• 111
  • lang
  • lang

Đảm bảo sức khoẻ tâm thần cho trẻ sau thiên tai, thảm họa tự nhiên

Sau thiên tai, thảm hoạ tự nhiên, nhiều trẻ em có thể trải qua những rối loạn tinh thần như sợ hãi, thay đổi tính tình, trở nên cáu bản hoặc trầm lặng. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ mất ngủ, mơ thấy ác mộng và khó tập trung trong học tập. Đó đều là những dấu hiệu nhắc bố mẹ rằng sức khoẻ tâm thần của các con cần được chăm sóc. 

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ cảm thấy áp lực tinh thần, trở nên hoang mang, sợ hãi sau khi thiên tai, thảm hoạ diễn ra:

- Trẻ thường không hiểu và biết rõ về các tình huống thiên tai hoặc thảm hoạ

- Cảm thấy không khả năng kiểm soát được tình huống

- Không có nhiều kinh nghiệm ứng phó với các tình huống

Ngoài ra, với những trẻ đã có tiền sử hay căng thẳng, bất ổn tinh thần, việc phải trải qua thảm hoạ càng có thể đả kích trẻ nặng nề hơn.

Hậu quả của những sự kiện như thiên tai, thảm hoạ tự nhiên đều có thể để lại ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình, đặc biệt là trẻ em. Cụ thể hơn, với những trẻ dưới 8 tuổi có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần cao hơn. Sự căng thẳng và bất ổn cảm xúc có thể liên luỵ đến thể chất, chất lượng cuộc sống, việc học tập của trẻ. Do đó, việc đảm bảo sức khoẻ tinh thần và thể chất của các con được bình an là nhiệm vụ thiết yếu của mỗi gia đình.

Cha mẹ có thể nhận ra những bất ổn tinh thần ở trẻ sẽ giúp các con vượt qua giai đoạn khó khăn tốt hơn và tạo cơ hội cho việc duy trì sức khoẻ. Để có thể nhận ra những bất ổn ở trẻ, cha mẹ cần chú trọng việc quan sát và thường xuyên quan tâm đến sức khoẻ tinh thần của trẻ bằng cách:

- Tạo cơ hội trò chuyện với trẻ về những gì trẻ đã trải qua, những bất an và suy nghĩ của trẻ. Để trẻ trải lòng theo cách trẻ muốn, bằng việc viết ra hoặc vẽ ra

- Luôn để trẻ bên cạnh cha mẹ để trẻ có thể cảm thấy an toàn hơn và suy nghĩ tích cực hơn.

- Hạn chế trẻ tiếp cận thông tin từ báo đài quá nhiều, đặc biệt với những tin tức về thảm hoạ và hậu quả của nó.

- Có thể khuyến khích trẻ tham gia hỗ trợ cộng đồng trong một môi trường an toàn để trẻ có lại cảm giác kiểm soát được hành động của mình và cân bằng cảm xúc. Tuyệt đối không để trẻ tham gia dọn dẹp hậu quả của thiên tai, thảm hoạ.

-------------------

Nguồn tham khảo:

https://www.unicef.org/vietnam/sites/unicef.org.vietnam/files/2018-07/10%20Executive%20summary_VIET.pdf 

https://suckhoedoisong.vn/nan-nhan-sau-tham-hoa-se-duoc-cham-soc-ve-suc-khoe-tam-than-n86035.html 

https://www.samhsa.gov/sites/default/files/srb-childrenyouth-8-22-18.pdf 

-------------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 

- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111

- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 

+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte

+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616