Theo đánh giá của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, tác động về mặt xã hội của đại dịch Covid-19 là rất lớn và chưa được đánh giá đầy đủ; có tình trạng lao động tự do phản ánh chưa tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước; có lúc, có nơi đã xuất hiện tình trạng đói và thiếu đói trong số đối tượng “mắc kẹt” tại các địa bàn phong tỏa, giãn cách; có hàng nghìn trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19, nhiều em trong số này có nguy cơ không được bảo đảm phát triển toàn diện.

2.580 trẻ em rơi vào tình trạng mồ côi do Covid-19

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ ngày 21-10, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, các gói hỗ trợ về an sinh xã hội năm nay phát huy hiệu quả, nhất là trong năm 2021, cùng lúc hỗ trợ hàng chục triệu người dân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn thừa nhận do nhiều áp lực mà một bộ phận hỗ trợ chưa đến được với người dân; một bộ phận cán bộ ở cơ sở thì sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm...

Đáng chú ý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói đến một vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay là về những trẻ mồ côi do Covid-19. Theo Bộ trưởng, hiện nay có 2.580 cháu rơi vào tình trạng mồ côi, trong đó khoảng 2.500 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, có 80 cháu mất cả cha và mẹ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua, có một số doanh nghiệp muốn thành lập các cơ sở nuôi dưỡng riêng; một số tổ chức quốc tế thì đăng ký đỡ đầu toàn bộ 80 cháu này. “Chúng tôi thì không khuyến khích cái này. Cái chúng tôi muốn các cháu có gia đình. Không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không còn người thân thì còn trách nhiệm nhà nước”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Hiện nay có 2.580 cháu rơi vào tình trạng mồ côi, trong đó khoảng 2.500 cháu mồ côi cha hoặc mẹ, có 80 cháu mất cả cha và mẹ. Ảnh: Trọng Hải

Nhấn mạnh tỷ lệ trẻ em mồ côi ở Việt Nam hiện nay thuộc diện cao nhất thế giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết dự kiến Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ dành tiền mặt hỗ trợ trực tiếp cho các cháu ăn học, sẽ có chính sách đối với các cháu không còn người thân, còn trường hợp đặc biệt sẽ đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ. Với các cháu không còn cha lẫn mẹ thì hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ cho các cháu ăn học.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ không có nguồn nuôi dưỡng được hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ.

Tuy nhiên, đối với nhóm trẻ em mồ côi do Covid-19 là nhóm trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do hoàn cảnh giãn cách xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc nên cần có sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ngoài quy định chung đối với các trẻ em mồ côi theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Đồng thời, chính sách này được thực hiện cùng với Chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chương trình "Nối vòng tay thương" của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Nghiên cứu nhu cầu xã hội, doanh nghiệp để có mức hỗ trợ phù hợp

Ngoài ra, đưa ra các ý kiến thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, nhu cầu kinh phí cho phòng, chống dịch trong thời gian tới dự báo là lớn nhưng nguồn huy động từ xã hội giảm dần, chính vì vậy, ngân sách Nhà nước vẫn sẽ vẫn là nguồn lực chính. Do vậy, việc giãn nợ giãn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Một số ý kiến cho rằng, những biện pháp này không phải là giải pháp căn cơ lâu dài, vì ngân sách Nhà nước còn nhiều nhiệm vụ chi khác quan trọng trong phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới. Do vậy, đề nghị Chính phủ nên nghiên cứu nhu cầu xã hội, nhu cầu doanh nghiệp, bổ sung tiêu chí rõ ràng và các mức hỗ trợ phù hợp để bảo đảm đúng, đủ và khả thi trong thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đánh giá trong điều kiện nguồn thu ngân sách hụt giảm, nếu cứ giãn nợ, miễn thuế thì sẽ gây thất thu ngân sách. “Tiền hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người dân vào giai đoạn này là rất quý nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ. Chính phủ nên nghiên cứu nhu cầu xã hội rồi đưa ra các mức mà ngân sách có thể đáp ứng được. Thay vì huy động được bao nhiêu từ nguồn kết dư thì nên có một kế hoạch cứu trợ doanh nghiệp”, đại biểu tỉnh Bình Dương đề xuất.

Còn đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (Đoàn Bình Dương) thì nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên một điểm yếu mà đại biểu nhắc đến là về thủ tục hành chính. Theo đó, khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ tín dụng, các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp còn khó khăn. “Các gói hỗ trợ cũng cần sự tư duy chuẩn. Rõ ràng “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” nhưng nên giảm tiết các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, đại biểu nhấn mạnh.

Quan tâm đến lao động việc làm và đào tạo nghề, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) nêu thực trạng hiện nay là tỷ lệ lao động mất việc làm chắc chắn sẽ rất lớn, lực lượng những người dân di cư từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về địa phương khá đông, do đó, dự báo việc tìm lao động là rất khó khăn khi các doanh nghiệp quay trở lại sản xuất, kinh doanh.

“Đối mặt với Covid-19 cho thấy một số ngành nghề sẽ phải thay đổi, những ngành nghề mới sẽ hình thành. Sống chung với Covid-19 không chỉ trong một, hai năm mà cần một tầm nhìn dài, cần dự báo được tình hình chuyển dịch lao động sẽ như thế nào, cơ cấu ngành nghề sắp tới ra sao, từ đó nhu cầu việc làm sẽ thế nào”, đại biểu đề xuất

Đã xây dựng chương trình phục hồi lao động

Về vấn đề lao động, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ngành đã xây dựng chương trình phục hồi thị trường lao động. Bộ trưởng cho biết, hiện nay, chúng ta có 4 loại hình lao động gồm: Lực lượng lao động khu vực FDI; khu vực sản xuất công nghiệp; khu vực sản xuất ngoài khu công nghiệp và lao động tự do. Vừa qua, việc dịch chuyển lao động hầu như rơi vào nhóm lao động ngoài khu công nghiệp, lao động tự do.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động sẽ được tích hợp trong một nhánh trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế. Vấn đề thị trường lao động sẽ điều tiết theo thị trường.

THẢO NGUYÊN

_______

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616