• 111
  • lang
  • lang

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam: Đừng để trẻ em cô đơn trong chính ngôi nhà của mình

Mấy ngày gần đây, dư luận xã hội bàng hoàng, xót xa khi có 2 học sinh tự tử vì áp lực học hành. Cục trưởng Cục trẻ em Bộ LĐTB&XH Đặng Hoa Nam nhấn mạnh đến việc học làm cha mẹ, đừng để trẻ đứt gãy mối quan hệ, cô đơn trong nhà mình.

Ba nguyên nhân khiến trẻ em bất ổn

Trong 2 ngày (31/3 và 1/4) có 1 nữ sinh ở Bắc Ninh và 1 nam sinh trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam tự tử, nhiều người hoài nghi nguyên nhân tự tử vì áp lực học tập, có để lại thư tuyệt mệnh. Quan điểm của ông như thế nào về các hiện tượng này?

- Thực tế quốc gia nào cũng có vấn đề, đặc biệt trong xã hội hiện đại có tình trạng trẻ em và người chưa thành niên tự tử, tùy theo từng giai đoạn có mức độ khác nhau. Những nghiên cứu chỉ ra rằng, khi có bất ổn trong xã hội như đại dịch Covid-19 vừa qua, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, căng thẳng về tâm lý đều gia tăng trong xã hội, chứ không riêng trẻ em và người chưa thành niên. Nhưng, trẻ em và người chưa thành niên chịu tác động, hậu quả trước mắt và lâu dài về vấn đề này. Đó là những cái chúng ta nhìn thấy.

Để giảm thiểu những vấn đề này, về lâu dài, chúng ta cần có nghiên cứu, khảo sát đầy đủ, đặc biệt là những trường hợp trẻ em và người chưa thành niên tự tử vừa rồi. Thứ nữa là nghiên cứu một số trường hợp điển hình để tìm hiểu các nguyên nhân. Tuy nhiên, trước đây, nghiên cứu ở Việt Nam và các quốc gia, chỉ ra mấy nguyên nhân mà mình đã và đang có giải pháp, cần tăng cường nhiều hơn. Thứ nhất là, thúc đẩy, củng cố dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, đặc biệt là người chưa thành niên. Bởi vì, trẻ em và những người chưa thành niên, đặc biệt là ngưỡng tuổi chuẩn bị trưởng thành (sắp kết thúc tuổi trẻ em chuyển sang vị thành niên, trong độ tuổi từ 11 đến 18 kéo dài tới 22, 23) có sự thay đổi về mặt thể chất, tâm lý cho nên có những diễn biến tâm lý khá đột biến.

Thứ nữa, góc độ chăm sóc về tâm lý là trách nhiệm của ngành LĐTB&XH và đặc biệt là cần sự phát triển nhanh mạng lưới công tác xã hội, trong đó có tham vấn tâm lý xã hội để có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, ngăn chặn hiệu quả, giảm tối thiểu trẻ em và người chưa thành niên tự tử.

Một phần nữa là trách nhiệm của ngành GD&ĐT, trong thời gian qua đã triển khai tâm lý học đường, nhưng cần tích cực hơn. Bởi, trẻ em có nhiều thời gian ở trường học; có mối quan hệ bạn bè, học sinh với giáo viên, nhà trường với gia đình và xã hội nên công tác tâm lý học đường rất quan trọng. Tóm lại, ba ngành Y tế, LĐTB&XH, GD&ĐT có sự liên thông phối hợp với nhau về mặt chăm sóc sức khỏe tâm thần, tình cảm, đạo đức trong xã hội thì mới ổn được.

Thực sự, những vụ việc học sinh tự tử tăng thời gian qua khiến nhiều bậc cha mẹ vô cùng hoang mang lo lắng và chưa biết làm thế nào để phát hiện, bảo vệ con?

