Mọi vấn đề mâu thuẫn dẫn đến trừng phạt trẻ bằng đòn roi, thậm chí la mắng hoặc so sánh sự yếu kém của con mình với những đứa trẻ khác là bắt nguồn từ sự không thấu hiểu của người làm cha làm mẹ. Bậc cha mẹ luôn đứng ở vị thế cha mẹ để áp đặt cách suy nghĩ của bản thân mình lên cho con. Ví dụ, bạn luôn muốn con phải như thế này; phải học cái này, phải làm cái kia. Bạn sẽ không bao giờ hiểu vấn đề của con, nếu bạn không "nhỏ lại" như bé. Điều này không có nghĩa là bạn lúc nào cũng chiều ý con mọi lần con có vấn đề hoặc bướng bỉnh. Nếu bạn suy nghĩ như vậy là không đúng. "Nhỏ lại" như bé là cách mà bạn đặt vào hoàn cảnh của bé trong tình huống cụ thể đó và hãy hiểu vấn đề khó mà bé đang đối mặt và trở thành "kẻ bướng bỉnh" như thế nào. Điều này rất quan trọng nếu bạn muốn nuôi dưỡng một đứa trẻ thành công sau này.
Một ví dụ, bạn luôn bị stress vì tiếng khóc của con trong tháng đầu tiên sau sinh. Một khảo sát cho thấy tỉ lệ bà mẹ sau sinh 30 ngày bị trầm cảm từ vừa đến năng rất cao vì không hiểu tại sao con cứ khóc mỗi ngày. Nếu bạn "nhỏ lại" như bé, hãy tưởng tượng bạn không nói được, bạn không cựa quậy, giơ tay giơ chân được để "kêu cứu" ai đó khi tã quần bạn bị ướt, khi ai đó lạ ôm bạn, khi nhiệt độ phòng quá lạnh, khi bạn đói muốn xỉu hoặc đơn giản bạn đang bị lãng quên. Tiếng khóc là cách bạn gửi thông điệp đến cha mẹ bạn "Con ở đây nè, con cần mẹ".
Ví dụ này cho bạn thấy được: Trẻ cần 1 "người bạn" để hiểu trẻ ngay từ rất nhỏ. Dĩ nhiên, bạn nên chính là người bạn ấy của trẻ. Học làm cha mẹ không đơn thuần chỉ học kiến thức để nuôi dạy con khỏe mạnh, dinh dưỡng tốt mà bạn cũng cần phải học để hiểu con, hướng dẫn con và chia sẽ cùng con. Tôi hiểu như thế này " bạn chỉ là một người bạn "già có kinh nghiệm" của con thì sẽ hiểu được giá trị làm nên sự thành công của con bạn. Hãy truyền những kinh nghiệm bạn có, hướng dẫn và ân cần răn bảo để con phát huy giá trị của bản thân trẻ, hơn là giá trị cho bản thân bạn. Một phần thưởng vô giá cho người cha người mẹ là con mình sống hạnh phúc, tạo ra giá trị tình cảm cho bản thân của con và luôn cảm thấy đủ cho cuộc sống.
Giá trị của việc làm người bạn của con.
TS. Gwen Dewar, tác giả Parenting science, đã cho biết giá trị vô giá của việc là người bạn của con mang lại cho con nằm ở những điều sau:
- Những đứa trẻ ngoan hơn mong đợi và ít bướng bỉnh vì trẻ luôn được bạn hiểu và chia sẽ khó khăn ở những giai đoạn phát triển.
- Trẻ phát triển tốt giá trị bản thân của trẻ vì trẻ được tôn trọng.
- Sự phát triển nhận thức và suy nghĩ tư duy của trẻ phát triển sớm như trẻ có người bạn chính là cha mẹ chúng.
- Nếu bạn muốn những đứa trẻ chia sẽ cảm nhận, suy nghĩ, "bí mật" cá nhân, danh sách bạn bè, người quen trên mạng với trẻ, thì ngay từ nhỏ bạn nên học cách làm bạn với trẻ. Những nghiên cứu của GS. Frijns, ĐH Utrecht, cho biết: Đừng cố moi móc bí mật của con bằng mọi cách, kể cả vũ lực, nó sẽ "câm như hến" và chán ghét bạn, hãy để con tự nói với bạn. Để như vậy chỉ có cách làm bạn với con. Làm bạn càng sớm càng giúp bạn có nhiều cơ hội để hiểu con.
Làm sao tôi trở thành bạn của con?
