• 111
  • lang
  • lang

Con trẻ vốn không biết nói dối.

Con trẻ bản tính không biết nói dối. Chỉ cần không có nguyên nhân dụ dỗ, trẻ sẽ không cần thiết phải lấy việc nói dối để làm khó cho mình, con trẻ bẩm sinh không biết nói dối. “Không nói dối” là căn cứ cơ bản để con người được sống hạnh phúc, một người nói dối thành thần, kể cả nếu dựa vào tiêu chuẩn độ khéo, anh ta có “thành công” thế nào, nhưng thực chất anh ta cũng không phải là người hạnh phúc, bởi đạo đức của anh ta thực sự rỗng tuếch.

Nếu nói một đứa trẻ nào đó có thói quen nói dối, đó chắc chắn là do môi trường trưởng thành của em xảy ra vấn đề gì đó. Có hai nguyên nhân khiến con trẻ mắc tật nói dối, một là bắt chước người lớn, hai là buộc phải làm do sức ép. Những lời nói dối đầu tiên của mỗi đứa trẻ đều từ đây mà ra.

Trước hết là mô phỏng người lớn. Mặc dù không có vị phụ huynh nào cố ý dạy con nói dối, kể cả những phụ huynh thường xuyên nói dối cũng không thích con mình nói dối. Nhưng nếu trong quá trình sống với con, để dỗ dành cho con nghe lời, bố mẹ thường xuyên dùng một số lời nói dối để gạt con; hoặc là bố mẹ thường xuyên nói dối người khác, bị con nghe thấy, dần dần con sẽ học được cách nói dối. Và còn có một tình huống khác nữa là, xuất phát từ nhu cầu che giấu nào đó trong xã hội của người lớn, bố mẹ thường xuyên nói những lời khéo léo, mặc dù không có gì không thoả đáng về mặt đạo đức, chỉ là một kỹ xảo trong giao tiếp xã hội, nhưng nếu bị con trẻ chú ý đến, cũng sẽ lưu lại ấn tượng nói dối trong trẻ, dạy chúng cách nói dối.

Một nguyên nhân khác khiến con trẻ nói dối chính là “sức ép”, tức bố mẹ quá nghiêm khắc, không dễ dàng bỏ qua những lỗi sai của trẻ, đều phải phê bình chỉ trích, thậm chí mắng chửi; hoặc là bố mẹ quá gia trưởng, nói một là một hai là hai, không tôn trọng suy nghĩ của trẻ, không quan tâm đến nguyện vọng của trẻ. Những điều này khiến cho tinh thần con trẻ luôn căng thẳng và không tìm được sự cân bằng, để thoát khỏi sự trừng phạt, đạt được nguyện vọng hoặc có được sự cân bằng, trẻ sẽ phải nói dối.

Con trẻ thà phải chịu đựng nỗi đau khổ trong quá trình kéo dài sự việc, chứ không chịu nói với bố mẹ - đây thực ra là một tín hiệu, cho thấy mối quan hệ giữa bố mẹ và con đã xuất hiện vấn đề, trong tiềm thức, con trẻ đã không còn tin tưởng bố mẹ nữa, đồng thời bài xích bố mẹ. Bố mẹ - những người ở trong thế chủ động, người có quyền uy trong gia đình buộc phải kiểm điểm lại mình, buộc phải thay đổi lại mình, nếu không sau này có thể vì điều này mà dẫn đến một loạt rắc rối.

Một nguyên nhân khác khiến con trẻ nói dối chính là “sức ép”, tức bố mẹ quá nghiêm khắc

Một người mẹ đã đến gặp tôi xin tư vấn vì chuyện nói dối của con chị. Hai vợ chồng chị đều là tiến sĩ, nhìn chị có thể nhận ra phẩm chất tốt của người trí thức, tôi nghĩ con chị nói dối chắc không phải do học từ bố mẹ.

Con gái của chị khi đó học lớp tám. Tôi và người mẹ này liền đi vào những việc cụ thể. Chị nói, lấy chuyện gần đây nhất để nói nhé. Tôi bỏ ra hơn một nghìn tệ để mua cho con gái một cuốn từ điển điện tử màn hình màu, dặn dò nhiều lần không được để mất, vì con gái tôi thường xuyên để mất đồ, , từ nhỏ đã có tính bừa bãi hay quên, nói bao nhiêu lần cũng không sửa được, vì chuyện này mà có một lần ông xã đã phạt nó đứng im không nhúc nhích trong phòng hai tiếng đồng hồ. Có được cuốn từ điển màu này con gái rất thích, hứa với chúng tôi rằng sẽ giữ gìn cẩn thận, chắc chắn không thể mất được. Kết quả là cuốn từ điển đắt như vậy, dùng được hơn một tháng thì mất, mất rồi nó cũng không nói cho chúng tôi. Tôi không thấy cuốn từ điển đâu cả, hỏi nó làm sao, nó nói cho bạn cùng lớp mượn. Tôi bảo nó mau lấy về, kết quả mấy ngày liền không lấy về được. Mấy ngày đầu nó nói người bạn đó quên mang, dò hỏi mấy ngày thì nói đã lấy về rồi, nhưng lại cho một bạn khác mượn. Tôi thấy hơi nghi ngờ, bảo nó hai ngày sau buộc phải mang về nhà. Hai ngày sau nó nói với tôi rằng đã lấy về rồi, nhưng lại để ở lớp. Tôi không tin, nói hôm sau sẽ đích thân đến lớp nó để xem, lúc này nó vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Đến sáng hôm sau tôi đến trường nó thật, nó mới khóc, nói từ điển bị mất rồi, thừa nhận mấy ngày qua đều nói dối tôi.

