Kể từ ngày 10/5/2016, Chính phủ quyết định lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. 5 năm qua, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an đều phối hợp với các địa phương tổ chức thành công nhiều sự kiện truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về phòng, chống mua bán người. Năm nay, sự kiện lại tiếp tục được phối hợp tổ chức với chủ đề “Cam kết giải quyết tận gốc vấn đề, cùng tuyến đầu loại bỏ nạn mua bán người” với hoạt động truyền thông tại huyện Con Cuông và Lễ mít tinh tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Sự kiện Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30.7.2020 vinh dự được đón tiếp đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực, Trưởng Ban chỉ đạo 138; đồng chí đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138; đồng chí Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138; đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An và các đồng chí đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh Nghệ An, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân đến dự, thể hiện sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về công tác phòng, chống mua bán người.
Thời gian qua, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tội phạm xuyên quốc gia. Các loại tội phạm bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng.
Riêng tội phạm mua bán người, 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019), nạn nhân đa số là phụ nữ và trẻ em. Thủ đoạn phạm tội là: tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động hoặc ép bán dâm, bán làm vợ, thậm chí bán nội tạng; việc lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán qua biên giới xảy ra nhiều; một số vụ án, đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân bị lừa bán, có cả những vụ việc ra nước ngoài để bán con sau khi sinh, đưa người ra nước ngoài trái phép cũng đang diễn ra phức tạp.
Nghệ An – một địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái pháp luật và cũng là địa phương thực hiện thành công nhiều chuyên án đấu tranh với tệ nạn mua bán người. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2016- 2020, lực lượng công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 03 vụ, 06 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai.
Cùng với việc ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng, chống mua bán người, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh việc thi hành các điều ước quốc tế cũng như tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động ngăn ngừa tội phạm và hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân mua bán người.
Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho người dân ngày càng đổi mới, phù hợp với nhận thức, trình độ của các tầng lớp nhân dân, các địa phương luôn phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững kết hợp với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người dân yên tâm ổn định cuộc sống tại quê nhà, giảm các nguy cơ phát sinh do di cư thiếu an toàn. Các cơ quan tư pháp cũng đã đẩy mạnh hoạt động thực thi pháp luật, kịp thời điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Đặc biệt, với vai trò nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, lực lượng Công an đã đi đầu thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác điều tra tội phạm, đấu tranh có hiệu quả với những đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây, tập trung các đợt cao điểm trấn áp tội phạm mua bán người trong phạm vi toàn quốc.
Về phía mình, Hội LHPN Việt Nam trong nhiều năm qua đã phát huy thế mạnh của tổ chức trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người với cách tiếp cận truyền thông đa dạng, phối hợp nhiều hình thức như tổ chức các phiên chợ truyền thông, phiên tòa giả định, triển lãm, các hoạt động giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, truyền thông chung giữa các tỉnh/huyện hai bên biên giới… , chủ động can thiệp, hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về có việc làm, tăng thu nhập để ổn định cuộc sống. Nổi bật là mô hình Ngôi nhà bình yên được thành lập từ năm 2007 cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, là điểm sáng về bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em.
“Cam kết giải quyết tận gốc vấn đề, cùng tuyến đầu loại bỏ nạn mua bán người” đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp hiệu quả của cấp uỷ, chính quyền, các cấp, các ngành, trong đó yêu cầu phát huy cao độ vai trò thường trực của ngành Công an đấu tranh, phát hiện, ngăn ngừa có hiệu quả nạn mua bán người và trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội, các ngành là thành viên Ban chỉ đạo 138 các cấp để có những hành động cụ thể giải quyết tận gốc nguyên nhân của mua bán người và đấu tranh kiên quyết xóa bỏ loại tội phạm này.
Các đại biểu thực hiện cam kết chung tay hành động, giải quyết tận gốc vấn đề, ngăn chặn và loại trừ tội phạm mua bán người.
Thực tiễn cho thấy, nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân là yếu tố chủ quan góp phần giải quyết tận gốc rễ vấn đề mua bán người, cho nên các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, chú trọng sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để truyền thông diện rộng đối với các nhóm người có nguy cơ cao bị mua bán, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập tốt hơn với cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ và người dân có sinh kế bền vững, phát triển kinh tế, giảm nghèo, khởi nghiệp, xây dựng gia đình hạnh phúc, giảm bớt nguy cơ phụ nữ và trẻ em bị mua bán.
Chúng ta mong rằng, mỗi người dân, đặc biệt là phụ nữ, cần hiểu và tự trang bị cho bản thân và người thân kiến thức, kỹ năng để không bị rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, sự đồng hành của các tổ chức quốc tế, công cuộc phòng, chống mua bán người của Việt Nam tiếp tục có nhiều hoạt động hiệu quả và mong rằng mỗi người dân hãy cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.
Theo: đồng chí Hà Thị Nga – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.