• 111
  • lang
  • lang

Đuối nước - hiểm họa chưa bao giờ cũ

Từ đầu mùa hè năm nay, tin tức về các vụ trẻ em đuối nước liên tục xuất hiện, tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về một ẩn họa thường trực.

Trong vòng một tháng đầu hè, tỉnh Thanh Hoá đã ghi nhận bảy vụ tai nạn đuối nước khiến 10 người tử vong, phần lớn là trẻ em. Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cũng đã liên tiếp tiếp nhận hàng loạt ca cấp cứu do đuối nước trong tình trạng ngừng tim, hôn mê sâu, đe dọa tính mạng. Trong đó, có trường hợp cháu N.T.K.T (sinh năm 2020) ngã xuống ao nước bẩn ngay trong vườn nhà, khi không có ai trông coi. Gần nhất, hai học sinh lớp 10 và 11 ở xã Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã thiệt mạng sau khi cùng nhóm bạn xuống hồ tắm khi vừa chơi bóng đá.

Trước đó không lâu, tại Hà Tĩnh, cũng có hai em nhỏ lớp 2 và 6 tử vong khi tắm ở khe nước gần nhà bà ngoại. Đáng nói, phần lớn các tai nạn xảy ra trong những tình huống quen thuộc: Trẻ đi chơi cùng bạn, không có người lớn giám sát, tự ý tắm ao, hồ, sông, suối…

Ở những vùng quê, có nhiều nguy cơ đối với an toàn của trẻ như mật độ sông suối, ao hồ dày đặc, trẻ lại thường xuyên ra ngoài chơi mà không có người giám sát. Không ít em không biết bơi, hoặc biết bơi nhưng không nhận diện được nguy cơ như dòng nước xiết, vùng nước xoáy. Có trường hợp bạn bị nạn, em khác lao xuống cứu và cùng tử vong. Ngoài ra, sự thiếu vắng cơ sở vật chất, như bể bơi, biển cảnh báo, phao cứu sinh... - cũng là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thương tâm.

Ngày 10/5/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 61/CĐ-TTg yêu cầu các địa phương, trường học tăng cường quản lý, giáo dục và tổ chức các hoạt động hè an toàn, bổ ích cho học sinh, trong đó đặc biệt lưu ý phòng tránh đuối nước.

Nhận diện được vấn đề, nhiều địa phương đã triển khai giải pháp thiết thực, trong đó vai trò của Đoàn Thanh niên, lực lượng trẻ được huy động vào cuộc mạnh mẽ. Tại Hà Tĩnh, Tỉnh Đoàn tận dụng mọi xã hội hóa cũng như sức mạnh tình nguyện của thanh niên để nhanh chóng xây dựng bốn bể bơi cố định và 10 bể bơi di động tại các trường học và đi vào hoạt động đón các em ngay từ đầu hè. Các lớp học bơi miễn phí được tổ chức thường xuyên, đồng thời Đoàn Thanh niên ra quân lắp đặt biển cảnh báo tại các điểm nguy hiểm, phát thanh phòng đuối nước được tổ chức đều đặn trong hè.

Càng nhiều lớp học bơi được tổ chức thường xuyên, mức độ an toàn dành cho trẻ em sẽ càng được nâng cao. Ảnh: Minh Tân

Tuy nhiên, theo bà Đoàn Thu Huyền - Giám đốc quốc gia Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá tại Việt Nam, khuyến nghị chỉ học bơi thôi là chưa đủ. Trẻ em cần được dạy kỹ năng tự cứu, xác định nguy cơ và cứu đuối gián tiếp - đặc biệt là nhóm tiểu học trở lên. Còn với trẻ dưới 5 tuổi, việc học bơi chưa phổ biến do yêu cầu kỹ thuật cao, nên phụ huynh cần đặc biệt chú trọng giám sát, không để trẻ tiếp cận khu vực có nước mà không có người lớn đi cùng.

Để đuối nước không trở thành nỗi ám ảnh mỗi mùa hè, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ chính quyền địa phương, ngành giáo dục, tổ chức đoàn - hội, gia đình và chính các em học sinh, không chỉ bằng tuyên truyền, mà phải là hành động cụ thể.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 300.000 người chết do đuối nước, trong đó trẻ dưới 5 tuổi chiếm gần 25%. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có gần 2.000 trẻ em tử vong vì đuối nước. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ từ 1 đến 14 tuổi.

https://nhandan.vn/duoi-nuoc-hiem-hoa-chua-bao-gio-cu-post894118.html

_____

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:

- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 
+ Youtube: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.