Ngày 6/12/2019 lãnh đạo Chính phủ đã chính thức khai trương Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với ba số 111, đây là số ngắn, nhằm mục tiêu thường trực tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em.
Các lĩnh vực hoạt động và chức năng của Tổng đài 111
1. Tư vấn và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em:
- Tổng đài tiếp nhận và tư vấn về các vấn đề liên quan đến trẻ em như phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em; các khó khăn về chính sách và pháp luật; các khó khăn trong mối quan hệ ứng xử với bạn bè, trong gia đình, nhà trường; các vấn đề về tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản…
- Liên hệ và phối hợp với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan để hỗ trợ can thiệp cho trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bị bóc lột, bị mua bán, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, vi phạm quyền trẻ em
- Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em.
- Hỗ trợ tâm lý trực tiếp miễn phí cho trẻ em bị khủng hoảng nặng về tâm lý do bị xâm hại tình dục, bạo lực, bị mua bán… trẻ em bị các rối nhiễu về tâm lý thuộc hộ nghèo trong cả nước. Bên cạnh đó, Tổng đài cũng triển khai đánh giá, trị liệu tâm lý cho trẻ em có các rối nhiễu tâm lý khác (trẻ bị trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi…) và các trẻ em bị rối loạn phát triển (trẻ tự kỉ, tăng động giảm tập trung, chậm phát triển trí tuệ, chậm ngôn ngữ..)
Từ năm 2020 Tổng đài 111 khai mô hình hỗ trợ, can thiệp trực tiếp cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp tại các địa phương trên cả nước.
2. Tiếp nhận thông tin, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân của mua bán người:
Tổng đài 111 có chức năng tiếp nhận thông tin, tư vấn cho người dân các kiến thức về phòng, chống mua bán người. Tổng đài phối hợp với các cơ quan (Công an, Biên phòng, Ngoại giao, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và cán bộ Lao động-Thương binh và Xã hội các cấp) để giải cứu và hỗ trợ cho các nạn nhân của mua bán người.
3. Quản lý hệ thống thông tin dữ liệu: Việc lưu trữ các thông tin cuộc gọi và hồ sơ ca can thiệp sẽ là nguồn tư liệu phong phú, có giá trị cho các nghiên cứu hồi cứu, các phân tích định lượng và định tính hiện tại và sau này. Các thông tin lưu trữ có ý nghĩa với bản thân nhân viên tư vấn và các nhà quản lý Tổng đài; có ý nghĩa với các nhà hoạch định chính sách khi cần tìm hiểu về thực trạng các nhu cầu và vấn đề của trẻ em, của nạn nhân của mua bán người; có ý nghĩa với các nhà nghiên cứu về trẻ em khi tìm hiểu về mô hình nhận thức và hành vi của các nhóm xã hội trong quan hệ của trẻ em với các mạng xã hội khác.
4. Tham vấn ý kiến trẻ em thông qua điện thoại: Khi triển khai các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em như Nghị định, thông tư… Cục Trẻ em đã tiến hành tham vấn ý kiến trẻ em qua Tổng đài 111.
Ngoài việc tiếp nhận các thông tin của trẻ em và người dân qua điện thoại Tổng đài còn tiếp nhận thông tin qua báo chí, các ứng dụng trực tuyến như Zalo, App mobibe, Website, Fanpage, email Tổng đài 111.
Xem thêm: Kết quả hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em từ năm 2004 đến nay.
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616