• 111
  • lang
  • lang

Để trẻ em và phụ nữ không còn là nạn nhân của tội phạm mua bán người

Sáng 30/7, tại Lào Cai, Bộ Công an, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động chung tay phòng, chống mua bán người hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” với chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.

Sự kiện nhằm góp phần khẳng định cam kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong quyết tâm ngăn chặn nạn mua bán người, nhất là mua bán trẻ em. 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, tình hình tội phạm mua bán người trên thế giới và tại Việt Nam sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng,. Sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích nhưng cũng là phương tiện để tội phạm mua bán người lợi dụng để lừa gạt, dụ dỗ, nhất là với trẻ em và người dưới 16 tuổi. Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương xác định công tác phòng, chống tội phạm mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, kiên trì, cần thực hiện mọi nơi, mọi lúc. Việc này cần được lồng ghép vào chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, giải quyết tốt những vấn đề an sinh xã hội, an dân như hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giáo dục, sức khỏe, phát triển thể chất, tinh thần cho trẻ em... Bên cạnh đó cần tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức quần chúng (bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, trường học, lực lượng xung kích) để bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, nhất là ở nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”. Ảnh: TTXVN phát

Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường, thông tin tuyên truyền về chính sách, pháp luật và phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người... Mỗi người dân cần tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; tuyên truyền cho người thân, gia đình, hàng xóm, láng giềng về các thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Các bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả, chất lượng truyền thông, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn. Đồng thời cần nhân rộng phong trào, mô hình sáng kiến chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với các hình thức thiết thực, phù hợp; chú trọng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng ngừa, kỹ năng phòng ngừa, từ đó giúp trẻ em, phụ nữ, người yếu thế nhận diện nguy cơ, tự bảo vệ mình, người thân trong gia đình, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo...

Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt phương án, kế hoạch đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người, nhất là trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và không gian mạng. Các bên liên quan tiếp nhận, xác minh, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố tội phạm mua bán người; nhanh chóng điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án mua bán người. Mặt khác, cần thực hiện hiệu quả việc quản lý cư trú; biên giới, cửa khẩu; ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý nhà nước về hoạt động cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn tội phạm mua bán người. Các cơ quan chức năng chủ động rà soát, lập và quản lý danh sách trẻ em, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa để giúp đỡ, quản lý giáo dục, hỗ trợ tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định, không để các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ tham gia hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân.

Các bộ, ngành sớm hoàn thiện dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024); chủ động triển khai các điều kiện bảo đảm để thực hiện khi Luật được thông qua. Đồng thời nghiên cứu, rà soát, đánh giá hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ nạn nhân; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến chế độ, chính sách cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dân tộc ít người, mồ côi; triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc “lấy nạn nhân làm trung tâm”. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người; nhất là trao đổi thông tin, hỗ trợ xác minh điều tra khám phá vụ án, truy bắt tội phạm mua bán người, bắt cóc trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời cần rà soát trao đổi danh sách các đối tượng đã phạm tội, bị tình nghi phạm tội xâm hại trẻ em ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để có giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn; huy động nguồn lực...

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu. Ảnh: TTXVN phát

Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là một trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất thế giới. Từ năm 2013, Liên hợp quốc chọn ngày 30/7 hằng năm là "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người". Đây là cột mốc để nhân loại nhìn nhận, đánh giá về tình hình mua bán người, qua đó nâng cao nhận thức, triển khai các giải pháp phòng, chống, hỗ trợ nạn nhân, bảo về quyền của họ. Tại Việt Nam, ngày 30/7 hằng năm diễn ra các hoạt động hưởng ứng nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tội phạm mua bán người trên toàn quốc.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta có diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp, nỗ lực hơn nữa (6 tháng đầu năm 2024, số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh thủ đoạn truyền thống với hình thức gặp gỡ để tiếp xúc làm quen trực tiếp với nạn nhân, tội phạm mua bán người đang có xu hướng thay đổi phương thức hoạt động “từ truyền thống sang hiện đại”, lợi dụng nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, Wechat...) để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân. Các đối tượng tiếp tục lợi dụng hoạt động tư vấn, môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, du lịch, thăm thân, người có nhu cầu xuất khẩu lao động... để tuyển chọn, dụ dỗ, lôi kéo sau đó lừa bán nạn nhân..

Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, công tác phòng ngừa, nhất là công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người được đặc biệt chú trọng triển khai tích cực với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường phát biểu. Ảnh: TTXVN phát

Việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người được lực lượng chức năng tích cực triển khai thực hiện, nhiều đường dây mua bán người ra nước ngoài, nội địa được triệt phá và đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật (6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 98 vụ, 234 đối tượng; xác định 246 nạn nhân; trong đó tỉnh Lào Cai phát hiện, điều tra 1 vụ, 3 đối tượng lừa 6 nạn nhân sang Lào).

Việc xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được thực hiện nhanh chóng, bảo đảm quyền của họ (6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ là 11 nạn nhân, đưa về nước 9 nạn nhân). Hợp tác quốc tế tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện với nhiều hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mang lại hiệu quả thiết thực được các nước, tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, nhìn nhận khách quan hơn, thể hiện qua việc Việt Nam được nâng lên Nhóm 2 trong Báo cáo đánh giá tình hình mua bán người trên thế giới của Hoa Kỳ.

https://baotintuc.vn/thoi-su/le-phat-dong-chung-tay-phong-chong-mua-ban-nguoi-20240730130121238.htm

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/de-tre-em-va-phu-nu-khong-con-la-nan-nhan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-20240801112224602.htm

_________

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:   Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.