• 111
  • lang
  • lang

Cần mọi người chung tay để bạo lực học đường không trở thành nỗi ám ảnh của trẻ (phần 2)

Bạo lực học đường (BLHĐ) là một căn bệnh xã hội, có sức ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh, phụ huynh, thầy cô, nhà trường và cộng đồng. Việc hiểu rõ tính chất của BLHĐ, nguyên nhân xảy ra và những nỗ lực ngăn chặn BLHĐ hiện nay rất cần thiết với mọi người. Vì hành động đó sẽ góp phần tạo cho trẻ một môi trường giáo dục tin cậy, an toàn để tiếp thu kiến thức và xây dựng những tình bạn tích cực thay vì phải hứng chịu những hậu quả của BLHĐ. Mời quý vị xem phần 2 của bài viết "Cần mọi người chung tay để bạo lực học đường không trở thành nỗi ám ảnh của trẻ"

4. Hậu quả của bạo lực học đường với học sinh? Tại sao cần ngăn chặn bạo lực học đường?

Hậu quả của BLHĐ có thể là thương tích trên cơ thể của trẻ bị hại hoặc gây ảnh hưởng xấu đến tinh thần trẻ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp BLHĐ không được phát hiện do trẻ che giấu, trẻ không nhận biết được mình là nạn nhân của BLHĐ hoặc trẻ không ý thức được hành vi đó là BLHĐ.

BLHĐ nguy hiểm do ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần, thân thể và việc học của các em. Hậu quả của BLHĐ có thể khiến các học sinh là nạn nhân có xu hướng tự tổn thương bản thân, tự tách mình ra khỏi đám đông. Khi bị bắt nạt bởi nhiều lý do khác nhau, các em có thể nghi ngờ chính bản thân mình và ngày càng tự ti. Một số trường hợp BLHĐ có thể gây ra ám ảnh đối với nạn nhân, dẫn đến một số hành vi ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng: mất ngủ, bị suy sụp tinh thần, có thể nghĩ đến việc tự tử và thậm chí thực sự có hành động tự tử. Đối với những người bạn cùng lớp với trẻ bị bắt nạt: các bé cũng sẽ cảm thấy lo lắng vì môi trường học tập không tích cực, cũng sẽ có bé tự trách, có cảm giác tội lỗi vì không thể bảo vệ hoặc bênh vực bạn cùng lớp bị bắt nạt.

Ngoài ra, BLHĐ khiến trẻ bị bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực có ấn tượng không tốt, có cái nhìn tiêu cực về trường lớp, từ chối đến trường. Các em có thể sẽ trốn học, không hào hứng với việc học, mất tập trung, không dám thể hiện bản thân trong giờ học. Những điều này có thể ảnh hưởng đến thành tích học tập, điểm số và hơn hết là sự hứng thú với học tập có thể bị suy giảm. Thêm vào đó, thế giới quan của trẻ bị bắt nạt, chứng kiến bạo lực có thể thay đổi theo hướng tiêu cực: mất niềm tin về sự nhân văn, văn hoá ứng xử giữa người với người hoặc tệ hơn là có xu hướng tin vào việc sử dụng bạo lực để thể hiện sức mạnh và bản thân.

Ngoài ra, BLHĐ ngày càng nguy hiểm khi BLHĐ có khuynh hướng lây lan theo nhóm bạn, khi trẻ cùng trang lứa rủ rê nhau cùng bắt nạt những bạn khác. Cụ thể hơn, có nhiều trường hợp các em học sinh tổ chức các hành vi BLHĐ bằng cách lên kế hoạch, kêu gọi bạn bè cùng trang lứa tham gia, quay lại video để có thể đăng tải trên mạng xã hội như một cách khoe chiến tích. 

5. Tại sao học sinh nên lên tiếng về bạo lực học đường? Học sinh có thể lên tiếng bằng cách nào?

Việc lên tiếng để chống lại BLHĐ là một hành động rất quan trọng với nạn nhân, với những học sinh chứng kiến và cộng đồng. Vì khi có tiếng nói chống lại BLHĐ tức là ta đang khẳng định hành động đó là sai, cần được dừng lại, xoá bỏ khỏi môi trường giáo dục. Cha mẹ, thầy cô nên động viên các em học sinh dũng cảm lên tiếng về BLHĐ vì:
- Các em có thể trở thành nạn nhân của BLHĐ hoặc kẻ bắt nạt mà không hề hay biết nếu không lên tiếng. Hãy dũng cảm lên tiếng để kêu gọi sự giúp đỡ cần thiết cho chính các em, từ cha mẹ, nhà trường, các cơ quan chức năng và cộng đồng. 
- Truyền động lực, sức mạnh cho những bạn là nạn nhân hoặc phải chứng kiến BLHĐ: việc bắt nạt là sai trái, người bị bắt nạt không có lỗi. Cho các bạn cùng biết bản thân em cũng phản đối BLHĐ. Cho các bạn biết rằng bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của BLHĐ, vì thế hãy trò chuyện, chia sẻ về những khó khăn đang có để có thể tìm ra những giải pháp phù hợp.
- Góp phần thay đổi thực trạng BLHĐ: thay đổi hành động của nhà trường và các cơ quan chức năng, kêu gọi sự chú ý từ cộng đồng để lên án mạnh mẽ BLHĐ. Một môi trường giáo dục an toàn, tích cực, không có BLHĐ là quyền lợi mà các em được trải nghiệm.

