• 111
  • lang
  • lang

Cục Trẻ em lên tiếng về việc Hải Dương công khai tất thông tin cá nhân học sinh.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, từ giữa tháng 8/2021, các trường học ở thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) đã đưa toàn bộ danh sách học sinh được tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 năm học 2021-2022 lên trang web, trang fanpage của trường. Danh sách các em học sinh được các trường được đăng công khai với đầy đủ họ tên học sinh, phụ huynh; số điện thoại của phụ huynh và địa chỉ hộ khẩu, địa chỉ thường trú của họ.

Việc này đăng tải công khai thông tin của phụ huynh, học sinh ở thành phố Hải Dương đã vi phạm các quy định về việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - Ảnh: NVCC

Để có thông tin đa chiều, nhằm giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh học sinh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về vấn đề này.

Bà Nga nhấn mạnh: “Việc các nhà trường ở thành phố Hải Dương đăng tải công khai thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh lên mạng xã hội là vi phạm Luật trẻ em, vi phạm các quy định của Chính phủ về bảo vệ trẻ em”.

Bà Nga cho rằng, việc bảo đảm bí mật đời sống riêng tư của trẻ em đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 cũng như quy định của Luật trẻ em. Đặc biệt là các nội dung quy định thuộc về bảo vệ bí mật đời sống riêng tư trẻ em bao gồm: tên, tuổi, hình ảnh, bố, mẹ, địa chỉ lớp học, địa chỉ nhà ở, mối quan hệ bạn bè, thành tích học tập cũng như các quy định khác tại điều 33 của Nghị định 56 năm 2017 của Chính phủ.

Việc các học sinh được tuyển chọn hoặc được nhận vào các cấp bậc học thì trong thời gian vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số cơ sở giáo dục chưa nắm rõ các quy định hiện hành vẫn còn đăng danh sách có tên, ngày tháng năm sinh, tên phụ huynh, địa chỉ cụ thể thuộc về nhóm bí mật đời sống riêng tư trẻ em. Khi được đăng tải rộng rãi cũng như đăng trên mạng xã hội là đang vi phạm các quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay. Chính vì vậy, Cục trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em cũng đề nghị ngành giáo dục, đặc biệt những người đứng đầu các cơ sở giáo dục cần phải quan tâm, quán triệt việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư trẻ em.

Đặc biệt, không đăng danh sách cụ thể các nội dung mà thuộc về bí mật đời sống riêng tư của trẻ em để thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của Pháp luật Việt Nam.

Lãnh đạo Cục Trẻ em cũng cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngay lập tức Cục Trẻ em đã trao đổi, chỉ đạo chuyên môn với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương.

Sau đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo ngay Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đề nghị, nhắc nhở các cơ sở giáo dục thực hiện việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em.

“Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Dương báo cáo lên Cục Trẻ em là đã chỉ đạo và cho xử lý ngay biện pháp để gỡ các danh sách học sinh trên mạng xã hội”, bà Nga nói.

Theo bà Nga, hiện nay, có rất nhiều giải pháp mà các nhà trường có thể là chỉ cung cấp thông tin, địa chỉ cho đúng với phụ huynh có học sinh trong đối tượng tuyển sinh của nhà trường chứ không đăng danh sách cụ thể, rồi thông tin ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ các thứ như thế không đúng với quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ bí mật đời sống riêng tư.

Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhắc nhở các cơ sở giáo dục nắm bắt các quy định hiện nay của hệ thống pháp luật Việt Nam, nhất là bây giờ đang chuẩn bị vào năm học mới.

Nghị định 56 ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em:

Điều 33: Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em

Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

Điều 36. Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng

1. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Lã Tiến (Báo Giáo Dục)

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061