• 111
  • lang
  • lang

Diễn đàn trẻ em: Ý kiến, nguyện vọng của trẻ em được tiếp thu hợp lý

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực của Diễn đàn trẻ em Quốc gia) cho biết mọi ý kiến của trẻ em đều được chúng tôi theo dõi, đánh giá và chuyển gửi cho các bộ, ngành có liên quan; phần lớn các ý kiến của trẻ em đã được tiếp thu một cách rất hợp lý.

Diễn đàn Trẻ em Quốc gia lần thứ 7 diễn ra từ ngày 5-8/8.(Ảnh: PV/Vietnam+)

Sau 3 ngày diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực và bổ ích, Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII đã thành công tốt đẹp.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ emBộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Cơ quan Thường trực của Diễn đàn trẻ em Quốc gia) đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về những thông tin xoay quanh diễn đàn cũng như việc phát huy quyền tham gia của trẻ em và hiện thực hóa các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em gửi gắm thông qua diễn đàn.

- Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ VII vừa kết thúc, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của diễn đàn lần này?

Ông Đặng Hoa Nam: Có thể nói, diễn đàn lần này đã quy tụ được những trẻ em tiêu biểu đại diện cho tất cả trẻ em trong cả nước. Các em được bầu chọn từ các diễn đàn trẻ em cấp tỉnh; tích cực trong các hoạt động, mô hình có sự tham gia của trẻ em như: Hội đồng trẻ em, Nhóm trẻ em nòng cốt tại cộng đồng dân cư... Các em đại diện mang về đây tiếng nói của trẻ em từ trong trường học, lớp học, cộng đồng dân cư của các em để chia sẻ với các lãnh đạo.

Tôi đặc biệt ấn tượng về cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa trẻ em với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành ngày hôm nay. Các bác đã rất cởi mở, thân thiện và thẳng thắn chia sẻ với các em những quan điểm, ý kiến và những việc mình đã làm để giúp các em có thể thực hiện được tốt nhất các quyền của mình, đặc biệt là quyền tham gia - một trong bốn nhóm quyền rất quan trọng của trẻ em.

Tôi cho rằng, nếu trẻ em thực hiện được quyền tham gia thì trẻ em sẽ tự tin hơn, có trách nhiệm hơn với gia đình, nhà trường, xã hội. Quyền tham gia của trẻ em đối với nhiều cơ quan, tổ chức, phụ huynh có lẽ còn là quyền khá mới lạ và khó thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thực hiện quyền tham gia của trẻ em là thúc đẩy môi trường xã hội văn minh, thân thiện và lành mạnh.

- Tại Diễn đàn năm nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Cục Trẻ em đã giúp trẻ em nói lên tiếng nói của mình như thế nào, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Diễn đàn trẻ em và nhiều hình thức để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em khác như Hội đồng trẻ em, mô hình Nhóm trẻ em nòng cốt… đều xuất phát từ chính nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em. Ở đây, người lớn, các anh, chị phụ trách chỉ đóng vai người hỗ trợ các em về việc tổ chức các hoạt động. Chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, giúp các em cách để chuyển tải ý kiến nhanh nhất đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương...

Tất cả nội dung tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần này đều đã được các em thảo luận tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh và thậm chí một số địa phương đã triển khai diễn đàn trẻ em ở cấp huyện, xã. Như vậy, các em đã có cơ hội lắng nghe, mang ý kiến, nguyện vọng, sáng kiến, giải pháp của trẻ em trên toàn quốc về với Diễn đàn lần thứ VII. Ở đây hoàn toàn là ý kiến của chính các em chứ không phải là ý kiến của người lớn. Không có chuyện người lớn gợi ý để các em nói mà đây là các em mang kết quả của các diễn đàn trẻ em ở địa phương, các cuộc thảo luận của các em ở Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần này đến các bộ, ngành.

- Những thông điệp các em gửi gắm sẽ được triển khai ra sao, thưa ông?

