Hậu quả mà trẻ bị xâm hại không chỉ tổn thương tức thời mà còn để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong cuộc đời của trẻ.
Vì thế, khi thấy những dấu hiệu như trẻ bỗng thay đổi hành vi đột ngột, cáu kỉnh, lo âu, hoặc dễ bị kích động; cơ thể có những chấn thương hoặc vết thương bất thường; thể hiện hành vi tình dục không phù hợp lứa tuổi; giảm tương tác với gia đình, bạn bè… cha mẹ cần động viên, chia sẻ đồng hành cùng con tố giác tội phạm và vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Trong 6 tháng đầu năm 204, Trung tâm Pháp y Hà Nội tiếp nhận và giám định nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em (tổng số 144 vụ).
Đa dạng các hình thức tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em.
Các năm trước đó, số vụ cũng rất cao. Số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục được đi giám định tăng không đồng nghĩa với việc số vụ trẻ bị xâm hại tăng mà điều này cho thấy, gia đình, người thân không còn giấu như trước mà tố giác hành vi vi phạm pháp luật này.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Giám đốc Trung tâm Pháp y Hà Nội cho biết, vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra trưng cầu giám định trường hợp cháu L. (SN 2009) có quan hệ yêu đương với N.H.H. (SN 2005). L. và H. hẹn nhau đi ăn tối cùng bạn bè và uống bia nên bảo người yêu chở về nhà nhưng H. đã chở L. về nhà mình và xâm hại tình dục.
Dù không đồng ý nhưng do không tỉnh táo nên L. không kháng cự được. Về nhà, L. kể lại với mẹ. Tiếp nhận đơn tố cáo, công an phối hợp với Trung tâm Pháp y Hà Nội khám, giám định cho cháu L., giám định viên phải động viên, trấn an tinh thần để cháu L. bình tĩnh khai báo sự việc, hợp tác trong công tác khám.
Trường hợp bị xâm hại như cháu L. không hiếm. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng kể lại với gia đình vì thấy xấu hổ, lo sợ.
Vì thế, chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo chỉ ra những dấu hiệu nhận biết nhanh trẻ bị xâm hại như: Trẻ bỗng thay đổi hành vi đột ngột, cáu kỉnh, lo âu, hoặc dễ bị kích động; cơ thể trẻ có những chấn thương hoặc vết thương bất thường;
Trẻ thể thể hiện hành vi tình dục không phù hợp với lứa tuổi của mình hoặc có sự hiểu biết về tình dục vượt quá mức cần thiết cho lứa tuổi; trẻ giảm tương tác với gia đình, bạn bè.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, bố mẹ phải gần gũi con hơn và nhẹ nhàng trò chuyện, không nên hỏi quá nhiều nếu trẻ chưa sẵn sàng kể. Đặc biệt, lúc này trẻ cần những lời khuyến khích, động viên, thể hiện yêu thương từ bố mẹ.
Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác, gia đình cần tố giác để pháp luật nghiêm trị những kẻ phạm tội. Tuy nhiên, không phải em nào cũng may mắn được bố mẹ lắng nghe, chia sẻ.
Vì thế, rất nhiều em sau khi bị xâm hại rơi vào trầm cảm. Thầy, cô giáo hàng ngày tiếp xúc với các em cần quan tâm, sẻ chia, giúp các em tố giác tội phạm và vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đau xót kể lại những lần chứng kiến những vết thương trên cơ thể các em nhỏ bị bạo hành, nghe các em kể việc bị cha dượng, người tình của cha, của mẹ bạo hành, xâm hại.
"Giáo viên là người gần gũi, tiếp xúc hàng ngày với các em, tôi muốn nhắn nhủ với các thầy cô giáo rằng, khi làm giáo dục, bắt buộc cần phải có tấm lòng và xuất phát từ tình yêu thương trẻ em”, bà Ngọc Nữ nhấn mạnh. Thầy cô hãy yêu thương, quan tâm tới các em nhiều hơn.
Hay khi thầy cô thấy em nhỏ đánh bạn, nói tục, chửi thề, hãy đừng lập tức quy kết rằng các em hư hỏng, quậy phá. Thay vào đó, dành thời gian tìm hiểu sâu xa hơn cuộc sống của các em, những hành vi của các em có thể do nguyên nhân xuất phát từ gia đình, từ việc chứng kiến hoặc là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Từ đó, các giáo viên thêm yêu thương trẻ, hỗ trợ trẻ, bảo vệ trẻ, tạo ra môi trường an toàn, nơi trẻ có thể phát triển toàn diện và hạnh phúc...
https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/dau-hieu-nhan-biet-tre-bi-xam-hai-20241024112544907.htm
___
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111
+ Youtube: Tổng đài 111
Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.