• 111
  • lang
  • lang

Dạy trẻ làm chủ cảm xúc.

Nếu bạn nghĩ rằng trẻ con còn vô tư, biết gì đâu mà giận, lo lắng, chán nản, tự ái hay thất vọng, thì bạn đã sai lầm. Thực ra, giống như người lớn chúng ta, trẻ nhỏ cũng có những cung bậc cảm xúc. Trẻ nhỏ cũng bị giữ lại các cảm xúc tiêu cực như chúng ta, thậm chí gặp nhiều khó khăn hơn chúng ta vì trẻ chưa phát triển đủ các kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức để biết cách giải tỏa cảm xúc của mình.

GS. Michelle A. ĐH Wales, Anh Quốc từng nói: "Các bé đang học cách cảm nhận cảm xúc giận dữ và sự chịu đựng trước khi có thể kiểm soát tốt về nó".

Thật khó để chấp nhận 1 cảm xúc "thất vọng, buồn chán, hoặc giận dữ". Người lớn chúng ta đã khó, huống chi là các bé nhỏ, thời điểm mà mọi thứ cảm xúc lộn xộn mà trẻ phải kéo ra để nhận biết, và sau này cần sử dụng chúng.

Việc học hỏi này của trẻ gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đối mặt với "điều không thích" bằng cách thể hiện cảm xúc

Giai đoạn 2: Nhận biết và giữ cảm xúc

Giai đoạn 3: Bình tĩnh và chuyển cảm xúc

Hầu hết trẻ ở lại khá lâu ở giai đoạn 1 hoặc giai đoạn 2.

Ví dụ, trẻ không vòi được món đồ chơi mà trẻ muốn, trẻ bắt đầu khóc (đó là giai đoạn 1: thể hiện cảm xúc), sau đó, trẻ sẽ khóc lớn hơn, la hét, nằm lăn ra và thậm chí không chịu món đồ nào dù mẹ có đưa lại (giai đoạn 2: nhận biết cảm xúc "khóc, la" và giữ lâu nhất có thể). Tuy nhiên, hầu như trẻ sẽ kết thúc ở giai đoạn này nếu cha mẹ không chịu nổi sự vòi vĩnh hay khóc la này của trẻ, và họ sẽ vỗ về trẻ. Việc học hỏi của trẻ kết thúc nhưng rất tiếc! giai đoạn 3 vẫn chưa thể xuất hiện.

SỰ QUAN TRỌNG CỦA "GIAI ĐOẠN 3"

Việc trẻ thể hiện cảm xúc và níu kéo cảm xúc đó là chuyện bình thường và xảy ra tự nhiên. Người lớn chúng ta cũng vậy. Khi gặp chuyện không hài lòng, cũng bực bội và thậm chí thể hiện những hành động thiếu suy nghĩ mà sau này có thể sẽ làm chúng ta hối hận.

Do đó, giai đoạn 3 là phần kết, nó cần xuất hiện để trẻ có thể học được cách kiểm soát cảm xúc. Nếu nhìn về khía cạnh não bộ, thì những đường truyền thần kinh di chuyển với cảm xúc tức giận hay mè nheo nó chậm và hoạt động chỉ ở 1-2 khu vực của não bộ, song song đó những khu vực khác não bộ như tim, chân tay và khuôn mặt, những bộ phận thể hiện bạn đang tức giận như: nhíu mày, đập chân tay, thậm chí đánh người khác được kích hoạt. Nhưng, khi quan sát ở giai đoạn cảm xúc được kiểm soát (giai đoạn 3), đường truyền này nhanh và liên kết nhiều khu vực của não bộ vì lúc này bạn cần suy nghĩ nhiều hơn và ít sử dụng chân tay và khuôn mặt. Do đó, trẻ cần trải qua giai đoạn 3 để có thể học được cách sử dụng cảm xúc đúng và rèn luyện não bộ trong kiểm soát hành vi.

LÀM SAO GIÚP TRẺ BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN 3?

Thực ra khi giữ cảm xúc ở giai đoạn 1 và 2, trẻ cũng rất mệt, nhưng trẻ không nhận ra cách thoát khỏi nó khi tất cả cảm xúc cứ đan xen. Có một số cách hữu hiệu để giúp trẻ kiểm soát cảm xúc tốt hơn là:

1. Dạy trẻ ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc hơn là các hành vi phi ngôn ngữ. Khi trẻ tập nói bạn nên bắt đầu dạy trẻ các từ thể hiện điều trẻ muốn và các cảm xúc liên quan thông qua sách hoặc truyện có hình ảnh về các cảm xúc. Khi có ngôn ngữ trẻ sẽ nhanh chóng lựa chọn cách này để giao tiếp.

2. Giúp trẻ tự nhận ra kết quả "khong như mong đợi" trong cuộc sống hàng ngày và học cách chấp nhận nó như 1 kết quả có thể xảy ra. Cha mẹ nên yêu thương và che chở trẻ như người quan sát, đừng chỉ lo trẻ gặp khó khăn mà làm thay cho trẻ, hoặc làm dễ cho trẻ. Cái đó không phải là che chở lo lắng mà là lấy mất cơ hội để trẻ hiểu về sự thất bại, sự khó khăn.

3. Trao quyền cho trẻ tự chủ và đưa ra quyết định trong mọi tình huống có thể. VD, trẻ mè nheo đòi mua cả bánh và kẹo. Thay vì vậy, hãy cho trẻ lựa chọn như "con có 2 phút để quyết định mua 1 món con thích, hoặc là không mua gì và mẹ sẽ bấm giờ, 2 phút con bắt đầu" lúc này thay vì để cảm xúc dẫn lối, não bộ trẻ sẽ bắt đầu đánh giá và lựa chọn. Trẻ con sẽ biết cách lựa chọn tốt nhất khi được trao quyền. Khi kết thúc, nếu trẻ chưa hoàn thành thì bạn vẫn kiên quyết thực thi ra về mà không có 1 cái kẹo hay cái bánh nào được mua. Trẻ tức giận hay phản kháng lúc này là có thể xảy ra, nhưng đó là một kết quả tích cực vì khi đó trẻ đã hiểu về nguyên nhân- hệ quả. Trẻ sẽ làm tốt hơn cho những lần sau.

4. Trẻ con làm và suy nghĩ tiêu cực phần lớn là do bị ảnh hưởng bởi cha mẹ. Cách bạn nói hoặc cách bạn thể hiện là trẻ đang học và sẽ bắt chước.

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616