• 111
  • lang
  • lang

Chơi với trẻ, tại sao lại quan trọng?

Bạn biết không! Phần Lan là quốc gia có hệ thống giáo dục trẻ nhỏ đứng top đầu thế giới. Sự thật thú vị rằng: trước 7 tuổi, mối quan tâm của các trường ở Phần Lan không phải là dạy các con đọc, viết hay làm toán, mà là “học những điều quan trọng hơn”. Những điều đó là cách kết bạn, giao tiếp, năng động, sáng tạo trong chơi, khám phá ngoài trời và quản lý rủi ro. Tất cả những điều này chỉ nằm ở 1 môn học duy nhất đó là “để các con được vui chơi” vì đó là công việc chính của các con ở độ tuổi này. GS Sahlberg từng nói “mục tiêu chính của trường mẫu giáo ở Phần Lan là không phải để chuẩn bị cho trẻ đến trường về mặt học thuật, mà là để đảm bảo các con trở thành những đứa trẻ vui vẻ và có trách nhiệm”.

Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy hoạt động vui chơi trong thời gian ấu thơ sẽ giúp trẻ phát triển tối ưu hoạt động học hỏi của não bộ đặc biệt là các vùng ghi nhớ, đánh giá, giải quyết vấn đề và cả cách cảm thông cho người khác. Thiên tài vật lý Einstein từng nói: "Chơi là dạng thức cao nhất của khám phá". Các bé sẽ trải qua sự rèn luyện, hình thành thói quen tự suy nghĩ thông qua các hoạt động vui chơi.

Cha mẹ chúng ta đôi lúc không phải ít quan tâm đến việc chơi của trẻ, mà không biết chơi như thế nào với trẻ cho đúng và để trẻ phát triển tốt nhất. Thực ra, để chơi với trẻ chúng ta cần phải biết cách giao tiếp để giúp trẻ hiểu và tạo sự hứng thú của trẻ trong tham gia. Điều này sẽ giúp trẻ học hỏi và phát triển trong khi chơi.

Báo cáo gần đây của GS. Hutchison, ĐH Rowan và các chuyên gia tại ĐH Harvard cho thấy chơi với cha mẹ là một trong 3 loại hình thức chơi đem lại sư phát triển tốt nhất cho não bộ ở giai đoạn nhỏ của trẻ vì nó giúp phát huy các bước cơ bản trong thực hành kỹ thuật Serve & Return, một cách tạo sự tương tác hai chiều giúp phát triển não bộ ở trẻ. Cách tương tác này cũng hỗ trợ sự giao tiếp của cha mẹ và trẻ trong những giây phút mà trẻ đang hứng thú. Khoa học đã chứng minh những giây phút này là lúc não bộ phát triển trong nhận thức, tư duy, ngôn ngữ, tò mò và sự tự tin. GS. Frost, ĐH Texas, Mỹ, cũng từng nhấn mạnh “chơi là ngôn ngữ của trẻ”. Nếu cha mẹ biết cách sử dụng “ngôn ngữ” này để giao tiếp với trẻ thì sẽ đạt được những kết quả lớn lao trong giáo dục ở độ tuổi nhỏ này hơn là la mắng hay bắt ép trẻ học.

Vậy câu hỏi được đặt ra là: những trò chơi nào phù hợp với trẻ dưới 5? Làm sao giao tiếp và chơi với trẻ để trẻ phát triển?

Gần đây tôi có đọc 1 quyển sách khá hay về những trò chơi dành cho trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. 450 trò chơi trong quyển sách này không chỉ được phân chia theo từng độ tuổi của trẻ, mà nó còn được sắp xếp theo mức vận động cũng như khả năng học hỏi của não bộ của trẻ trong mỗi trò chơi. Quyển sách được viết bởi TS. Maehashi, ĐH Waseda, Nhật Bản. Ông là Hội trưởng Hội Giáo dục Thể chất cho Trẻ em Nhật Bản với nhiều công trình nghiên cứu về tầm quan trọng của vui chơi và vận động để phát triển tối ưu hoạt động não bộ của trẻ độ tuổi mầm non, đặc biệt với trẻ em Châu Á – khi mà thể chất và tầm vóc chúng ta khác so với các trẻ Phương Tây. Các bạn có thể tìm đọc với tên tiếng Việt là “450 Trò Chơi Vận Động Cho Trẻ Mầm Non”.

Quyển sách khá đầy đủ về các trò chơi để giúp trẻ từ 0-5 tuổi phát triển từ việc giúp trẻ sáng tạo đến tư duy cũng như tin thần hợp tác. Hầu hết các trò trong quyển sách khá quen thuộc thậm chí chúng ta đang chơi hàng ngày với trẻ, nhưng để giúp trẻ phát triển thì cha mẹ cần hiểu mục đích cũng như cách khơi sự sáng tạo để giúp trẻ phát triển tốt nhất. Thay vì chỉ hứơng dẫn cách chơi, quyển sách phân tích cho cha mẹ hiểu về mục đích phát triển trong mỗi trò chơi để tìm thấy sự hứng thú của trẻ trong đó.

Ví dụ, trong quyển sách này tác giả có nói về trò chơi xây dựng thành phố ven biển và ven sông. Thay vì như trước đây cha mẹ chúng ta cùng trẻ thường xây lâu đài cát và đợi sóng biển ập đến thì tác giả lại phát triển trò chơi theo 1 hướng khác. Mỗi thành viên sẽ bàn bạc để thống nhất cách bố trí có thể là cổng, hàng rào, núi, lâu đài cổ... Lúc này, bạn nên khuyến khích trẻ có ý kiến vì đó là lúc để trẻ sáng tạo, cũng như tăng sự tương tác với trẻ. Sau đó, bạn phân chia công việc cho mỗi thành viên: bố mẹ xây gì, trẻ phụ trách xây gì. Đó là cách bạn dạy trẻ về bài học trách nhiệm và sự phối hợp. Khi hoàn tất, đã đến lúc khơi óc phán đoán của trẻ bằng cách hỏi trẻ cách để tạo sông và kênh để kết nối toàn thành phố. Đó là cách chúng ta lôi kéo sự hứng thú của trẻ, tạo cơ hội để trẻ hợp tác, giao tiếp, và phát triển óc sáng tạo của mình.

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616