• 111
  • lang
  • lang

Cục Trẻ em tổng kết công tác năm 2020, phương hướng, nhiệm vụ năm 2021.

Sáng ngày 20/01/2020, tại Hà Nội, Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đồng chủ trì Hội nghị là Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà và ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em. Tới dự Hội nghị có đại diện của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam;  Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an; Vụ Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Văn phòng Quốc hội; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ, cùng các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Cục Trẻ em.

Đồng chủ trì Hội nghị là Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà và ông Đặng Hoa Nam Cục trưởng Cục Trẻ em

Tại Hội nghị, ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em đã trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Năm 2020, Trẻ em chiếm 25,75% tổng số dân cả nước (24.776.733 trẻ em), trong đó trẻ em nam chiếm 52% trên tổng dân số trẻ  em (12.915.365 trẻ em), trẻ em nữ chiếm 48% trên tổng số dân trẻ em (11.861.368 trẻ em). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm, đến cuối năm 2020 còn khoảng  7% (năm 2019 là 7,16%). 

Năm 2020 và giai đoạn 2016-2020, việc thực hiện quyền trẻ em đã được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và đã có những chuyển biến tích cực. Việc đảm bảo thực hiện quyền trẻ em theo đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước và các chuẩn mực quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng, được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, giáo dục, văn hóa vui chơi giải trí cho trẻ em. Nhận thức của xã hội, của người dân nói chung về vấn đề bảo vệ trẻ em, quyền tham gia của trẻ em ngày càng được nâng lên.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà phát biểu và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em tiếp tục được hoàn thiện, giải quyết các vấn đề về trẻ em và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Cục Trẻ em đã chủ trì tham mưu Lãnh đạo Bộ rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em; tham gia góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến trẻ em. Đặc biệt là đã phối hợp với các cơ quan, các đoàn giám sát của Quốc hội trình ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống xâm hại trẻ em.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tại nước ta, trẻ em cũng là một nhóm bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Trước tình hình đó, Cục đã tham mưu trình Bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 tới trẻ em: Có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương đảm bảo an toàn cho trẻ em trong thời gian dịch bệnh; phối hợp phát tài liệu hướng dẫn đảm bảo an toàn cho trẻ em, phụ nữ tại nơi cách ly tập trung; phối hợp các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế xây dựng chiến dịch truyền thông hướng dẫn đảm bảo an toàn cho trẻ em tại gia đình, cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở cách ly tập trung; phối hợp xây dựng 11 tài liệu, hướng dẫn, truyền thông dưới dạng tờ rơi, bản điện tử để đảm bảo an toàn cho trẻ em tại khu cách ly tập trung, tại gia đình.

Từ 1/5/2020, Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 chính thức tiếp nhận cuộc gọi giải đáp thông tin thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Từ 1/5/2020 đến ngày 31/7/2020, Tổng đài đã tiếp nhận 294.081 cuộc gọi đến (tăng gấp 3 lần so với số cuộc gọi trung bình các tháng trước đây của Tổng đài).

Để đảm bảo việc bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp Cục đã phối hợp với UNICEF Xây dựng và ban hành quy trình, tài liệu tập huấn về bảo vệ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp thiên tai, thảm họa.

Trong năm 2020, cục Trẻ em đã Xây dựng và triển khai ký kết phối hợp liên ngành với 04 đơn vị, bộ, ngành: Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vinapost), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam; thu thập, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo các vấn đề về trẻ em qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em và nhận đơn thư trực tiếp.

Công tác truyền thông, vận động xã hội về quyền trẻ em được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đặc biệt là thông qua hình thức truyền thông mới trên các ứng dụng công nghệ thông tin: Facebok, Zalo, Youtube góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cha mẹ, trẻ em và toàn xã hội về trẻ em và tâm quan trọng của thực hiện quyền trẻ em.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2020.

Năm 2021, Cục Trẻ em đặt mục tiêu đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn quyền và bổn phận của trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức, mối quan hệ xã hội đặc biệt giai đoạn 3 năm đầu đời. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ, tình trạng trẻ em bị tổn hại do bị xâm hại và tai nạn thương tích. Ông Đặng Hoa Nam đặc biệt nhấn mạnh tới việc chủ động kiểm soát tình trạng trẻ em bị tổn hại do bị xâm hại và tai nạn thương tíchkiểm soát tốt giúp chúng ta nắm được tình hình hiện tại, từ đó đánh giá được tình hình thực tế trẻ bị xâm hại và tại nạn thương tích, sau đó đưa ra giải pháp phù hợp và kịp thời. Cục Trẻ em tiếp tục hoàn thiện thể chế và đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành; tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ, bảo vệ trẻ em/phòng chống xâm hại trẻ em thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng: mạng xã hội, viễn thông; tư vấn gia đình, nhóm, cộng đồng; Quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111); tăng cường kiểm tra, thanh tra liên ngành và chuyên đề; Chuẩn hóa công tác đánh giá, theo dõi, báo cáo; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; Nâng cao hiệu quả hội nhập hợp tác quốc tế về thực hiện quyền trẻ em. Bên cạnh đó, Cục Trẻ em cũng đề ra các nội dung triển khai hiệu quả công tác quản lý hành chính Cục.

Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an; Vụ Văn hóa, Giáo dục,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Văn phòng Quốc hội; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện Lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ đều ghi nhận, đánh giá cao hiệu quả trong công tác tham mưu, tổ chức chính sách, phối hợp liên ngành của Cục trẻ em.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà biểu dương và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong năm 2020 của Cục Trẻ em, đặc biệt là các lĩnh vực: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tổng kết đánh giá các Đề án, Chương trình của Chính phủ ban hành; Chủ động kí kết liên ngành, phối hợp với các bộ, ngành để tăng cường sức mạnh của mạng lưới bảo vệ trẻ em; Triển khai Luật trẻ em đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống; Cách thức tiếp nhận thông tin, xử lí vấn đề đột xuất rất nhanh nhạy và hiệu quả, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid, thiên tai thảm họa. Công tác kiểm tra, đánh giá cơ sở được thực hiện trên diện rộng hơn, tốt hơn, đến được vùng khó khăn; Chỉ đạo các địa phương: gần gũi, thân thiện, chia sẻ tốt hơn. Thông tin, xử lí kịp thời về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tới các cơ quan báo chí, truyền thông. Đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em nhiệt huyết, nghiêm túc trong công tác chuyên môn.

Chỉ đạo về định hướng công tác trẻ em năm 2021 của Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị: Cục cần xem lộ trình, phối hợp triển khai, phân bổ, tận dụng tối đa nguồn lực để phát huy hiệu quả các đề án về công tác trẻ em trong bối cảnh hiện nay, đồng thời cần có hướng dẫn để địa phương triển khai hiệu quả sự phối hợp các đơn vị liên quan đến nguồn lực thực hiện công tác trẻ em; Rà soát các văn bản pháp luật để có hướng ban hành mới hoặc xử lý kịp thời, thay thế phù hợp. Cục Trẻ em cần triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến Nghị quyết số 121/2020/QH14 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng chống xâm hại trẻ em. Triển khai cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và chủ trương trong Chiến lược an sinh giai đoạn 2021 – 2030; Đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác trẻ em, chú ý tới việc phối hợp công tác truyền thông giữa các đơn vị bộ, ngành, các địa phương; Các vấn đề liên quan đến nội vụ: Rà soát, sắp xếp con người và vị trí công việc theo tiêu chí: đúng người, đúng viêc.