1. Hãy cho con thấy bạn hiểu con.
Khó nhất là làm sao biết trẻ cần gì để hiểu? Câu trả lời là lắng nghe và đoán. Đoán 10 lần chẳng lẽ không trúng 1 lần. Để hiểu trẻ bạn học cách suy nghĩ như con. Khi con gặp vấn đề cắn/đánh bạn, bạn hãy ngăn hành động đó giữa hai bé bằng cách bế bé ra chỗ khác, nghiêm mặt hỏi bé tại sao con cắn bạn. Bé sẽ i a nói cho bạn biết là gì. Có lẽ bạn chưa chắc chắn hiểu hết con nói gì vì phát âm bé chưa rõ, nhưng hãy thể hiện bạn đang lắng nghe tích cực sự giải thích của con, phán đoán tình huống, hoặc hỏi bé kia (nếu cần). Kết thúc là 1 lời xin lỗi giải hòa. Dĩ nhiên, các bé dễ quên không cần xin lỗi và vẫn chơi với nhau sau đó. Tuy nhiên, nếu bạn muốn con bạn phát triển nhận thức thì hãy giúp con và bạn kia cùng xin lỗi/thỏa thuận với nhau, sẽ tốt hơn là để sự việc qua đi mà không giúp bé nhận ra vấn đề.
2. Bớt nói/la mắng mà hãy hành động giúp con sửa sai:
Khi còn làm vỡ đồ, đừng la mắng. Hãy cho con biết con sai ở chỗ nào (VD trong nhà chật chội không thể đá banh, nếu còn muốn đá banh ngày mai cha con ta ra sân bóng sau nhà nhé) và hãy hành động để con sửa sai (bây giờ còn mang găng tay cùng cha dọn dẹp nhé).
Nếu trẻ biếng ăn ngậm thức ăn, ném thức ăn và khóc không chịu ăn. Hãy đừng ép con ăn bằng mọi cách. Hãy ngưng việc cho ăn và bảo "liệu con có thể giúp mẹ bỏ những thức ăn con ném vào bịt rác này không". Và hành động thể hiện bạn sẽ cho bé lựa chọn khác tốt hơn (Mẹ sẽ làm con bánh...lát mẹ con ta cùng thử nhé, con có thích cùng mẹ "quậy phá" với bột mì 1 tí không?).
3. Đừng suốt ngày nói về cái con không làm tốt/không bằng một ai đó
Có bạn sẽ hỏi: Liệu lúc nào cũng khen/cũng nhìn vào mặt tích cực của con thì làm sao để con cố gắng khắc phục cái chưa tốt?
Dĩ nhiên, nhìn vào khía cạnh tích cực của con không có nghĩa là khen con vô nghĩa hoặc làm con tránh đối mặt với lĩnh vực con yếu kém. Đơn giản là bạn cho con biết con có những thế mạnh của con. Con không phải yếu kém. Con chỉ cần cố gắng thêm 1 chút nữa ở lĩnh vực con không quen thuộc. Ai cũng biết nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison. Không ai nghĩ Ngài từng bị nhà trường gửi 1 bức thư cho mẹ Ngài với nội dung tạm dịch là: "Con bà rất đần độn, con bà không thích hợp học trong ngôi trường của chúng tôi". Người mẹ của Ngài đọc bức thư và nói với Ngài :" Con của bà là một thiên tài, trường học quá bé và không có giáo viên đủ tốt để dạy con của bà". Thomas Edison đã từng nói về mẹ mình trong nhật ký của ông: " Con rất đần độn, nhưng con có mẹ là một thiên tài". Câu chuyện không nói về sự khen sáo rỗng mà nói lên cách nhìn của người mẹ/người cha rất quan trọng cho sự thành công của con trẻ. Nếu là bạn, khi nhận sổ liên lạc của con yếu kém của con, liệu bạn la mắng con ngay, hay sẽ tìm những điểm số mà con bạn làm tốt, và những nguyên nhân làm những điểm số làm con bạn trở nên yếu kém? Bạn đã hiểu tại sao "Mẹ Edison lại nhìn lá thư theo lăng kính mới, lăng kính mà làm con của bà trở thành thiên tài của nhân loại.
Hãy tránh làm "người bạn sáo rỗng" của con.
Làm người bạn của con phải là người bạn có tính trung thực nhận ra những điều con làm chưa đúng hoặc chưa biết làm sao cho đúng, đưa ra hướng dẫn/răn bảo có tính xây dựng và để không gian cho con phát triển. Đừng trở thành người bạn "hùa" của con, đừng là người bạn luôn khen/đứng về phía con/bênh vực vô nghĩa. Điều này bạn đang làm con bạn xấu đi trong nhận thức. Người bạn thật sự của con là có sự thông hiểu, chia sẽ, nhưng có "đặc quyền của bậc cha mẹ" khi con làm sai và khi cần uốn nắn khoa học. Đừng lấy "đặc quyền" này cho là bạn có quyền xâm phạm riêng tư, soi mói và áp đặt mọi chủ kiến và suy nghĩ lên con trẻ. Nếu bạn làm vậy, con bạn sẽ chán ghét người bạn như bạn.
Note:
Frijns T, Finkenauer C, and Keijsers L. 2013. Shared secrets versus secrets kept private are linked to better adolescent adjustment. J Adolesc. 36(1):55-64.
Gwen Dewar (2013) Should parents be friends with their kids? Parenting Science.
---
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061