Khép lại Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 (01/6 - 30/6) với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”, PV VOV Giao thông đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).
Ông Đặng Hoa Nam đã nhấn mạnh Cục Trẻ em đã trực chiến suốt đêm để có thể tham gia giải quyết những nhiệm vụ xâm hại trẻ em phức tạp nhất. Tuy nhiên, số vụ việc xâm hại trẻ em vẫn không ngừng tăng lên qua các năm, đặc biệt là xâm hại trẻ em qua môi trường mạng.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội)
PV: Tình hình xâm hại trẻ em tại Việt Nam, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em hiện nay như thế nào? Có những dấu hiệu và xu hướng mới nào mà Cục Trẻ em đã nhận thấy?
Ông Đặng Hoa Nam: Những năm vừa qua, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp. Theo thống kê của Cục Trẻ em tổng hợp từ địa phương và số liệu báo các từ các cấp của ngành Công an cho thấy vẫn tăng lên cả về số vụ, số đối tượng và số trẻ em bị xâm hại, đặc biệt nhóm vụ việc về các hành vi giao cấu với trẻ đủ từ 13 - dưới 16 tuổi và hiếp dâm trẻ em.
Bạo lực trẻ em trong gia đình rất đáng quan ngại, chiếm tới hơn 77% số vụ bạo lực nói chung.
Đặc biệt xuất hiện xu hướng mới là trẻ em bị xâm hại qua môi trường mạng và thông qua môi trường mạng. Số liệu chúng tôi ghi nhận thông qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tỷ lệ tổng đài này tiến hành các biện pháp can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại qua môi trường mạng không ngừng tăng lên (chiếm khoảng hơn 26%).
PV: Cục Trẻ em đã đưa ra những biện pháp nào để ngăn chặn và giảm thiểu tình hình xâm hại trẻ em? Kết quả của những biện pháp đó như thế nào?
Ông Đặng Hoa Nam: Đến giờ phút này đã có một hệ thống các quy định về pháp luật đầy đủ hơn so với giai đoạn trước để xử lý, hỗ trợ can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị xâm hại.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đóng vai trò chủ trì, điều phối về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là phòng chống xâm hại trẻ em và đã có những cơ chế phối hợp từng ngày, từng giờ giữa các Cục là các đơn vị chức năng có trách nhiệm về bảo vệ trẻ em như Cục trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao, an ninh mạng (Bộ Công an), Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông)...
Nỗ lực nữa là các cơ quan, tổ chức, các cấp ở địa phương đã tăng cường truyền thông về kiến thức, kỹ năng cho học sinh, trẻ em, các bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ em.... về bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng trên tất cả các kênh truyền thông chính thống và mạng xã hội. Bên cạnh đó là nỗ lực quảng bá các dịch vụ bảo vệ trẻ em các cấp, đặc biệt là quảng bá về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Chúng tôi cũng phải nói thêm rằng, rất đáng tiếc trong thời gian vừa qua, nhiều vụ việc gây ra những bất bình, xôn xao trong dư luận xã hội như vụ ở Thạch Thất (Hà Nội) hay quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh)... , những người có liên quan như các thành viên trong gia đình, hàng xóm, cư dân .. . đã không biết các dịch vụ túc trực ngày đêm để có thể bảo vệ trẻ em.
Tôi cho rằng, chỉ cần một cuộc gọi thôi, rất có thể tình hình đã có thể khác đi. Các nỗ lực về can thiệp bảo vệ trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng sẽ ngay lập tức được triển khai.
PV: Hiện Việt Nam có 17 cơ quan liên quan đến bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trong một số vụ việc trẻ em bị xâm hại vẫn chưa được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Vậy, trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, có những thách thức gì đặt ra?
Ông Đặng Hoa Nam: Trên nhiều diễn đàn, tôi cũng đã nói rằng vấn đề 17 tổ chức liên quan đến bảo vệ trẻ em không chỉ là con số. Điều chúng ta cần nhấn mạnh là pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Luật Trẻ em 2016 hay Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, trách nhiệm của chính quyền các cấp liên quan đến việc bảo vệ trẻ em.
Khi một vụ việc xâm hại trẻ em xảy ra, chúng ta có thể chỉ rõ được cơ quan nào có trách nhiệm khi nào và ở đâu, như thế nào đối với việc bảo vệ trẻ em.
Chúng ta cần nhấn mạnh đến trách nhiệm thực thi chính sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong thực tế cuộc sống.
Một trong những trách nhiệm lớn và sâu xa thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp tỉnh. Về câu chuyện đầu tư, phân bổ nguồn lực, chúng ta cần nhận thức được rằng, việc đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ trẻ em nói chung, đặc biệt là duy trì và phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em nói riêng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác phòng, ngừa và xử lý các vụ việc trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục hay bạo lực trong gia đình.
Tôi bày tỏ quan ngại rằng, hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như các Trung tâm công tác xã hội ở cấp tỉnh và cấp huyện đang có những biến động theo chiều hướng bất lợi.
