Ngày xưa trẻ em đến trường nhất nhất phải nghe lời thầy, ở nhà phải nhất nhất nghe lời người lớn. Dưới quan điểm của tư tưởng Nho giáo, những đứa trẻ không có cơ hội bày tỏ quan điểm của bản thân. Ngày nay trẻ em được bày tỏ nguyện vọng, suy nghĩ, quan điểm, góc nhìn của trẻ về các vấn đề của trẻ em. Năm 2009, Diễn đàn trẻ em lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với chủ đề: “Trẻ em và các mục tiêu vì trẻ em”. Từ đó đến nay, thông qua các chương trình diễn đàn trẻ em, nhiều ý kiến, nhiều vấn đề của trẻ em đã được thẳng thắn chia sẻ với các nhà hoạch định chính sách về các vấn đề của trẻ.
Theo bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội: “Theo Luật Trẻ em và các văn bản hướng dẫn cụ thể, Diễn đàn trẻ em là một trong những hình thức để trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của mình. Trong những năm qua, Diễn đàn trẻ em đã được tổ chức ở các cấp, từ cấp xã, đến cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Thông qua Diễn đàn trẻ em, các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em ở các vùng miền đã được chuyển tới các cơ quan chức năng, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết các ý kiến nguyện vọng liên quan đến vấn đề trẻ em. Trong những năm qua, Việt Nam luôn quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác trẻ em, trong đó có các nội dung, lĩnh vực liên quan đến việc thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. Thông qua Diễn đàn trẻ em, rất nhiều vấn đề liên quan đến trẻ em mà trẻ em quan tâm: phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng… Các ý kiến của trẻ em liên quan đến trẻ em được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ, tổ chức có liên quan xem xét trong việc xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch có liên quan đến trẻ em.”
Từ năm 2016-2019, có 17.511 diễn đàn trẻ em các cấp với 1.767.875 lượt trẻ em tham gia. Ngoài ra các mô hình hoạt động khác của trẻ em đã tạo nên một kênh thông tin quan trọng với các bậc lãnh đạo, để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhất cho trẻ em. TIếng nói của trẻ em được người lớn tôn trọng, lắng nghe và hành động. Nhiều vấn đề của trẻ em đã được lấy ý kiến của trẻ em, như: Bộ Giáo dục và đào tạo phối hợp với Ủy ban Văn hóa – Giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan đơn vị lấy hơn 10.000 ý kiến của trẻ em đối với Dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Bộ Lao đọng, Thương binh và Xã hội đã tổ chức lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng 01 Nghị định, 01 Quyết đinh và 03 Thông tư; Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và một số đơn vị tổ chức lấy ý kiến trẻ em về đề án: “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025.
“Qua 10 năm thực hiện chương trình Thúc đầy quyền tham gia của của trẻ em, tổ chức các Diễn đàn trẻ em, nhiều yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức đưa vào xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể. Điều này cũng đảm bảo tính đúng về nhu cầu và mong đợi của trẻ em, quan trọng nhất là phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phù hợp với mong muốn của trẻ em khi được tiếp cận các đề án, chương trình, kế hoạch có liên quan đến các vấn đề của trẻ em” – bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Như vậy, để đảm bảo quyền trẻ em được thực thi một các tốt nhất, chúng ta cần biết lắng nghe, hành động để tạo nên một hành lang pháp lí vững chắc vì hạnh phúc của các em.
Link tải tài liệu: Sự tham gia của trẻ em trong gia đình
Link tải tài liệu: Sự tham gia của trẻ em trong nhà trường, xã hội
Link video: Các mô hình thúc đẩy Quyền Tham gia của trẻ em
Link video: Lắng nghe trẻ em bằng trái tim
Link video: Cách thức thực hiện Quyền tham gia của trẻ em
Link video: Các quy định về Quyền tham gia của trẻ em.
-------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061
+ Website Tổng đài 111 Tongdai111.vn