Bài viết thu thập thông tin từ Dự án Tuổi thơ, một sáng kiến của chính phủ Úc nhằm bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục trong hoạt động du lịch, tại Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam (2011-2014).
Dự án áp dụng phương pháp tiếp cận phòng ngừa và bảo vệ kép, hướng dẫn gia đình, cha mẹ và người chăm sóc trẻ các thông tin, kiến thức cần thiết trong việc phòng ngừa xâm hại tình dục cho trẻ em.
Là cha mẹ hay người chăm sóc, nhiều người biết rằng rất khó để nói chuyện về tình dục với con em. Có lẽ chính phụ huynh của cha mẹ cũng chưa bao giờ đề cập vấn đề tình dục khi còn bé, và đối với một số người, có lẽ đây là lần đầu tiên nói về điều này.
Nhưng để giúp trẻ em được an toàn, điều quan trọng là các phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần có đầy đủ thông tin về vấn đề này. Điều đó cũng có nghĩa là người lớn, phụ huynh không thể giữ im lặng về nó. Làm cha mẹ là công việc cả ngày và đầy thách thức. Thực tế cho thấy rằng nhiều phụ huynh không biết cách giúp trẻ em phòng tránh xâm hại tình dục.
Định nghĩa về xâm hại trẻ em:
- Xâm hại trẻ em là bất cứ hành động (hoặc không nhất thiết là hành động) có chủ ý và làm tổn thương hoặc gây nguy hại cho trẻ em. Xâm hại trẻ em có thể gây ra tổn thương rõ ràng hay tiềm ẩn đối với sức khỏe, sự sống còn, sự phát triển hoặc nhân cách của trẻ.
- Xâm hại trẻ em có thể được chia thành bốn nhóm hình thức chính, mặc dù có những chỗ chồng chéo: Xâm hại thể chất, Xâm hại tinh thần, Xao nhãng, Xâm hại tình dục. Bài viết này tập trung vào việc bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục,
- Xâm hại tình dục là khi một người nào đó lôi kéo một trẻ tham gia vào hoạt động tình dục bằng cách sử dụng quyền lực để ép buộc trẻ hoặc lợi dụng lòng tin của trẻ. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm tất cả những hành vi tình dục không mong muốn. Có thể bao gồm cả các hành vi động chạm hay thậm chí không động chạm.
- Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm:
+ Làm phim,ảnh trẻ em có tính chất xâm hại trẻ em.
+ Ép buộc trẻ em xem hay tham gia các hành vi tình dục, hoặc
+ Ép buộc trẻ em quan hệ tình dục hoặc tham gia vào những hành vi tình dục với trẻ em hoặc người lớn khác.
Các trẻ là nạn nhân có ở mọi thành phần kinh tế xã hội, các lứa tuổi, tôn giáo và văn hóa.
Xâm hại trẻ em xảy ra ở tất cả các quốc gia. Thông thường, trẻ em phải chịu nhiều hình thức xâm hại. Ví dụ, một trẻ có thể bị cha mẹ xao nhãng và ra đường. Ở đó, em có thể trở thành nạn nhân của xâm hại thể chất và cũng có thể bị xâm hại cả về tinh thần hay tình dục.
Xâm hại tình dục trẻ em là một chủ đề nhạy cảm, đôi khi chúng ta không muốn nghĩ đến. Nhưng việc không nghĩ đến, không đề cập đến không có nghĩa là xâm hại tình dục không xảy ra trong thực tế. Việc né tránh đề cập hoặc cảm thấy ngại ngùng khi trao đổi về vấn đề này, về lâu dài, sẽ gây ra sự đề phòng, trốn tránh không đáng có. Trong khi đó, sự thẳn thắng đối mặt, tìm hiểu một cách khoa học và hợp lý là điều rất cần thiết. Nhiều người cảm thấy bối rối khi nhắc đến chủ đề này. Họ còn nghĩ rằng, đây là vấn đề xảy ra ở nơi nào đó chứ không xảy ra với nơi mình sống hoặc với gia đình mình.
Vì mọi người không muốn nói về xâm hại tình dục trẻ em nên đã có nhiều điều lầm tưởng về vấn đề này. Khi hiểu được tâm lý ngại ngùng, xấu hổ, e ngại của nhiều cộng đồng, những kẻ xâm hại tình dục lợi dụng sự thiếu hiểu biết của mọi người để thực hiện thủ đoạn xâm hại trẻ. Đây là lý do tại sao việc trao đổi để có thêm thông tin về vấn đề này lại quan trọng với chúng ta.
Việc cha mẹ, phụ huynh nắm rõ kiến thức, trở nên hiểu biết hơn để có thể mạnh mẽ giáo dục trẻ các phương pháp phòng chống, và tăng cường bảo vệ trẻ bằng nhiều biện pháp là những cách thức tích cực phòng chống xâm hại tình dục trẻ em hiệu quả.
Là cha mẹ và người chăm sóc, gia đình có một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em của chúng ta. Những bước đơn giản mà người lớn trong gia đình có thể làm để bảo vệ và xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ em khỏi xâm hại tình dục có thể được chia làm bốn nhóm:
1. Nhận thức rõ về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em.
2. Nói chuyện với trẻ em.
3. Cảnh giác với những gì đang xảy ra.
4. Biết tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết.
Khi phụ huynh, người chăm sóc trẻ đã làm tất cả những việc có thể cho con em trong gia đình của, chúng ta có thể cùng nhau làm nhiều việc khác để giúp cộng đồng của chúng ta an toàn hơn với mọi trẻ em như: trường học, sân chơi và bất kỳ nơi đâu trẻ em đặt chân tới.
Mời theo dõi phần tiếp theo.
-------------
Nguồn tham khảo:
https://www.wvi.org/sites/default/files/VIETNAMESE_Parents%20&%20carers%20Toolkit.pdf
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616