Khi thực hiện thu gọn các đầu mối, trong đó đầu mối các đơn vị sự nghiệp công, ở nhiều địa phương đã vô tình không chú ý đến “vế sau” trong chủ trương của Đảng và Nhà nước, đó là tinh gọn nhưng phải theo hướng hiệu lực, hiệu quả và giải quyết được vấn đề trong thực tiễn.
Việc sáp nhập các Trung tâm công tác xã hội vào các Cơ sở Bảo trợ xã hội đã làm mất đi chức năng, nhiệm vụ công tác xã hội, đặc biệt công tác xã hội bảo vệ trẻ em cấp Tỉnh hỗ trợ cho cấp Huyện, cấp Xã và cộng đồng dân cư trong xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em.
Nếu chúng ta không duy trì hệ thống bảo vệ trẻ em này thì công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em sẽ gặp thách thức trong tương lai.
Bên cạnh đó, các địa phương đang giao nhiệm vụ công tác bảo vệ trẻ em cho công chức lao động thương binh xã hội cấp xã, điều này hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Phải thẳng thắn nhìn nhận, công chức lao động thương binh xã hội ở tuyến xã không thể đủ năng lực, thời gian và công sức để thực hiện những trách nhiệm của mình được quy định trong Luật.
Một thách thức nữa đó là hiện nay chúng ta đang triển khai các Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở các cấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn chưa xuất hiện, vận hành được mạng lưới nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Do đó việc triển khai phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp các trường hợp trẻ em bị xâm hại gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, cũng có một số điểm sáng như một số địa phương Hội đồng nhân dân đã ra nghị quyết để bố trí người hoạt động không chuyên trách cấp Xã đảm nhận chính vai trò là người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Những sáng kiến này cần phải được nhân rộng.
PV: Vậy, có những giải pháp nào đang được Cục Trẻ em triển khai để tháo gỡ những thách thức như ông vừa chia sẻ?
Ông Đặng Hoa Nam: Chúng tôi sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ để làm sao có thể rà soát, củng cố, kiện toàn lại toàn bộ hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người dân; hỗ trợ ưu tiên trước hết cho đối tượng trẻ em có nguy cơ cao hoặc trẻ em đã bị xâm hại để giảm thiểu đến mức tối đa những tổn thương về tâm lý, sức khoẻ tâm thần cho các em.
Giải pháp đưa ra là làm thế nào để chúng ta có một đội ngũ những người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã theo quy định của Luật trẻ em - đó chính là những nhân viên công tác xã hội cấp xã. Bên cạnh đó phải tăng cường năng lực của đội ngũ các đoàn viên, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cấp xã để họ được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội và tham gia một cách thường xuyên, bài bài và bền vững hơn trong công tác bảo vệ trẻ em.
PV: Trên thực tế, trẻ em thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp khi bị xâm nhập, đặc biệt là xâm phạm tình dục mà đối tượng là những
PV: Trên thực tế, trẻ em thường bị gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp khi bị xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục mà đối tượng là những người thân, quen. Cục đã có những biện pháp nào để khuyến khích trẻ em và gia đình tự tin hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ và báo cáo các trường hợp xâm hại?
Ông Đặng Hoa Nam: Chúng ta nói cần sự chung tay của xã hội chung chung thì rất khó phân định.
Thông điệp tôi muốn nhấn mạnh là cần phải tăng cường trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng của gia đình, bậc cha mẹ, những người chăm sóc trẻ, giáo viên... về bảo vệ trẻ em.
Những quy định trách nhiệm này đã được ghi nhận trong Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em, quy định trong Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật khác về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em.
Cần thiết phải tăng cường các chương trình giáo dục kiến thức và kỹ năng làm cha mẹ. Cục Trẻ em đã đưa vào khoảng 20 bài giảng về kỹ năng làm cha mẹ trên Fanpage của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Ứng dụng Tổng đài 111 truy cập miễn phí.
Bên cạnh đó, phải tăng cường hơn nữa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong trường học. Các chương trình giáo dục kỹ năng sống hiện đang tích hợp trong chương trình về giáo dục công dân, hoạt động ngoại khoá...
Chúng tôi cho rằng, các kỹ năng về tự bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại, thoát hiểm, phòng ngừa nguy cơ đuối nước... phải trở thành kỹ năng giáo dục cấp thiết trong trường học.
Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 có chức năng như một đường dây nóng tiếp nhận các thông tin thông báo, tố cáo, tố giác về các nguy cơ cũng như trường hợp trẻ em bị xâm hại và tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em, những người chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Nhiều khi các gia đình phải tìm kiếm ở đâu đó, nhưng hãy vui lòng - khẩn cấp nhấn phím 111!
PV: Xin cảm ơn ông.
Nguồn tham khảo:
https://vovgiaothong.vn/newsaudio/cuc-truong-cuc-tre-em-chi-can-mot-cuoc-goi-co-the-tinh-hinh-da-khac-di-d34217.html?zarsrc= 30&utm_campaign=zalo&utm_medium=zalo&utm_source=zalo
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn