• 111
  • lang
  • lang

Đưa trẻ em đi cai nghiện, thẩm quyền của ai?

Dự án Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận với hàng trăm lượt ý kiến. Trong phiên họp thứ 51, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quan tâm thảo luận  trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. 

Chỉ có thể là toà án

Về Điều 40, quy định về biện pháp cai nghiện ma tuý bắt buộc đối với trẻ em từ 12 tới dưới 18 tuổi, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) Nguyễn Thuý Anh cho biết đã tiếp thu ý kiến đại biểu về quy định việc lập hồ sơ đưa người nghiện thuộc nhóm này vào cơ sở cai nghiện ma tuý bắt buộc cần được thể hiện ngay trong luật. Theo đó, dự thảo luật quy định: “hồ sơ phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan bảo vệ quyền trẻ em với các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân và đề xuất phương án quản lý tốt nhất cho từng trường hợp”.

Quá trình thảo luận, có đại biểu đề nghị bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện. Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, đối tượng này thuộc nhóm được ưu tiên bảo vệ, biện pháp phải khác so với đối tượng từ 18 tuổi trở lên để thể hiện tính nhân văn của nhà nước.

Nếu quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện ma túy bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy thì đã vô tình coi đối tượng này giống như trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện - bà Thuý Anh giải thích  lý do đề nghị nêu trên không được tiếp thu.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp (Ảnh Quốc hội).

Về ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá các điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện chế độ học tập văn hóa, từ cơ sở vật chất, nguồn lực, đội ngũ nhân viên công tác xã hội cho đến chương trình giáo dục phổ thông dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Chủ nhiệm Thuý Anh nêu rõ, được học tập văn hóa là một trong các quyền trẻ em. Tuy nhiên, bà Thuý Anh cũng phân tích, ngoài quyền học tập còn nhiều quyền khác của trẻ em cũng cần được ưu tiên như: quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, để phát triển thể chất, trí tuệ, tinh thần; được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể; quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ.

Để bảo đảm đầy đủ quyền được học văn hóa của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, với thời gian cai nghiện ma túy từ 6 - 12 tháng, trong  điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực của các cơ sở cai nghiện ma túy như hiện nay, việc quy định cụ thể trong luật sẽ khó bảo đảm tính khả thi.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, điều khoản này được thể hiện theo hướng quy định các cơ sở cai nghiện ma túy bảo đảm quyền lợi tốt nhất đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi trong thời gian cai nghiện bắt buộc.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề, nên chăng điều chỉnh thẩm quyền quyết định việc đưa người nghiện từ 12 tới dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện từ toà án sang UBND.

Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tại mỗi khu dân cư, nếu có trường hợp thanh thiếu niên nghiện, cộng đồng đều rất mong đưa đi cai. Nhưng nếu theo quy trình chờ toà án lập, quyết định được danh sách người cần bắt buộc đi cai thì sợ sẽ ùn tắc. Vì vậy, ông Phúc cho rằng, cần đơn giản hoá thủ tục này hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, với trẻ nhỏ, còn đang tuổi đi học, vui chơi thì việc đưa các em vào cơ sở cai nghiện bắt buộc cần hết sức tính toán vì việc này liên quan đến quyền con người, quyền trẻ em, nguyên tắc đảm bảo tính chất nhân đạo... Tuy nhiên, ở độ tuổi này, trẻ lại ở nhóm dễ nghiện nhất nên cần phải tính toán cho phù hợp”.

Vậy nên, ông Vương nhấn mạnh, việc này thẩm quyền quyết định chỉ có thể là toà án vì trong thời gian đi cai 6 - 12 tháng, còn phải tính tới việc học hành của các em.

Đảm bảo nguyên tắc chủ trì và phối hợp

Về cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm ma tuý, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh phản ánh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quan điểm giữ nguyên tắc như luật hiện hành: lực lượng chủ trì là công an, lực lượng phối hợp là cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan.

Nhưng cũng có ý kiến khác đề nghị quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành một số hoạt động liên quan đến điều tra, phát hiện tội phạm về ma túy là chưa phù hợp do vừa trùng lặp về nội dung và chưa đầy đủ so với quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan tương tự như quy định đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy thuộc Công an nhân dân.   

Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy là công việc hết sức nguy hiểm và rủi ro nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể phát sinh tiêu cực. Việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này. Vì vậy, nguyên tắc chủ trì và phối hợp cần được bảo đảm trong thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

Vào thời điểm ban hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, chỉ có ngành công an có cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy nên có quy định cơ quan chuyên trách. Từ năm 2004, Chính phủ đã tăng cường công tác phòng, chống ma túy thành lập thêm lực lượng chuyên trách để ngăn chặn, kiểm soát ma túy ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Lần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 đã thể hiện cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy gồm Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và Hải quan.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương phân tích, quy định về các lực lượng chuyên trách phòng chống ma tuý gồm công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển và hải quan là thiết kế theo đúng luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, không có gì là chồng chéo, “dẫm chân” nhau giữa các lực lượng.

Theo các luật hiện hành, Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý thuộc Bộ Công an có thẩm quyền điều tra mọi vụ án ma tuý trong phạm vi cả nước, qua tất cả các khâu của quy trình điều tra. Còn đấu tranh với tội phạm ma tuý, lực lượng bộ đội biên phong, cảnh sát biển, hải quan chỉ chịu trách nhiệm trong địa bàn hoạt động của mình, thẩm quyền cũng giới hạn ở khâu thực hiện biện pháp điều tra ban đầu, sau khi phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra thì các vụ việc vẫn được chuyển cơ quan công an làm tiếp - ông Vương nói.

Ông Vương cũng khẳng định, vai trò của các lực lượng phối hợp là “gác cửa biên giới”, hệ thống pháp luật của hầu hết các nước như Hàn Quốc, Singapore hay Mỹ… đều như vậy.

Theo Nguyễn Lê.

--- 

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616