• 111
  • lang
  • lang

Cần tiếp tục ngăn chặn lao động trẻ em khi COVID-19 vẫn đang diễn ra

Lao động trẻ em khác với trẻ em tham gia hoạt động kinh tế. LĐTE bị ngăn cấm là các hình thức lao động vi phạm pháp luật, và có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của các em (trẻ từ 5 - 17 tuổi).

Một trong các lý do để LĐTE tồn tại là do điều kiện hoàn cảnh kinh tế xã hội của nhiều gia đình khó khăn: cha mẹ không biết chữ, suy nghĩ và nhận thức của họ có cách biệt với cộng đồng, trong đó là quan điểm trẻ em không cần thiết phải đi học hoặc học quá nhiều chẳng để làm gì, thay vào đó hãy đi làm kiếm tiền phụ gia đình. Điều này dẫn đến việc trẻ em trong gia đình bị rơi vào tình huống phải bỏ học.

Nhiều gia đình thuộc diện du canh du cư, không định cư cố định tại một địa điểm, nên các vấn đề tuyên truyền, hỗ trợ học nghề, dạy nghề chưa thực sự có tác dụng với nhóm gia đình này. Thay vào đó, phương thức giao tiếp trực tiếp, dùng lối nói và diễn giải đơn giản, gắn với cuộc sống hàng ngày của họ cho thấy sự tiếp thu hiệu quả hơn.

Ở nhiều địa phương, những loại công việc không chính thức, cơ hội việc làm tự do đã thu hút không chỉ người trưởng thành mà còn cả trẻ em tham gia lao động, từ loại công việc thời vụ đến dài hạn. Dù thu nhập không cao nhưng nhiều trẻ em sẵn sàng bỏ học để đi làm những công việc này.

Trong đại dịch COVID-19, nhiều trường học đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội. Khi trẻ em không cần đến trường, nhiều phụ huynh tận dụng điều này để khuyến khích các em đi tìm việc làm để giúp đỡ gia đình vượt qua thời điểm khó khăn.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và bộ LĐTBXH nhấn mạnh rằng cần đảm bảo điều kiện kinh tế xã hội của gia đình không gặp khó khăn, từ đó trẻ em sẽ không bị đẩy vào tình huống phải lao động để hỗ trợ tăng thu nhập: "Cách trực tiếp nhất để giải quyết áp lực trẻ em phải làm việc là tạo cho các em và gia đình các em một nguồn thu nhập thay thế, bổ sung bền vững. Như vậy, sự đóng góp kinh tế của trẻ em trở nên không cần thiết. Trên khía cạnh này, sự hoàn thiện hơn nữa năng lực của hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em và gia đình là cần thiết."

Nhận thức của cộng đồng về lao động trẻ em còn kém và chưa đồng nhất, chủ yếu do ý thức chăm sóc con trẻ chưa cao và việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình chưa triệt để. Không ít hộ gia đình thuê lao động trẻ em làm giúp việc vì nghĩ rằng họ đang không vi phạm pháp luật, và hoàn toàn do hai bên cùng thống nhất, không có sự ép buộc. Đồng thời, những gia đình khó khăn cho rằng việc con cái tham gia lao động tăng thu nhập như người lớn là bình thường khi gia đình có nhiều con. Có lẽ do trong cộng đồng của họ cũng có nhiều trẻ em đang ở hoàn cảnh tương tự. Hoặc đời sống họ quá khó khăn, vừa không thể cho trẻ đến trường, vừa cần nguồn thu nhập khi trẻ đi làm.

Để giải quyết những khó khăn trên cần sự hành động đồng nhất giữa các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và sự hỗ trợ không ngừng nghỉ của các tổ chức địa phương và quốc tế. Ngoài ra, sự phối hợp của các gia đình và các bạn trẻ là không thể thiếu để có thể nâng cao nhận thức về loại bỏ lao động trẻ em.

Qua Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần 2, được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) từ tháng 11-12/2018, được xuất bản vào tháng 12/2020, đã chỉ ra rằng: "Một vấn đề cần được quan tâm là cuộc điều tra cho thấy có gần 520.000 lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của trẻ. Lao động trẻ em làm các công việc độc hại thường xuất hiện trong khu vực công nghiệp và xây dựng. Số giờ làm việc của lao động trẻ em làm các công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm có xu hướng cao, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần."

Thời gian làm việc trong tuần là yếu tố quan trọng xác định mức độ tham gia lao động của các em. Theo cuộc điều tra, trẻ em trai làm việc nhiều thời gian hơn so với trẻ em gái, đồng thời, trẻ em càng lớn tuổi càng có xu hướng làm việc nhiều giờ hơn.

Ngoài ra, điều tra cũng cho thấy tỷ lệ đi học giảm dần với nhóm trẻ trong độ tuổi từ 13-14 (94.2%), 15-17 (81.7%) cho với nhóm trẻ từ 5-12 tuổi (98.3%). Và trong cùng một độ tuổi, tỷ lệ trẻ em đang đi học ở nông thôn thấp hơn trẻ em ở thành thị. Ngoài lý do không thích đi học, học kém, điều đáng quan tâm ở đây là có đến 15% trẻ em nghỉ học vì lý do tham gia lao động để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình, và 14.4% không tiếp tục đi học vì không có tiền để học tập.

-------------

Nguồn tham khảo:

https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_463104.pdf

https://ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/publication/wcms_764355.pdf 

 

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616