Để lên tiếng về BLHĐ, các học sinh có thể tham khảo những hướng dẫn sau:
- Nói chuyện với cha mẹ, người lớn mà các em tin tưởng, thầy cô về vấn đề này, nhờ họ hỗ trợ để ngăn cản việc BLHĐ đang diễn ra nếu có thể
- Trò chuyện với bạn học bị bắt nạt, trấn an rằng bạn bị bắt nạt không phải do lỗi của bạn.
- Tích cực tham gia và khuyến khích bạn học cùng tham gia các chương trình vận động phòng chống bạo lực học đường tại trường lớp, cộng đồng.

6. Một số hoạt động trong lớp thầy cô có thể tiến hành để giảm tỷ lệ BLHĐ giữa học sinh với học sinh

- Dành một khoảng thời gian cho trẻ được thư giãn, giảm độ căng thẳng của việc học tập.

- Tăng cường một số hoạt động học tập nhóm tại lớp cần các học sinh giúp đỡ nhau, hợp tác với nhau.

- Hỗ trợ học sinh được tiếp cận và luyện tập các phương pháp đối mặt với xích mích, thương lượng, tự hoà giải.

- Cho học sinh thảo luận các phương pháp kỷ luật có thể áp dụng với kẻ bắt nạt 

7. Các nỗ lực khác có thể thực hiện để hạn chế và ngăn chặn BLHĐ
- Nhà trường, cộng đồng có thể tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm tuyên truyền về hiện trạng, hậu quả BLHĐ và các ngăn chặn chúng.

- Cơ quan chức năng tích cực phối hợp với nhà trường để thường xuyên giám sát, kiểm tra những khu vực xung quanh trường nếu có các bè phái xã hội đen, hay rủ rê, lôi kéo, ảnh hưởng xấu đến học sinh. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần đề ra những biện pháp trừng phạt pháp luật phù hợp với trẻ vị thành niên, học sinh gây ra BLHĐ.

- Nhà trường cần trao đổi với phụ huynh trong việc áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực thay vì trừng phạt thân thể, tâm lý học sinh nhằm tạo ra môi trường giáo dục tích cực, an toàn, để học sinh có thể yên tâm học tập, phát triển bản thân.

- Các em học sinh khi chứng kiến bạn của mình bị bắt nạt, có thể lên tiếng trực tiếp hoặc gián tiếp. Càng nhiều người lên tiếng phản đối BLHĐ, cơ hội kẻ bắt nạt dừng lại càng cao. Hãy luôn nhớ tìm đến người lớn mà các em tin tưởng để nhờ giúp đỡ ngăn chặn BLHĐ hoặc trò chuyện về BLHĐ.

 

Nếu chỉ có số ít cá nhân dám lên tiếng chống lại BLHĐ, tức là cả học sinh, gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng đang gián tiếp tiếp tay cho BLHĐ diễn ra. Nguy cơ BLHĐ có khả năng trở thành một loại văn hoá "ngầm" trong môi trường giáo dục sẽ được hạn chế nếu có sự đồng lòng, chung tay ngăn chặn từ nhiều bên, thay vì chỉ có bản thân trẻ, gia đình và nhà trường cố gắng. Mục tiêu của những nỗ lực trên là đẩy lùi và ngăn chặn BLHĐ xảy ra lần nữa. Đây là trách nhiệm của cả xã hội, cộng đồng.

-------------
Nguồn tham khảo:
https://thanhnien.vn/giao-duc/tai-sao-cang-cai-cach-giao-duc-viet-nam-cang-roi-ram-1079177.html
https://suckhoedoisong.vn/bao-luc-hoc-duong-hau-qua-nang-ne-nhung-chua-co-giai-phap-thoa-dang-n164147.html 
https://study.com/teach/bullying-in-schools.html 
https://ktar.com/story/2932571/conference-encourages-arizona-students-to-speak-up-about-bullying/
https://greatergood.berkeley.edu/article/item/what_are_the_best_ways_to_prevent_bullying_in_schools
https://www.voicesofyouth.org/blog/violence-schools-causes-and-solutions 
https://adapp.org/wp-content/uploads/2018/04/Educators-Guide-3.pdf

https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000149284

-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616