• 111
  • lang
  • lang

Cách trò chuyện với trẻ về giới tính theo độ tuổi.

Khi nào nên nói với trẻ về các vấn đề liên quan đến giới tính?

Việc nói chuyện với trẻ về giới tính có thể làm sớm khi trẻ bắt đầu tò mò và hỏi về nó. Vì khi đó, trẻ cảm thấy hứng thú và quan tâm đến điều đó. Cách trò chuyện có thể sẽ khác nhau tùy độ tuổi, nhưng đều là cho trẻ thông tin hơn là né tránh, la mắng hoặc nói phớt lờ đi. Vì sao?

Bằng chứng cho thấy: việc nói với trẻ về giới tính sớm và đúng cách sẽ giúp trẻ:

+Tự tin phát triển khi đến tuổi dậy thì

+Tự bảo vệ mình trước những xâm hại tình dục

+Hiểu biết về cơ thể, giới tính sẽ giúp trẻ có nhận thức về giới và có các mối quan hệ lành mạnh và đúng đắn và ít giấu diếm.

Khi người lớn giấu diếm hoặc la mắng trẻ thường sẽ:

+Tò mò tìm hiểu và thường đi sai lệch do mỗi đứa trẻ đều có tính tò mò không lúc này cũng lúc khác.

+Trẻ sẽ không muốn kể cho bạn nghe nữa vì điều trẻ muốn nói đã không được lắng nghe.

Cách trò chuyện về giới tính theo độ tuổi.

1. Trẻ 0-2 tuổi

Thực ra, suy nghĩ về giới tính của trẻ là không giống như chúng ta, nó đơn thuần là xây dựng khái niệm về yêu thương thông qua trải nghiệm về gần gũi, ôm và chạm. VD, bạn thấy bé trai có thể nghịch dương vật của bé và lo sợ con bị "dậy thì" sớm. Nó không có ý nghĩa gì lúc này, đơn giản chỉ là cách trẻ hiểu thế giới xung quanh mình, đặc biệt những phần cơ thể đang phát triển. Khi đó, bạn gợi ý cho bé một thứ khác để bé chơi vui hơn là được như quả bóng bóp kêu "chít chít". Song song đó, cách bạn nêu tên đúng các bộ phận cơ thể là nên làm hơn là dùng các từ để tránh như "ẹ ẹ", hay "ghê ghê". VD, con không được nghịch "cu tí" nè, với bé gái bạn vẫn gọi "chim" bình thường. Ngôn ngữ là cần được hiểu trong sáng và trẻ đón nhận nó cũng sáng trong. Khi bé biết đi, khi xi tè, thì cứ nói rõ chức năng khi cần, hoặc khi bé hỏi.

Các khái niệm và ngôn ngữ có thể giáo dục tên gọi thông qua đọc sách cho trẻ.

2. Trẻ 2-5 tuổi.

Sự tò mò về thân thể cũng sẽ hình thành vì khi đó bé bắt đầu nhận ra giới tính của mình, và hiểu sự khác nhau về bé trai, bé gái. Thậm chí, bé có thể lập lại những khái niệm khá nhạy cảm như sinh đẻ. VD, trẻ có thể nhét búp bê vào áo mình và nói: ba ơi xem nè, con đẻ em bé ra nè! Trẻ cũng có thể chui vào váy người mẹ hoặc ai đó tò mò xem cái này cái kia. Bé trai cũng có thể tò mò lông ngực của ba mình khi ba mình cởi trần. Tất cả những điều này là sự phát triển bình thường của nhận thức về sự khác nhau của thân thể, bé trai- bé gái, thậm chí ở trần hay mặc quần áo.

Cách bạn trò chuyện: đã đến lúc dạy trẻ những phần riêng tư của cơ thể và ai có thể chạm và khi nào. VD, bé gái phần ngực, vùng kín, bẹn là những phần riêng tư. Khi con bị bệnh, bác sĩ và các cô y tá có thể thăm khám cho con. Đó là cách giáo dục trẻ hiểu về sự riêng tư. Việc dạy này đơn giản dạy trẻ về ngôn ngữ, cách nói lên những phần "riêng tư" đó, để khi trẻ bị lạm dụng vào những phần đó, trẻ biết kể chính xác về vị trí đó.

Dạy trẻ 3 bước an toàn khi trẻ từ 2.5 tuổi là cần thiết để giảm các vấn đề xâm hại.

Bước 1: Sau khi đã giáo dục trẻ về phần riêng tư của cơ thể. Hãy dạy trẻ biết nói lớn như "KHÔNG, CON KHÔNG THÍCH BÁC CHẠM VÀO ..., PHẦN NÀY CỦA CON MÀ" khi ai đó (dù người lạ/quen) cố ý chạm vào những chỗ đó. Hãy dạy trẻ cách phản ứng "KHÔNG", nói lớn điều này khi ai đó làm chuyện không hay, dù đó là đang đùa giỡn. Về luật bảo vệ quyền trẻ con, việc đùa giỡn trên các phần riêng tư của trẻ là không được cho phép.

