• 111
  • lang
  • lang

Cần mọi người cần chung tay để bạo lực học đường không trở thành nỗi ám ảnh của trẻ (phần 1)

Bạo lực học đường (BLHĐ) là một căn bệnh xã hội, có sức ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh, phụ huynh, thầy cô, nhà trường và cộng đồng. Việc hiểu rõ tính chất của BLHĐ, nguyên nhân xảy ra và những nỗ lực ngăn chặn BLHĐ hiện nay rất cần thiết với mọi người. Vì hành động đó sẽ góp phần tạo cho trẻ một môi trường giáo dục tin cậy, an toàn để tiếp thu kiến thức và xây dựng những tình bạn tích cực thay vì phải hứng chịu những hậu quả của BLHĐ.

1. Bạo lực học đường là gì? 
BLHĐ là một vấn đề mang tính hệ thống, đã và đang xảy ra ở nhiều trường học/ môi trường giáo dục trong nước ta. Khái niệm về BLHĐ có thể hiểu là chuỗi hành vi, lời nói mang tính chất miệt thị, xúc phạm, đe doạ, khủng bố người khác được lặp lại nhiều lần, trong một khoảng thời gian, gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nạn nhân. Theo tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), BLHĐ cũng có thể hiểu là việc cố ý sử dụng vũ lực hoặc quyền lực, bị đe dọa hoặc thực tế, chống lại người khác hoặc chống lại một nhóm hoặc cộng đồng, dẫn đến hoặc có khả năng cao dẫn đến thương tích, tử vong, tổn thương tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của họ hoặc gây ra các ảnh hưởng khác.

BLHĐ có thể xảy ra giữa học sinh - học sinh, giữa học sinh - giáo viên, trong đó người gây ra BLHĐ có thể là học sinh hoặc giáo viên.

Ryan Johnson for NPR

2. Nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường 
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra BLHĐ, và bất kì học sinh nào cũng có khả năng trở thành mục tiêu của hành vi BLHĐ, bất kể tuổi tác, giới tính, tôn giáo, dân tộc hay hoàn cảnh gia đình. Việc hiểu được nguyên nhân gây ra BLHĐ sẽ giúp cả cha mẹ và giáo viên có những giải pháp, nỗ lực phù hợp để giúp trẻ ngăn chặn và chống lại BLHĐ. 

Dưới đây là một vài nguyên nhân có thể dẫn đến BLHĐ giữa học sinh với học sinh:
- Từ chính bản thân trẻ:
+ Yếu tố về sự khác biệt ở vẻ ngoài, địa vị xã hội hoặc xu hướng tình dục, đều có thể dẫn đến BLHĐ.
+ Ngoài ra, BLHĐ cũng có thể xảy ra nếu một bạn trẻ quá tự tin, khi cảm thấy mình bị đe doạ, trẻ có thể phản hồi bằng những hành vi tiêu cực, thiếu khoan dung và sự thấu cảm. 

Gregory Hutchinson For The Teen Times

- Từ gia đình, xã hội:
+ Trường hợp trẻ đang cần sự chú ý từ người lớn, cần được công nhận là người dũng cảm, tự tin sẽ thực hiện những hành vi có xu hướng bắt nạt người yếu hơn nhằm xả giận, hoặc thể hiện sự thất vọng với cuộc sống.
+ Trong gia đình, nếu trẻ từng có lịch sử bị bạo hành bởi người lớn, gia đình không có tình thân ái hoặc cha mẹ có thói quen sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ xã hội, sẽ khiến trẻ tưởng rằng có thể dùng bạo lực không kiểm soát và giải quyết được vấn đề. 

- Từ thầy cô/ nhà trường:
+ Thầy cô/ nhà trường xử lý mâu thuẫn giữa trẻ với trẻ chưa phù hợp hoặc xem nhẹ, khiến trẻ bị bắt nạt thất vọng và ngẫu nhiên giúp trẻ bắt nạt bạn càng tự tin về hành động của mình.
+ Cũng có trường hợp thầy cô/ nhà trường sợ hãi trước những gia đình có quyền thế mà đối xử không công bằng với những trẻ có gia đình khó khăn, đơn thân khi có mâu thuẫn giữa các học sinh. Từ đó dẫn đến BLHĐ vẫn tiếp tục tồn tại, chưa được quan tâm xử lý 

3. Tình trạng bạo lực học đường
Theo cáo cáo sơ bộ, trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra khoảng 1600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, riêng năm 2018 đã xảy ra hơn 2000 vụ, tăng gấp 13 lần so với 10 năm trước. Theo các báo cáo vào giữa năm 2018 của các cơ quan công an tại 63 tỉnh thành trên cả nước thì từ năm 2010 đến nay đã có hơn 7.000 học sinh tham gia vào các sự việc đánh nhau, lôi kéo dọa đánh bạn và bị kỷ luật. Tình trạng bạo lực học đường ở Việt Nam đã không được giải quyết cơ bản và có nguy cơ leo thang.

BLHĐ có thể diễn ra ở bất cứ môi trường giáo dục nào, từ trường mẫu giáo cho đến đại học. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của một số chuyên gia, đa số các trường hợp BLHĐ diễn ra căng thẳng và phức tạp nhất ở trường trung học cơ sở (trường cấp 2) và trung học phổ thông (trường cấp 3). Vì khi đó, các em học sinh ở độ tuổi vị thành niên, đang trong thời kỳ phát triển và hoàn thiện tâm sinh lý, có xu hướng thể hiện mình hơn. Đồng thời đây cũng là thời kỳ các em phát triển mạnh về thể chất, dễ hưng phấn, khả năng kiềm chế chưa tốt và đề cao cái tôi của bản thân.


Mời đón đọc nội dung của phần tiếp theo: những lí do học sinh cần lên tiếng về BLHĐ và một số nỗ lực ngăn chặn BLHĐ từ phía cha mẹ, nhà trường hiện nay.

-------------
Nguồn tham khảo:
https://thanhnien.vn/giao-duc/tai-sao-cang-cai-cach-giao-duc-viet-nam-cang-roi-ram-1079177.html
https://suckhoedoisong.vn/bao-luc-hoc-duong-hau-qua-nang-ne-nhung-chua-co-giai-phap-thoa-dang-n164147.html 
https://study.com/teach/bullying-in-schools.html 
https://www.stopbullying.gov/bullying/what-is-bullying 
https://greatergood.berkeley.edu/article/item/what_are_the_best_ways_to_prevent_bullying_in_schools
https://www.voicesofyouth.org/blog/violence-schools-causes-and-solutions 
-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
         + Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
         + Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616