• 111
  • lang
  • lang

Đánh, mắng chửi hay đem so sánh không phải cách để dạy trẻ bướng bỉnh.

Có một lần tôi chứng kiến một người mẹ quát mắng và kéo xốc tay một đứa trẻ. Lúc này đứa bé ríu rít vừa khóc vừa con xin lỗi mẹ. Chắc cô bé đã làm gì đó cho mẹ tức giận. Tuy nhiên, bạn nghĩ đứa trẻ này khi bị mẹ la mắng, miệng luôn nói xin lỗi mẹ có thực sự trẻ đã cảm nhận được lỗi của mình, hay chỉ là cảm giác sợ hãi và áp lực?

KHOA HỌC NÃO BỘ CHO CHÚNG TA BIẾT ĐIỀU GÌ?

Não bộ có những vùng chức năng rất nhạy cảm với tác động bên ngoài. Ví dụ, vùng phân tích logic giúp trẻ nhận biết và tìm hướng giải quyết khi lỡ lạc mẹ trong siêu thị. Tuy nhiên, vẫn có những vùng điều hòa các áp lực và các trạng thái cảm xúc bao gồm vui mừng, sợ hãi và giận dữ. Khi chúng ta đánh trẻ hoặc buông lời mắng chửi, vùng này sẽ bị kích thích để điều hòa các tín hiệu áp lực tiêu cực được gửi đến và nó bắt đầu ghi nhớ những cảm xúc tiêu cực này. Hơn nữa, những lời so sánh trẻ với trẻ khác hoặc anh chị em trong gia đình cũng có ảnh hưởng tiêu cực tương tự như vậy. Sự điều hòa này chỉ làm cơ thể trẻ trở nên “bị áp lực”, và các vùng khác của não bộ cũng bị cảm giác này trở nên “đóng băng”, ngay cả vùng chức năng giúp trẻ nhận biết lỗi sai, chịu lắng nghe và sửa sai. Do đó, việc bạn đe dọa, đánh hay la mắng là bạn vô tình tạo thêm áp lực cho trẻ, nhưng không hề dạy trẻ “cách làm như thế nào là đúng”

ĐIỀU GÌ BẠN NÊN LÀM?

1. Chúng ta luôn nhớ rằng: Cơn giận là lửa – lửa chỉ làm cháy tất cả. Bình tĩnh là Nước –Nước có thể tắm mát tâm hồn, nhưng chọn làm nước không có nghĩa là chọn yếu thế hơn, mà bạn chọn cách giải quyết vấn đề vì “nước làm tắt ngọn lửa”.

Khi trẻ bướng bĩnh, là lửa. Khi trẻ vòi vĩnh khóc la, là lửa. Khi trẻ không chịu ăn, là lửa. Khi trẻ đánh bạn, là lửa.

Đừng tức giận vì đó là lửa. Hãy đợi cơn tức giận giảm về 0, là nước. Trong lúc chờ đợi có thể giải quyết bằng im lặng, im lặng như là bức tường làm ngọn lửa của trẻ không lan ra xa hơn.

2. Chúng ta không nên mắng chửi hoặc đôi co với trẻ vì đó là dầu. Dầu sẽ làm lửa bùng cháy.

3. Chúng ta không nên so sánh trẻ với ai đó vì đó là củi. Củi không bùng cháy như dầu, nhưng giữ lửa lâu hơn. Ngọn lửa cháy âm ỉ sẽ làm yếu kém tâm hồn con trẻ.

4. Im lặng là cách tốt nhất để hạn chế ngọn lửa lan xa. Bạn có thể áp dụng các phương pháp giáo dục trẻ được khuyên như Time-out, 1-2-3 magic là cách cắt nguồn oxy của ngọn lửa trong trẻ. Khi trẻ mất lửa, các vùng chức năng học hỏi và hối cải sẽ phát huy.

Bottom line

Là cha mẹ ai cũng muốn con mình hạnh phúc. Đúng! Khi thấy con trẻ làm sai hoặc quá bướng bỉnh chúng ta phải răn dạy, nhưng hãy chọn cách để trẻ có thể lắng nghe, cảm nhận được hành vi sai và sửa sai. Chắc chắn rằng cách đánh, mắng chửi hay đem so sánh không phải lời giải cho vấn đề này.

Note:
Bradley Stolbach et al. (2014) Unseen Wounds: The Contribution of Psychological Maltreatment to Child and Adolescent Mental Health and Risk Outcomes. Psychological Trauma: Theory, Research, Practice, and Policy, 6 (S1), S18 –S28

-----------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616