• 111
  • lang
  • lang

Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero

Nằm trong chiến dịch “It Takes A World - Chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học” do Tổ chức World Vision Việt Nam khởi xướng năm 2017, “Người bình dị phi thường” là sáng kiến khích lệ, thúc đẩy việc làm cụ thể của mọi thành phần trong xã hội để góp phần tạo nên môi trường an toàn, tích cực và tràn đầy yêu thương, nơi mọi trẻ em được phát triển một cách toàn diện.

Trong năm 2021, World Vision Việt Nam phối hợp cùng Viện MSD thực hiện chuỗi tọa đàm trưc tuyến từ tháng 7 đến tháng 9 để truyền thông bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ở bất kỳ độ tuổi nào, người lớn hay trẻ em ít nhiều cũng sẽ gặp những rắc rối, mâu thuẫn xoay quanh các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày. Việc giải quyết mâu thuẫn với người lớn đã là thách thức, đối với trẻ em việc này còn khó khăn hơn rất nhiều. Trong lúc này, điều trẻ cần nhất là sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng giải quyết từ cha mẹ.

Tọa đàm “Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero" tập trung chia sẻ các góc nhìn và cách thức để cha mẹ, người chăm sóc hỗ trợ trẻ em đối mặt, hành xử phù hợp và giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong cuộc sống. Tọa đàm có sự tham gia của: Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bà Phan Thị Kim Liên - Quản lý Chương trình Bảo vệ trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam; Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú. Tọa đàm do bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng MSD điều phối.

Các diễn giả tham gia tọa đàm trực tuyến

Sự kiện cũng là dịp để cha mẹ nhận thức rõ hơn về vai trò, ảnh hưởng của mình lên cách xử lý mâu thuẫn của con cái; từ đó điều chỉnh lời nói, thái độ và hành động để góp phần vun đắp cho tương lai của trẻ, nơi tình yêu thương, sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau luôn hiện hữu.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công việc lắng nghe, gỡ rối những tâm sự của lứa tuổi trẻ em, vị thành niên, nhà báo Hoàng Anh Tú cho rằng mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình là điều rất phổ biến. “Dù ở thời đại nào, kể cả ngày xưa hay ngày nay, mâu thuẫn trong gia đình đều rất giống nhau. Chúng ta nói muốn con được hạnh phúc nhưng chỉ khi bố mẹ hạnh phúc thì con cái mới hạnh phúc được. Chính cách bố mẹ hạnh phúc với những gì đang có thì con mới có thể hạnh phúc. Nhiều người không biết rằng, đôi khi đứa trẻ không cần gì nhiều ngoài sự hiện diện, lắng nghe của bố mẹ mình”, nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ.

Bà Phan Thị Kim Liên - Tổ chức World Vision

Cùng quan điểm với nhà báo Hoàng Anh Tú, bà Phan Thị Kim Liên khuyến khích: "Cha mẹ hãy xây dựng mối quan hệ thân thiết với con cái bằng những hành động nhỏ như việc nói lời yêu thương, lời xin lỗi, hỏi thăm. Những việc làm như thế tuy rất nhỏ và đơn giản nhưng lại có tác động rất phi thường vì sẽ tạo nên sự thân thiết, niềm tin của con cái với bố mẹ, là động lực lớn với trẻ”. 

Ngoài ra, để giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, bà Kim Liên đưa ra gợi ý: “Cha mẹ đừng coi những mâu thuẫn của con là số 0 vì thực tế trẻ em nhạy cảm hơn chúng ta rất nhiều. Việc đầu tiên, chúng ta hãy quan tâm khi con trẻ có vấn đề, phát hiện và hỗ trợ xem vấn đề của con là gì để cùng tìm hiểu và giúp đỡ. Sau khi đã rõ về vấn đề thì bố mẹ mới xét đến chuyện cùng con xử lý mâu thuẫn hay để con tự xử lý."

Ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình

Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chia sẻ: “Khi cuộc sống càng phát triển, mâu thuẫn sẽ càng phát sinh. Các thành viên trong gia đình có quyền ngang nhau và tất nhiên trẻ em cũng có sự tham gia tương đương với cha mẹ. Tuy nhiên, hiện nhiều phụ huynh, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa không được tiếp cận với việc giáo dục làm cha mẹ.". Ông cũng cho biết Vụ Gia đình đã và đang tiến hành tiếp cận nhóm cha mẹ này bằng cách cung cấp tài liệu với các thông tin, hướng dẫn cách xây dựng mối quan hệ với con, cách nói chuyện với con, hướng dẫn cho con. Ngoài ra, Vụ Gia đình cũng tích cực thực hiện nhiều chương trình xuay quanh chủ đề phát triển gia đình, giáo dục con trẻ một cách khoa học, tiến bộ, ứng xử giữa các thành viên trong gia đình và phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện các chương trình bảo vệ trẻ em và làm cha mẹ.

Qua buổi toạ đàm này, bà Nguyễn Phương Linh tổng kết rằng chính cha mẹ cần chấp nhận những mâu thuẫn trong gia đình thay vì trốn tránh hoặc ngó lơ. Bởi vì sự tồn tại của các quan điểm khác biệt, khoảng cách giữa các thế hệ là hoàn toàn tự nhiên. Khi cha mẹ đồng hành cùng con trẻ tức là cha mẹ lựa chọn cùng con tìm giải pháp, không lảng tránh, cũng không xử lý một cách thái quá.

Đồng hành cùng con tức là hành động với tiêu chí: dành thời gian cho con, trao đổi tương tác, lắng nghe con và hỏi ý kiến, tôn trọng quan điểm của con; khi có mâu thuẫn, cha mẹ hãy cùng con phân tích và tìm giải pháp. 

The Most Common Reasons Why Kids Avoid Listening to the Parents

Những hành động bình dị kể trên có thể không phải là thói quen hành xử của một số cha mẹ trong cuộc sống bận rộn ngày nay. Tuy nhiên, vì sự phát triển tốt nhất của trẻ, cha mẹ hãy cân nhắc để có sự thay đổi phù hợp và tích cực hơn nhằm tạo được mối quan hệ bền vững, thân thiết hơn với trẻ. Những việc bình dị ấy, có thể có tác động phi thường đối với con cái mà cha mẹ không ngờ được. Bằng cách này, cha mẹ đang giúp con noi theo và hướng dẫn xử lý những tình huống mâu thuẫn gặp phải trong gia đình và trong các mối quan hệ xã hội.

-----------

Nguồn tham khảo: 

https://tuoitrethudo.com.vn/khi-cha-me-la-nguoi-binh-di-phi-thuong-169470.html

-----------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616