Việc xác định tuổi trẻ em để được hưởng chế độ theo Quyết định 23 (quy định cụ thể việc thực hiện Nghị quyết 68 về gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19) được xác định theo 2 phương án.
Liên quan đến gói 26.000 tỉ đồng, nhiều người thuộc đối tượng được hỗ trợ thắc mắc: Xác định thời điểm làm căn cứ để tính tuổi trẻ em khi giải quyết chính sách hỗ trợ, tuổi trẻ em (trẻ em chưa đủ 6 tuổi, trẻ em là người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) được xác định tại thời điểm nào?
Tại thời điểm Nghị quyết 68/NQ-CP có hiệu lực, thời điểm đối tượng nộp hồ sơ hay thời điểm tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động (đối với trường hợp trẻ em chưa đủ 6 tuổi); thời điểm bắt đầu điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế (đối với trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi)?
Về vấn đề này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thông tin:
Nguyên tắc chung trong áp dụng pháp luật là xác định theo thời điểm xảy ra hành vi hoặc sự kiện pháp lý; và nếu văn bản quy định hồi tối thì áp dụng theo quy định hồi tố đó (theo Khoản 1 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã được bổ sung, sửa đổi năm 2020).
Nghị quyết 68 và Quyết định 23 quy định hồi tố các chính sách: chính sách tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động tính từ thời điểm ngày 1.5.2021; chính sách đối với F0 và F1 tính từ thời điểm ngày 27.4.2021 (trong khi Quyết định số 23 có hiệu lực thi hành từ 7.7.2021).
Như vậy, việc xác định tuổi trẻ em để được hưởng chế độ theo Quyết định 23 được xác định theo 2 phương án:
Đối với trẻ em chưa đủ 6 tuổi được xác định tại thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động.
Đối với trẻ em dưới 16 tuổi được xác định tại thời điểm bắt đầu điều trị do nhiễm COVID-19 hoặc cách ly y tế.