- Tôi rất chia sẻ với sự lo lắng của các bậc cha mẹ. Phụ huynh, cha mẹ có có vị trí, vai trò chăm sóc và bảo vệ con mà không ai thay thế được. Đầu tiên, cha mẹ là người gần gũi con nhất, hiểu con nhất. Cha mẹ phải là người mà trẻ em sẵn sàng chia sẻ những tâm tư tình cảm, biến động trong suy nghĩ, tình cảm, cuộc sống hằng ngày, chứ đừng để đến khi đọc được thư tuyệt mệnh của con thì lúc đó là sự ăn năn muộn màng.

Không chỉ là chăm con, cho con ăn uống đầy đủ, tạo điều kiện tối đa cho con học hành, mà quan trọng hơn tất cả là cha mẹ đi sâu đi sát, trở thành người bạn để hiểu được mong muốn, diễn biến tình cảm, về tâm lý, đạo đức của con. Thông qua  nghiên cứu một số trường hợp trẻ em có dấu hiệu sang chấn tâm lý, dấu hiệu dẫn đến hành vi mong muốn hoặc đã xảy ra như tự sát, tự tử thì chúng tôi thấy đều có vấn đề trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái bị đứt gãy.

Ông có lời khuyên gì đối với các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc và bảo vệ con?

- Các bậc cha mẹ, ngoài việc học cách chăm con về mặt dinh dưỡng, sức khỏe thì phải học làm cha mẹ. Không phải tự nhiên mình sinh con ra là làm cha mẹ được ngay. Để học làm cha mẹ, các phụ huynh có thể chọn lọc những thông tin trên mạng (website của những cơ quan uy tín, các trang fanpage, kênh youtobe mà mình cho là hữu ích); mua sách dạy chăm sóc con về tâm lý, tình cảm, phát hiện sớm những sang chấn; thông qua các khóa học; trải nghiệm cuộc sống hằng ngày tiếp xúc với con. Cho nên, trước khi cha mẹ đổ lỗi cho việc áp lực học tập quá nặng nề từ phía ngành Giáo dục chậm giảm tải thì các phụ huynh phải học làm cha mẹ trước. Cha mẹ tự cứu con mình trước khi trông chờ vào các dịch vụ bên ngoài đang thay đổi; tất nhiên nếu có sự hỗ trợ của các dịch vụ thì rất tốt và lý tưởng. Đó là câu chuyện mà các bậc cha mẹ phòng ngừa sớm được để hiểu con hơn, để chăm sóc và bảo vệ con tốt hơn ngay trong chính môi trường gia đình của mình.

Về phía các cơ quan chức năng, chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông, giáo dục các kiến thức làm cha mẹ, đặc biệt là chăm sóc, bảo vệ con về mặt tâm lý, tình cảm. Qua đó cha mẹ nắm bắt tâm lý, tình cảm của con, nhu cầu của con một cách tích cực hơn, sớm hơn; để giảm thiểu những vụ việc tự sát, tai nạn thương tích trong chính ngôi nhà của mình, gia đình mình, để không phải ân hận, nuối tiếc khi sự việc xảy ra.

Tôi muốn nói rằng, không phải em nào cô đơn cũng tự sát. Nhưng các em cô đơn và đứt gãy các mối quan hệ là một trong những cái dẫn đến sang chấn về mặt tâm lý đến vấn đề sức khỏe tâm thần. Vì thế, thông điệp cuối cùng mà tôi muốn nói là tránh để con mình cảm thấy cô đơn và không ai hiểu trong chính ngôi nhà của mình, gia đình của mình, lớp học của mình. Bởi gia đình, nhà trường, xã hội là môi trường gần đứa trẻ nhất, đặc biệt là gia đình và nhà trường. Nếu gia đình không hiểu con mình, nhà trường không hiểu học sinh của mình thì các em bị sang chấn, ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, dẫn đến hậu quả như tự sát thì rất đáng tiếc.

-------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061
+ Website Tổng đài 111 Tongdai111.vn