Người mẹ này nói, trước đây, mỗi lần nói dối, con gái chị còn tỏ ra có phần không thoải mái, đến giờ bao nhiêu ngày viện hết cớ này đến cớ khác để nói dối mẹ, thế mà nói như thật, như không có chuyện gì xảy ra. Chị không thể hiểu tại sao mình dạy con cẩn thận như vậy, mà con lại có thể học được thói nói dối. Chị nói chị có thể tha thứ cho việc làm mất đồ của con, nhưng không thể tha thứ cho tật nói dối của cô bé.

Tôi có thể hiểu sự bực bội của người mẹ này, nhưng sự việc này khiến tim tôi đau nhói. Người mẹ này chỉ nhìn thấy cái sai làm mất đồ dùng và lỗi nói dối của con, nhưng lại không tinh tế cảm nhận được sự giày vò mà con phải chịu đựng trong những ngày đó.

Tôi nói với người mẹ này rằng: Những biểu hiện của con gái chị trong chuyện này, có lẽ không gọi là nói dối, mà chỉ là muốn che giấu một sự việc. Con trẻ làm mất đồ, không thể như người không có chuyện gì xảy ra như chị nói, thực ra trong lòng trẻ cũng rất đau khổ. Như bình thường, trẻ cần phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ phía bố mẹ để giải quyết, nhưng tại sao con gái chị lại không tìm kiếm sự giúp đỡ của vợ chồng chị, thà lấy việc trì hoãn và nói dối để đối phó còn hơn? Đây là do cô bé không coi bố mẹ là người chia sẻ sự mất mát với mình. Phản ứng này của trẻ chắc chắn là xuất phát từ kinh nghiệm, tôi có thể đoán ra được rằng, trong cuộc sống của anh chị và cháu trước kia, chắc chắn là con vừa làm sai chuyện gì, liền bị phê bình ngay, có đúng như vậy không?

Người mẹ này nói với vẻ kinh ngạc, phân tích như thế này đúng là cũng có lý, nhưng chúng tôi không bao giờ đánh chửi con, nó làm sai việc gì, chỉ phê bình nó vài câu, cùng lắm là chỉ phạt đứng một lát. Điều này có gì đâu, có đứa trẻ nào không bị bố mẹ phê bình. Hơn nữa, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, có cần thiết phải dựa vào những lời nói dối để kéo dài ra thành nhiều ngày như thế không?

Người mẹ này không biết thực ra con trẻ rất coi trọng thể diện, những chuyện mà người lớn coi là vô lối, con trẻ thường coi là rất nghiêm trọng. Chúng ta tuyệt đối không thể dùng cảm giác của mình để đánh giá áp lực của con trẻ. Người lớn thường xuyên tiện lời phê bình con trẻ vài câu, giống như nói chuyện bình thường vậy, nhưng những lời nói này lại để lại cho con trẻ những trải nghiệm tinh thần vô cùng tiêu cực. Mặc dù trẻ cũng biết cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, chỉ cần vài ngày là sự việc sẽ lộ tẩy, nhưng để tránh sự mắng mỏ của người lớn, trẻ kéo dài được ngày nào hay ngày ấy, điều này phù hợp với phương thức tư duy của trẻ em.

Sai lầm của rất nhiều bậc phụ huynh là không cho phép trẻ phạm bất kỳ lỗi lầm nào. Trên thực tế, phạm sai lầm là bài học bắt buộc của trẻ trong quá trình trưởng thành, bố mẹ cần học cách tiếp nhận những lỗi lầm của trẻ, không cần thiết phải vừa phát hiện ra con làm điều gì không đúng, là phê bình, giáo huấn một hồi. Khi mắc lỗi, trong lòng con trẻ đã rất buồn rồi, nếu bố mẹ tỏ ra thấu hiểu, thường lại dễ giúp con trẻ ghi nhớ được bài học hơn là đưa ra lời phê bình.

Sai lầm của rất nhiều bậc phụ huynh là không cho phép trẻ phạm bất kỳ lỗi lầm nào.

Nếu thực sự con trẻ có một thói xấu không thể sửa, chỉ cần vấn đề không quá lớn, có thể để mặc con. Dùng “lý giải” và “biện pháp” đều không sửa được tật xấu này, thì thông thường dùng cách “phê bình” cũng không thể giải quyết được. Yêu một người không phải cũng phải bao hàm cả việc chấp nhận khuyết điểm của người đó sao? Dù bạn cho rằng thói xấu của trẻ bắt nguồn từ chính bản thân đứa trẻ, bạn cũng phải có trách nhiệm thông qua việc thay đổi mình để kêu gọi sự thay đổi ở trẻ. Nếu không suy nghĩ như vậy, bạn sẽ mãi mãi không thể tìm ra con đường thay đổi con trẻ.

Sưu tầm.

----

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616