• 111
  • lang
  • lang

Dạy trẻ cách tư duy phản biện để nhận diện tin giả, tin chưa chính xác khi sử dụng Internet (Phần 2)

Người trẻ, người ở độ tuổi học sinh, hoặc người không có khả năng kiểm chứng tin tức có thể dễ dàng sa vào những bẫy thông tin giả. Do đó, việc cha mẹ hướng dẫn và giúp trẻ rèn luyện tư duy tích cực, trở thành người đọc tin tức có ý thức, trở nên càng quan trọng.

Quá trình học cách tư duy tích cực để trở thành người đọc tin tức có ý thức cần cha mẹ giải đáp hàng triệu câu hỏi thắc mắc từ trẻ.

Trẻ em, thanh thiếu niên hiện đang bị oanh tạc 24/7 với lượng tin tức khổng lồ không được kiểm soát về chất lượng, nhất là trong thời điểm đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Người đọc tin tức có thể gặp khó khăn để xác định được xem nội dung nào là dựa trên tin tức thật, một nửa sự thật hoặc là tin giả hoàn toàn. Ngoài ra, chức năng chia sẻ không biên giới của Internet, mạng xã hội giúp cho những thông tin ta tin là đúng nhưng chưa được kiểm chứng, có thể tạo nên hiệu ứng lan truyền. Tức là sau khi đọc được nội dung ta chia sẻ, những người kết nối với ta qua mạng xã hội, Internet có thể tin vào những tin tức chưa kiểm chứng đó.

Zalo

 

Những tin tức gay cấn, tò mò, thôi thúc việc chia sẻ, sẽ khiến người đọc có khả năng bị dắt mũi, thao túng theo hướng của tác giả, chỉ bằng một vài thao tác trên điện thoại, máy tính. Các hành vi này cực kì nguy hiểm đối với trẻ em và thanh thiếu niên, những người có thể bị thuyết phục bởi những tin tức giả mang nội dung tiêu cực, gây hiểu nhầm, phản khoa học, bịa đặt, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân trẻ và người khác trong đời sống thật.

Điều này càng thôi thúc phụ huynh, cha mẹ cẩn trọng hơn với lượng tin tức tiếp xúc hàng ngày, để có thể phân biệt và hướng dẫn cho trẻ.

Thay vì cấm cản hoặc làm ngơ những câu hỏi của trẻ khi trẻ thắc mắc về những tin tức trẻ đọc được trên Internet, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ đặt nhiều câu hỏi có trọng tâm xoay quanh nội dung trẻ đọc được.

Phương pháp đọc đa chiều (Lateral reading) có thể được xem xét để hướng dẫn cho trẻ học trung học cơ sở trở lên. Phương pháp này nhấn mạnh vào việc không tin ngay lập tức nội dung đăng tải trên mạng xã hội, hoặc khi phải đánh giá xem nội dung này có đáng tin hay không, thì học sinh nên hỏi những câu hỏi cơ bản như "Ai/ tác giả nào là người đưa tin này?", "Có bằng chứng khoa học, nguồn chính thống nào nào chứng minh được tin tức này hay không?", "Những bài báo khác, trang tin tức khác có bàn luận gì về nội dung này hay không?".

Đây là phương pháp không chỉ tin tưởng vào một trang web hoặc nguồn thông tin cố định, mà khuyến khích người đọc tin tìm kiếm thêm những trang web khác, nguồn thông tin chính thống khác, và thường xuyên kiểm tra xem nguồn cung cấp tin tức mình đang đọc có còn chính xác, kịp thời, trung lập, không thiên vị hay không? Bên cạnh đó, phương pháp này cũng nhắc nhở người đọc hãy tự kiểm tra xem trang web hoặc tài khoản mạng xã hội đăng tải tin tức là trang web/ tài khoản như thế nào? Được xây dựng và điều hành bởi cá nhân hay tổ chức gì? Có người chịu trách nhiệm cho nội dung được đăng trên trang web hoặc tài khoản mạng xã hội này hay không? Có cách nào để kiểm tra độ xác thức, tính chính thống của trang web/ tài khoản mạng xã hội này hay không?

Zalo

 

Ngoài ra, một số câu hỏi gợi ý khác mà phụ huynh có thể khuyến khích trẻ đào sâu hơn như "Con có thể xác định người đưa tin đầu tiên là ai không? Con có tin tưởng nguồn tin này không? Con có thể xác định họ muốn con tin vào điều gì và tại sao họ lại đăng tin tức này không? Và hành động mà họ mong muốn con thực hiện sau khi con đọc được tin có thể là gì?

Tin tức không chính xác (tin giả hoặc tin nửa giả nửa thật) có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, có hại cho người đọc, người lan truyền và nạn nhân của tin tức giả.

Dù với mục đích tốt đi chăng nữa, việc đưa thông tin sai lệch luôn dẫn đến những hệ quả tiêu cực nhất định.

Trẻ em và thanh thiếu niên có thể phải chịu một số hậu quả tiêu cực do thiếu hụt kỹ năng tư duy phản biện. Học sinh có thể gặp phải những email, tin nhắn lừa đảo được gửi đến email/ số điện thoại cá nhân, để lấy thông tin cá nhân như mật khẩu của email. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, trẻ có thể bị thao túng thông tin bởi một kẻ ấu dâm. Vì vậy, trẻ cần được hướng dẫn và học cách nghi ngờ những dấu hiệu bất ổn, biết cách phân tích, đánh giá thông tin để có thể hạn chế nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm Internet.

Zalo

 

Tư duy phản biện không phải là kỹ năng chỉ giúp ích cho trẻ em và thanh thiếu niên. Kể cả người lớn, phụ huynh cũng cần áp dụng tư duy phản biện (biết phân tích, đánh giá, liên kết các vấn đề, kiểm chứng, có khả năng lập luận, logic) trong cuộc sống hàng ngày, khi gặp vấn đề. Thay vì trốn tránh vấn đề, ta cần đối mặt và tư duy phản biện là một trong những phương pháp có thể hỗ trợ ta phân tích, đánh giá, hiểu rõ, áp dụng để giải quyết.

Mời theo dõi phần tiếp theo.

----------

Nguồn tham khảo:

https://www.internetmatters.org/issues/fake-news-and-misinformation-advice-hub/learn-about-fake-news-to-support-children/

https://www.childrenandscreens.com/media/press-releases/fact-or-fake-how-to-help-kids-and-adults-spot-misinformation-online/

https://childyouthwellbeing.govt.nz/community/your-stories/fake-news-and-online-safety-0

https://blogs.lse.ac.uk/medialse/2020/03/26/coronavirus-and-fakenews-what-should-families-do/

----------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, lao động trẻ em và trẻ em cần giúp đỡ trong đại dịch COVID-19, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:

- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616