• 111
  • lang
  • lang

Cảnh giác cưỡng bức lao động ẩn nấp dưới hình thức di cư lao động (Phần 2)

Sự gia tăng của nô lệ thời hiện đại trong ngành sản xuất tại châu Á ngày càng diễn ra trầm trọng, đặc biệt trong vòng 5 năm qua. Và nguy cơ được đẩy lên đỉnh điểm khi khủng hoảng kinh tế đã diễn ra kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện toàn cầu.

Ngành sản xuất tại châu Á bị ảnh hưởng nặng nề khi nhu cầu người dùng giảm đột biến và lệnh phong toả được áp dụng tại nhiều nơi. Hàng triệu người lao động trong khu vực bị mất việc làm do nhiều nhà máy phải đóng cửa hoặc cắt giảm sản lượng sản xuất. Từ đây, nhiều người lao động bị buộc phải chuyển sang tham gia lao động không chính thức. Trong khi đó tại nhiều nước, khu vực kinh tế không chính thức chưa được bảo hộ, có nguy cơ cao khiến người lao động trở thành nô lệ thời hiện đại. Họ chấp nhận công việc vất vả hơn, bị bóc lột, mức lương thấp để có thể sống qua ngày.

Những con số đáng kinh ngạc theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO cho hay, gần 1.6 tỷ người lao động phi chính thức đã không thể kiếm sống kể từ khi đại dịch diễn ra. Khoảng 65% lực lượng lao động châu Á trong nền kinh tế phi chính thức đã gặp khó khăn và hầu như không thể tiếp cận được với các biện pháp bảo hộ lao động, khiến họ càng dễ rơi vào tình trạng cưỡng bức lao động. Những rủi ro kể trên cũng có thể xảy ra với những lao động đang làm trong ngành nông nghiệp, dịch vụ, nhà hàng khách sạn hoặc công nhân xây dựng.

Tại một số nền kinh tế lớn của châu Á, thật không may những khu vực này cũng có thể là nơi diễn ra tình trạng cưỡng bức lao động thường xuyên nhất, ở mức độ độc hại cao. Và khi nhiều gia đình phải chật vật với hệ quả của đại dịch COVID-19, thì dường như cưỡng bức lao động ở người lớn và trẻ em có nguy cơ xảy ra nhiều hơn chứ không phải ít hơn.

Những quyết định về tham gia lao động, hoặc lao động di cư diễn ra từ trước khi đại dịch và trong đại dịch đều là những quyết định chớp nhoáng dựa trên tình hình kinh tế khó khăn trước mắt của người lao động, không phải quyết định nào cũng được lên kế hoạch với một tầm nhìn lâu dài. Gia đình, bạn bè và cộng đồng của người di cư lao động thường có sức ảnh hưởng nhất định đến quyết định của người lao động. Những thông tin mà người có ý định đi di cư lao động thường nhận được cũng từ nhóm người có sức ảnh hưởng với nọ, là gia đình, bạn bè và cộng đồng xung quanh.

Ngoài ra, phần lớn người lao động ký hoặc đồng ý với hợp đồng lao động được chuẩn bị bởi bên môi giới hoặc chủ sử dụng lao động mà không hoàn toàn hiểu được những điều khoản trong hợp đồng cũng như phúc lợi họ được hưởng hoặc quy định về công việc trong tương lai.

Bên cạnh đó, khi người lao động rơi vào tình trạng bị cưỡng bức lao động, họ có nguy cơ phải đối mặt với việc bị bóc lột sức lao động, bạo lực thân thể và bạo lực tình dục mà khó có thể nhận được sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ cần thiết. Cho dù họ có lên tiếng, báo cáo về các hành vi trên, thường các lãnh đạo hoặc chủ sử dụng lao động sẽ làm lơ và không quan tâm đến tình trạng này.

Nhiều bản báo cáo cho thấy nghề giúp việc tại gia đình là một trong những nghề dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột và lạm dụng. Bởi vì bản chất công việc, người lao động đến làm việc tại nhà riêng của chủ sử dụng lao động, khi đó, việc ngược đãi, chế độ đãi ngộ không công bằng khó bị phát hiện, dẫn đến tình trạng này có thể tiếp diễn mà người lao động khó tìm được cách phản kháng.

Để có thể chấm dứt tình trạng đáng buồn này, cần có sự chung tay, đoàn kết của chính quyền các nước, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, từ cá nhân hay các tổ chức phi chính phủ, hãy thực hiện tốt công việc và nhiệm vụ của mình trong quá trình chống lại lao động cưỡng bức, chia sẻ kiến thức, bài học kinh nghiệm và phương pháp cụ thể.

----------------

Nguồn tham khảo:

https://www.youtube.com/watch?v=pD0IT6q08bU&ab_channel=InternationalLabourOrganization

https://www.ilo.org/global/topics/forced-labour/lang--en/index.htm

https://sourcingjournal.com/topics/sourcing/fashion-factories-forced-labor-verisk-maplecroft-modern-slavery-asia-vietnam-230401/

https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/@dgreports/@dcomm/documents/publication/wcms_575479.pdf

https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---ed_protect/---protrav/---migrant/documents/instructionalmaterial/wcms_767575.pdf

-----------

Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616