Ông Đặng Hoa Nam: Với những thông điệp các em gửi gắm tại diễn đàn hôm nay, chúng tôi sẽ tập hợp và chuyển đến các cơ quan chức năng để diễn đàn kỳ tới các em sẽ được tiếp nhận thông tin phản hồi của các cơ quan, tổ chức, ban ngành về việc đã làm những gì để đáp ứng nguyện vọng của các em.

- Vậy những ý kiến, nguyện vọng của trẻ em gửi tới những diễn đàn lần trước đã được hiện thực hóa như thế nào?

Ông Đặng Hoa Nam: Mọi ý kiến của trẻ em đều được chúng tôi theo dõi, đánh giá và chuyển gửi cho các bộ, ngành có liên quan. Phần lớn các ý kiến của trẻ em đã được tiếp thu một cách rất hợp lý.

Đại biểu trẻ em là dân tộc thiểu số tham gia Diễn đàn.

Chẳng hạn như trong việc tổng kết, đánh giá Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em 10 năm hay việc sửa đổi và bổ sung quy định của Luật Trẻ em năm 2016, toàn bộ ý kiến của trẻ em đã được ban soạn thảo, Bộ Biên tập, các bộ, ngành cân nhắc để có một văn bản chuyển tải được mong muốn không chỉ của các cơ quan lập pháp, hành pháp, các tổ chức xã hội mà cả ý kiến, nguyện vọng của chính trẻ em. Tôi cho rằng những sản phẩm pháp luật, chính sách trong thời gian vừa qua đã có hàm lượng ý kiến, nguyện của trẻ em khá lớn trong đó.

- Thời gian tới, Cục Trẻ em sẽ có những hoạt động cụ thể như thế nào để lắng nghe và thấu hiểu ý kiến của trẻ em, từ đó tham mưu với lãnh đạo Bộ để có những chính sách thực hiện quyền của trẻ em?

Ông Đặng Hoa Nam: Với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác triển khai công tác, hệ thống bảo vệ trẻ em tại Việt Nam, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng việc thiết lập một mạng lưới xã hội để mọi người dân, gia đình có thể tham gia vào mạng lưới bảo vệ trẻ em, lên tiếng tố cáo những nguy cơ, vụ việc xâm hại, tổn hại trẻ em một cách sớm nhất đến các dịch vụ như Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Chúng tôi sẽ tham mưu để nhanh chóng hoàn thiện hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là những hệ thống bảo vệ trẻ em chuyên biệt. Theo tôi, cần thiết phải có sự phối hợp một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các môi trường như: Môi trường xã hội-Công tác xã hội; môi trường giáo dục-Tâm lý học đường và trách nhiệm của ngành Y tế trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Tôi nghĩ rằng ít nhất ba bộ Giáo dục và Đào tạo, Y tế và Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành quan trọng khác như: Công an, Tư pháp, Viện Kiểm sát cần thiết lập một hệ thống tư pháp, hệ thống dịch vụ và an sinh xã hội một cách chặt chẽ để phòng ngừa được những nguy cơ trẻ em bị xâm hại và làm thế nào để tất cả những vụ việc trẻ em đang bị xâm hại, bị tổn hại được xử lý, giải quyết một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, môi trường sống an toàn, nhất là tai nạn thương tích cũng là một vấn đề cần đề cập đến. Trong thời gian qua, chúng ta đã có nhiều nỗ lực để giảm thiểu các vụ tai nạn thương tích trẻ em và cũng khá thành công.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em bị tử vong do đuối nước rất cao. Chúng tôi cho rằng vấn đề hiện nay là chính quyền địa phương, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dâncần có những quyết định để tăng nguồn lực cho việc triển khai các mô hình, can thiệp nhằm giảm đuối nước trẻ em để có thể giảm tổn hại cũng như xâm hại trẻ em.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Nguồn tham khảo:

https://www.vietnamplus.vn/dien-dan-tre-em-y-kien-nguyen-vong-cua-tre-em-duoc-tiep-thu-hop-ly/887983.vnp

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi điện đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em:      https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111      https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:    Tongdai111.vn