• 111
  • lang
  • lang

"Đặc biệt ưu tiên lo nhà ở cho người nghèo, chế độ dinh dưỡng với trẻ em"

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, giai đoạn 2021-2025, nhà ở cho người nghèo, chế độ dinh dưỡng cho trẻ em cần được ưu tiên đặc biệt để nâng cao chất lượng sống và giảm nghèo bền vững.

"2 ưu tiên" được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo tại cuộc làm việc với Tổ công tác Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 chiều 31/3.

Tại cuộc làm việc, nói tình hình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo... đều được kéo giảm theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đã nỗ lực, quyết liệt triển khai thực hiện chương trình.

Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương. Qua đó tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2022 là 4,03%, giảm 1,17%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội chủ trì cuộc làm việc.

Tại cuộc làm việc, Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, đến thời điểm báo cáo, hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện mà Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đã cơ bản đầy đủ, đồng bộ về nội dung, hướng dẫn thực hiện, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tổ công tác, việc triển khai giải ngân vốn từ nguồn ngân sách trung ương còn hạn chế, việc ban hành văn bản quản lý và triển khai tổ chức thực hiện ở các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số nội dung đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa rõ ràng hoặc chưa thống nhất giữa các văn bản của Trung ương.

Các dự án đầu tư còn nhỏ lẻ, dàn trải dẫn đến số lượng hồ sơ, thủ tục phải triển khai lớn, trong khi năng lực đội ngũ cán bộ ở một số nơi, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng được.

Tiếp thu ý kiến của Tổ công tác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, khó khăn nổi cộm khi thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là việc phân cấp, phân quyền chưa đến nơi, đến chốn; việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn, vướng mắc tại cơ sở; việc phân bổ nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững còn ít, rót vốn rất chậm….

"Năm 2022, một số bộ, ngành, địa phương chậm xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí, thẩm định nguồn vốn thực hiện chương trình.

Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa chặt chẽ. Trách nhiệm đề xuất xây dựng kế hoạch thực hiện chưa cao, chưa chủ động dẫn tới sự chậm trễ trong ban hành văn bản, đề xuất và phân bổ vốn thực hiện chương trình", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tập trung chỉ đạo, điều hành, phối hợp tổ chức nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình.

Bên cạnh đó cần thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc chương trình, ưu tiên nguồn lực thực hiện.

"Giai đoạn này cần đặc biệt ưu tiên giải quyết nhà ở cho người nghèo, chăm lo dinh dưỡng cho trẻ em. Các hoạt động phải triển khai càng sớm càng tốt.

Giải quyết nhà ở cho người nghèo sớm sẽ tiết kiệm thời gian triển khai các chương trình khác. Vấn đề dinh dưỡng cho trẻ em cũng vậy, trẻ đang trong giai đoạn phát triển cần được ưu tiên chăm lo, nếu để qua độ tuổi phát triển mới tính thì đâu còn ý nghĩa", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận phiên họp, thay mặt đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương biểu dương sự chuẩn bị của lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Báo cáo của Bộ được thực hiện tương đối đầy đủ, phản ánh đúng tinh thần Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về chuyển đổi tư duy sang giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.

Bên cạnh đó, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội lưu ý Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu ý kiến của các đại biểu, bổ sung đầy đủ, hoàn thiện báo cáo, đưa ra những kiến nghị khả thi, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Nguồn tham khảo:

https://dantri.com.vn/an-sinh/dac-biet-uu-tien-lo-nha-o-cho-nguoi-ngheo-che-do-dinh-duong-voi-tre-em-20230331190523379.htm?_gl=1*kjecv5*_ga*YW1wLS13LXlDTXF6d2Jvb2dyRUZUYUhONHc

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:  https: //www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111  https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:  Tongdai111.vn