Việc nói lớn "KHÔNG" cũng giúp cha mẹ/người lớn xung quanh có thể hiểu tình huống để bảo vệ bé ở bước 2.

BƯỚC 2: Sau khi bé nói lớn "KHÔNG" ở trên. Bạn dạy bé cách bỏ chạy về phía 1 người lớn khác.

BƯỚC 3: Dạy trẻ kể chính xác ai đó chạm vào vị trí nào. Việc dạy cách nói chính xác vùng riêng tư của trẻ sẽ giúp trẻ kể chính xác. vấn đề

THÁI ĐỘ BẠN/AI ĐÓ TRÊN ĐƯỜNG KHI NGHE TRẺ LÀM VẬY: Không tỏ thái độ thái quá, bực tức, hãy luôn giữ bình tĩnh, lắng nghe hết câu chuyện. Bạn chỉ nên khuyên bé là: "Con của mẹ/con làm đúng, thân thể là của con, những phần riêng tư của con không ai được chạm vào, lần sau con hãy làm như vậy nếu có ai đó chạm vào nhé!"

Bạn đừng kể cho bé là bạn sẽ xử lý tình huống ra sao, đặc biệt đối với các bé dưới 7 tuổi vì có thể làm bé sợ. Bạn sẽ tự xử lý tình huống đó, và cùng sự giúp đỡ của những người khác, của cộng động và chính quyền. Nhưng, đừng kể cách bạn xử lý ra sao cho bé, chỉ cần cho bé biết "Việc bé làm là đúng, cần phát huy".

3 bước trên rất cần thiết cho các bé nhỏ, đặc biệt dưới 7 tuổi vì lúc này việc dạy bé ý thức về những phần riêng tư của bé là rất thuận lợi. Hơn nữa, trẻ hiểu về riêng tư và không chạm sẽ giúp trẻ dễ hiểu hơn cách xử lý khi trẻ lớn hơn.

3. Trẻ 5-9 tuổi.

Trẻ bắt đầu nhận thức về giới tính thật sự, trẻ có thể tò mò những thứ thuộc về thân thể. Từ 8 tuổi, trẻ có thể biết cách lập nhóm bạn theo cùng sở thích. VD, 2-3 trong lớp thích mặc áo nơ, hoặc thích điệu sẽ chơi với nhau.

Việc bạn trò chuyện về giới tính nên bắt đầu minh bạch, rõ ràng và trả lời đúng câu hỏi trẻ hỏi. Đừng làm trẻ bị ngại hay xấu hổ khi bị hỏi và trả lời vì lúc này trẻ nhận thức được sự xấu hổ về bản thân nếu ai đó nhắm vào đó để cười chê trẻ.

Dùng sách vở mang tính giáo dục, dạng tranh ảnh truyện tranh để trẻ hiểu hơn về cơ thể, chức năng, những khái niệm như làm sao trẻ sinh ra (VD, khái niệm tinh trùng và trứng không còn lạ với trẻ hiện đại ngày nay, cha mẹ cần minh bạch giải thích sẽ có ích về nhận thức của trẻ khi đến tuổi dậy thì), con gái dùng son trang điểm như thế nào (nếu bé gái bắt đầu tìm hiểu về điều này).

Cho trẻ thông tin về giới tính và các khái niệm liên quan là cần thiết và sớm khi trẻ bắt đầu quan tâm. Cách trò chuyện là không nên lẩn tránh hay la mắng mà cho trẻ thông tin, khái niệm đúng vì thực ra cấm đoán cũng không được. Cũng đừng nghĩ rằng đợi lớn sẽ nói tốt hơn. Điều này là chưa đúng vì mỗi độ tuổi nhận thức giới tính là khác nhau, khi lớn khái niệm nó mãnh liệt và ảnh hưởng bởi suy nghĩ không chỉ của trẻ nữa, do đó việc nói về giới tính khi lớn không còn hiệu quả giáo dục nhiều như khi trẻ nhỏ, mà chỉ là 1 ý để trẻ tham khảo vì trẻ có thể đã tham khảo nhiều ý từ nhiều người và bạn không thể biết ý đó là gì, ai trẻ cho là đúng trong cách nghĩ của trẻ lúc này. Chỉ có cách cho thông tin minh bạch và đúng từ nhỏ qua mỗi giai đoạn mới giúp trẻ có nhận thức đầy đủ về nó.

---

Sưu tầm

------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616