• 111
  • lang
  • lang

Cơ sở tự phát nhận nuôi trẻ em rất nhiều, chưa có cơ chế kiểm tra

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết khi đề cập đến vi phạm pháp luật liên quan bạo hành trẻ em tại phiên họp 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, gần đây, các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em có xu hướng gia tăng trong các gia đình bố mẹ ly hôn, ly thân, tái hôn, hoặc gia đình trong thời gian dài không có bố mẹ chăm sóc, trẻ được gửi cho người thân, người quen.

Những địa phương xảy ra nhiều vụ được điểm tên, như: Hà Nội, Thái Bình, TPHCM, Đồng Nai, Cần Thơ, Lâm Đồng, Đắk Lắk.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm những trẻ em đang được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh Bình Dương tháng 1/2021 (Ảnh: DS).

 

Thông tin thêm về vụ bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng TPHCM, ông Lê Quốc Hùng cho biết sau khi nhận được tin, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TPHCM, trực tiếp là công an Quận 12 kịp thời vào cuộc.

Theo đó, Công an Quận 12 đã thụ lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm theo thẩm quyền. “Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin cho dư luận”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Lê Quốc Hùng, Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo công an 63 tỉnh, thành và đề nghị Sở Lao động - Thương binh Xã hội các địa phương khẩn trương rà soát, nắm tình hình hoạt động các cơ sở trợ giúp xã hội, nuôi dưỡng chăm sóc trẻ em, kể cả công lập và ngoài công lập.

Các cơ sở trông giữ trẻ em từ thiện, tự phát trên địa bàn là đối tượng được đặc biệt lưu ý lần này.

Tại công điện, Bộ Công an lưu ý thực hiện nghiêm xử lý tin báo tố giác tội phạm liên quan các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em; chú trọng các nguồn tin báo tố giác tội phạm từ các cơ quan báo chí, người dân, cơ quan tổ chức để xác minh, điều tra kịp thời.

Bộ Công an yêu cầu thông tin kịp thời kết quả đến các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là thông tin truyền thông ở cơ sở về thủ đoạn các loại tội phạm này, qua đó nâng cao phòng ngừa, đấu tranh tội phạm bạo hành, xâm hại trẻ em.

Theo thống kê, số cơ sở trợ giúp xã hội công lập, ngoài công lập đã được cấp phép trên toàn quốc là 425 cơ sở. Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, số liệu này còn rất ít so với thực tế.

“Cơ sở tự phát, từ thiện, tôn giáo tự nhận nuôi dưỡng trẻ em theo diện từ thiện chưa được cấp phép rất nhiều, số lượng lớn, địa phương chưa nắm được, chưa có cơ chế kiểm soát, kiểm tra”, Thứ trưởng Bộ Công an nói.

Ông Hùng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng các bộ, ngành địa phương tổng điều tra toàn quốc về các cơ sở này, để nắm và tổ chức kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.

Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết Quốc hội khóa XIV đã có cuộc giám sát tối cao về tình hình xâm hại trẻ em và có nghị quyết rất chi tiết.

Bà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Văn hóa- Giáo dục giám sát lại nghị quyết của Quốc hội về giám sát tình hình xâm hại trẻ em, để báo cáo Quốc hội.

Số liệu của Bộ Công an cho thấy, 8 tháng đầu năm 2024, toàn quốc đã khởi tố, điều tra 1.198 vụ, với 1.419 bị can liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý hành chính 48 vụ, 125 đối tượng.

Đáng chú ý, hành vi bạo hành trẻ em chiếm khoảng 12,4%, còn lại là xâm hại.

Trong các vụ bạo hành và xâm hại trẻ em nêu trên, đáng báo động có 60% các vụ bạo hành, xâm hại do chính người thân, người quen trong gia đình hoặc có mối quan hệ, mâu thuẫn cá nhân gây ra. Trong đó có 128 vụ dùng mạng xã hội để làm quen, xâm hại trẻ em.

Xử lý nghiêm các vụ bạo lực, bạo hành, xâm hại trẻ em không có vùng cấm

Về các vấn đề liên quan trẻ em, trước đây, khi làm việc với Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng nhấn mạnh, phải hỗ trợ, can thiệp ngay từ khi có nguy cơ, chứ không chờ xảy ra rồi mới giải quyết.

"Có nguy cơ thì phải báo cáo xử lý ngay, không thể thờ ơ, vô cảm. Bản thân chúng ta, chỉ cần nghe con cháu mình khóc thì như xát muối vào người. Chứ ở đây họ bạo hành con mình mấy tiếng đồng hồ tại sao bố mẹ không biết?", Bộ trưởng chia sẻ.

“Nếu xảy ra các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em phải xử lý nghiêm, tiến hành thanh tra, giám sát và xử lý kịp thời, không có vùng cấm đảm bảo “5 nhất”: Phát hiện vụ việc sớm nhất, điều tra nhanh nhất, xử lý kịp thời nhất, xử lý nghiêm nhất và hỗ trợ nhanh nhất”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu.

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/co-so-tu-phat-nhan-nuoi-tre-em-rat-nhieu-chua-co-co-che-kiem-tra-20240914143223171.htm

_________

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.