• 111
  • lang
  • lang

Đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong tình hình mới

6 tháng đầu năm, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó lực lượng công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này.

Tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp

Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người cũng có những chuyển biến rất lớn và ngày càng tinh vi nhằm dụ dỗ các nạn nhân với các chiêu bài việc nhẹ, lương cao, dụ dỗ yêu đương, tuyển lao động đi xuất khẩu với mức lương cao… để lừa bán ra nước ngoài. 

Lực lượng công an tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người cho người dân ở vùng sâu, vùng xa (Ảnh: Nguyễn Hương).

Các nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài qua mạng để làm việc trong các nhóm lừa đảo tại Campuchia, khu vực Tam Giác Vàng, bị bán làm vợ bất hợp pháp tại Trung Quốc, Hàn Quốc hoặc làm gái mại dâm tại các nước Trung Đông như Qatar, UAE,… và các nước Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Myanmar…

Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người (tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó lực lượng công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường cũng thông tin về phương thức mới xuất hiện của tội phạm mua bán người là giả nhận làm con nuôi để đưa nạn nhân ra nước ngoài.

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành

Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trong năm 2024 tiếp tục được triển khai và đạt hiệu quả. Bộ đã ban hành nhiều quyết định, kế hoạch, chương trình và tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn xã hội, trong đó có phòng chống, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, Bộ LĐ-TB&XH liên tục phối hợp cùng Bộ Công an trong việc chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Bộ cũng tổng hợp, xây dựng báo cáo cung cấp thông tin, số liệu trả lời Bộ câu hỏi liên quan đến báo cáo phòng, chống mua bán người (TIP) năm 2024 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn yêu cầu báo cáo về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. 

Ngoài ra, phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an góp ý kiến hoàn thiện thiết kế sơ bộ hỗ trợ xây dựng Trung tâm cai nghiện cho nước bạn Lào.

Báo cáo từ các Sở LĐ-TB&XH, nửa đầu năm 2024, số người được tiếp nhận, xác minh là 85 người; xác định 47 người là nạn nhân bị mua bán, hỗ trợ cho 58 người (bao gồm cả những người nghi là nạn nhân). 

Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, các lực lượng chức năng đã thực hiện bảo vệ an toàn cho 38 người, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu cho 18 người, hỗ trợ chi phí đi lại cho 14 người, hỗ trợ y tế cho 11 người, hỗ trợ tâm lý cho 32 người, trợ giúp pháp lý cho 27 người, trợ cấp khó khăn ban đầu cho 4 người theo quy định của pháp luật. 

Hiện Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã tiếp thu, giải trình những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Dự án Luật sửa đổi được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến. Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (đoàn Bạc Liêu) cho rằng vấn nạn mua bán người không chỉ xảy ra ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà diễn biến rất phức tạp và trên phạm vi cả nước.

Do vậy, Chính phủ cần quy định thêm ưu tiên bố trí ngân sách cho những vùng có tình hình mua bán người xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, nhằm tạo động lực và điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống mua bán người.

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về công tác phòng, chống mua bán người, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Điều ước quốc tế liên quan vấn đề phòng chống mua bán người, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.

Báo cáo năm 2024 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có đánh giá khách quan về kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người, nổi bật là việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người 2011, tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.

Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện những mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên Hợp quốc, góp phần ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/day-manh-phong-chong-mua-ban-nguoi-trong-tinh-hinh-moi-20241110161510921.htm

-----------

ĐƯỜNG DÂY TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ NẠN NHÂN MUA BÁN NGƯỜI 111

- Tiếp nhận các thông tin của người dân phát hiện mua bán người
- Cung cấp các thông tin về luật pháp, chính sách
- Kết nối, can thiệp, điều tra và giải cứu nạn nhân
- Hỗ trợ nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí

Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 
+ Youtube: Tổng đài 111