Ngày nay, con người di chuyển, thay đổi nơi ở vì nhiều lý do: thoát khỏi cảnh nghèo đói, tránh xa xung đột ở quốc gia đang sinh sống, tiếp tục học tập, tìm kiếm cơ hội công việc mới hoặc đến ở chung với gia đình sau nhiều năm xa cách. Từ năm 2000 đến năm 2015, số lượng người di cư quốc tế đã tăng lên 41%, chạm mốc khoảng 244 triệu người, và một nửa dân số di cư là phụ nữ.
Những người phụ nữ tham gia di cư sẽ có nhiều hình dáng khác nhau, ước mơ khác nhau và đến từ những hoàn cảnh gia đình không giống nhau. Họ đang cùng cố gắng xây dựng kinh tế, gia đình của họ và giúp đỡ cộng đồng. Cứ 6 người giúp việc trong gia đình sẽ có 1 người lao động di cư, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 74% số lao động di cư quốc tế đang làm công việc giúp việc cho gia đình. Nguồn tiền thu nhập của nhóm người phụ nữ này gửi về gia đình đã giúp cải thiện đời sống kinh tế, tinh thần, sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình. Trong năm 2020, lượng tiền kiều hối được gửi về các quốc gia đang phát triển lên đến 445 tỉ đô la Mỹ, đây là con số đã giảm 19.7% so với năm 2019, trước khi có đại dịch COVID-19.
Nhân dịp chuẩn bị chào mừng ngày Quốc tế Người di cư (18 tháng 12), mời quý vị theo dõi câu chuyện của những người phụ nữ di cư, những người đã dám đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và luôn đặt phụ nữ vào trung tâm của các giải pháp.
1. Tham gia thúc đẩy, ủng hộ quyền người lao động tại Philippines
Cô Edna Valdez di cư đến Hồng Kông và làm công việc giúp việc từ năm 1996. Trong quá khứ, cô không có ngày nghỉ và phải làm trong khoảng thời gian lâu hơn thoả thuận trong hợp đồng. Khi cô phàn nàn về điều này, người chủ nói rằng cô sẽ chỉ nhận được tiền phụ cấp sau khi làm việc được hai năm. Cô tiếp tục làm cho đến năm thứ ba, đến thời gian bắt đầu được hưởng phụ cấp, thì cô bị đuổi việc.
"Thách thức lớn nhất của những người phụ nữ di cư làm nghề giúp việc chính là họ không biết quyền lợi mà mình được hưởng. Mặc dù có các điều luật và dịch vụ hỗ trợ, họ cũng không biết cách đòi quyền lợi hoặc tiếp cận những sự hỗ trợ đang có" - cô Edna cho hay.
Cô Edna đã trở về Philippines và tham gia vào Liên hiệp Bannuan Ti La và bắt đầu công việc đấu tranh cho quyền của những người phụ nữ di cư.
2. Lên tiếng về quyền của người lao động tại Ethiopia
Việc thiếu các cơ hội kiếm sống đang khiến những người phụ nữ trẻ Ethiopia quyết định di cư, thường qua các con đường không chính thống, và làm giúp việc tại các nước ở vịnh Ba Tư.
Meliya Gumi, một goá phụ với 8 người con, sống ở ngôi làng của khu vực Haro Kunta ở Ethiopia. Khi cả gia đình cô phải đối mặt với việc kiếm sống qua ngày, 2 người con gái lớn của cô đã lần lượt di cư đến Dubai và Qatar. Khi đến đất nước mới, họ mới nhận ra rằng cả 2 đã bị lừa phải làm việc trong một môi trường hết sức khó khăn, khổ sở mà không được hưởng quyền lợi cơ bản hoặc được bảo vệ. “Tôi mong muốn 2 con gái được trở về nhà an toàn, và tôi sẽ không bao giờ muốn các con ra đi như vậy nữa, dù chúng tôi trải qua cuộc sống nghèo khó tại quê nhà" - cô chia sẻ.
Meliya hiện nay là một trong 22 thành viên hoạt động tích cực của nhóm "Trò chuyện cộng đồng" ở khu vực sinh sống của cô. Nhóm được thành lập và hoạt động với mục tiêu ngăn chặn di cư nhằm bóc lột sức lao động, di cư không chính thống, hoặc mua bán người lao động. Meliya chia sẻ những trải nghiệm qua câu chuyện về con gái của cô như một lời cảnh báo cho mọi người, cô nhấn mạnh rằng "Nếu có đủ nguồn lực, về công việc, cơ hội kiếm tiền tại quê hương, cung cấp cho người lao động trẻ, có lẽ sẽ nhóm người trẻ sẽ không cần phải di cư theo con đường không chính thống".
Kết quả từ nhiều cuộc thảo luận và nhận được sự hỗ trợ từ cơ quan chính quyền, nhiều phụ huynh, gia đình đã bắt đầu nghiêm túc với việc đầu tư giáo dục cho con cái và các hoạt động kiếm tiền để nuôi gia đình.
3. Học những kỹ năng mới tại Nepal
Những con số mới nhất từ Nepal cho thấy có khoảng hơn 21 ngàn phụ nữ Nepal đang làm việc một cách hợp pháp tại nước ngoài, đa số là tại các quốc gia của Tiểu vương quốc Ả Rập, Ả Rập Xê Út và Kuwait.
Dawa Dolma Tamang, 32 tuổi, đã rời ngôi làng phía đông Nepal là Maheshwari để đến làm tại Abu Dhabi, và được thông báo bản thân cô không đủ điều điện sức khoẻ để làm việc ngay khi đến Abu Dhabi. Do đó, cô ấy phải trở về Nepal và không một xu dính túi. Dolma kể cô muốn di cư vì có mong muốn đi làm kiếm được nhiều tiền hơn để có thể thay đổi cuộc sống. Cô nghĩ việc di cư chính là con đường duy nhất để có thể thoát khỏi đói nghèo, để có thể trang trải cho cuộc sống chăm sóc 2 con nhỏ và người chồng nghiện rượu.
Một văn phòng môi giới đã giới thiệu Dolma một công việc dọn dẹp tại Abu Dhabi với lời hứa về mức lương hậu hĩnh hơn rất nhiều so với ở Nepal. Văn phòng môi giới việc làm tại Nepal thu mức phí cao gấp 7 lần mức phí bình thường cần thiết cho việc lập hồ sơ. Và khi Dolma đến Abu Dhabi, cô được đưa vào một căn hộ ở chung với 3 người phụ nữ khác. 3 ngày sau, một bác sĩ đến khám sức khoẻ như là một phần của quá trình tuyển dụng. Sau đó Dolma được bác sĩ thông báo kết quả dương tính với bệnh lao và không đạt tiêu chuẩn về sức khoẻ để được làm việc tại đây.
Hiện Dolma đang làm công việc thợ xây và cố gắng tiết kiệm tiền để trả phần tiền cô nợ khi làm thủ tục cho việc di cư. Cô sẽ sớm được tham gia vào lớp dạy nghề và các kỹ năng khởi nghiệp của một tổ chức uy tín tại Nepal để có cơ hội cải thiện cuộc sống một cách bền vững.
-------------------
Nguồn tham khảo:
https://www.unwomen.org/en/news/stories/2017/12/compilation-international-migrants-day
-------------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616