• 111
  • lang
  • lang

Giấc ngủ, lùi giờ học và hạnh phúc học đường.

Từ đầu năm học mới này, một số trường phổ thông ở TPHCM lùi giờ vào học, thay vì 7 giờ 15 phút như các năm thì sẽ vào lớp lúc 7 giờ 30 phút.

Nhiều trường tại TPHCM cho học sinh vào lớp lúc 7 giờ sáng và tan trường trong khoảng từ 16 giờ 15 phút đến 17 giờ 5 phút, tùy khối học.

Được biết trong các năm học qua, một số trường học tại TPHCM thực hiện lệch giờ vào lớp, tan trường để giảm áp lực giao thông vào giờ cao điểm. Một số trường lùi giờ vào học để giúp học sinh có thêm thời gian ăn sáng, nghỉ ngơi.

Việc điều chỉnh giờ học trên đây gây nhiều tranh cãi trên một số diễn đàn trong những ngày gần đây.

Chia sẻ với Dân trí, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐHGD-ĐHQG Hà Nội) cho biết, càng ở cấp học nhỏ, chất lượng giấc ngủ càng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí tuệ và cảm xúc.

Đặc biệt giai đoạn dậy thì khi các em đang trải qua những tác động của yếu tố tâm sinh lý ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của mình, các em có thể bị thay đổi chế độ ngủ, các bạn hưng phấn hơn, đi ngủ muộn hơn một cách tự nhiên.

Do đó, thời gian biểu học tập buổi sáng quá sớm, chắc chắn các em sẽ thiếu ngủ và đến lớp trong trạng thái không hoàn toàn tỉnh táo.

Biểu diễn sáng quá sớm, chắc chắn các em sẽ thiếu ngủ và đến lớp trong trạng thái không hoàn toàn tỉnh táo (Ảnh: Mỹ Hà).

Nhiều trẻ thiếu thời gian ngủ

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, theo khuyến cáo của nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6-13 tuổi phải ngủ đủ tối thiếu 7-8 tiếng/ ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9-11h mỗi đêm cho lứa tuổi này.

Với những trẻ trong độ tuổi teen từ 14-17 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày và thời gian ngủ trung bình khuyến cáo cho lứa tuổi này phải từ 9-11h mỗi đêm. 

Thế nhưng nếu các bậc cha mẹ quan sát sẽ thấy về cơ bản con cái chúng ta chẳng bao giờ ngủ được từng đó thời gian.

"Còn nhớ những học sinh thế hệ chúng tôi lúc học THCS và THPT ở Hà Nội thời điểm đó vẫn còn có những trường học ca sáng và trường học ca chiều.

Ví dụ trường chúng tôi là Phan Đình Phùng thì học ca sáng, Trường Hoàng Diệu thì học ca chiều.

Vào năm thứ 2 đại học (1999), khi tham gia phong trào nghiên cứu khoa học tại Trường, sinh viên ngành Tâm lý của chúng tôi đã có một khảo sát so sánh hứng thú và kết quả học tập của các bạn học sinh học các ca sáng, chiều.

Mặc dù lỗi thời và phương pháp nghiên cứu của sinh viên còn những hạn chế, kết quả cho thấy các bạn học ca chiều hứng thú hơn, vui vẻ hơn, tỉ lệ hoàn thành bài tập trước khi đến trường nhiều hơn…, và nguyên nhân một phần buổi sáng các bạn được ngủ đủ giấc hơn", PGS Trần Thành Nam nhớ lại.

Có thể nói giấc ngủ liên quan đến các chức năng về mặt thể chất và tâm lý. Giấc ngủ giúp tái tạo năng lượng cho cơ thể, hỗ trợ trí nhớ và giúp điều chỉnh tâm trạng, mức độ ngon miệng.

Việc thiếu ngủ có liên quan đến năng lực tập trung, khả năng tư duy phản biện, trí nhớ công việc…, dẫn đến học sinh thiếu ngủ thường có kết quả học tập thấp hơn, tỷ lệ béo phì cao hơn, tăng viêm nhiễm và các bệnh vặt do sức đề kháng suy yếu, sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng dẫn đến hành xử hung hăng hơn, dễ lo lắng hơn khi so sánh với những thiếu niên ngủ đủ giấc.

Thiếu kỹ năng "Vệ sinh giấc ngủ"

Bên cạnh việc thiếu thời gian ngủ, chất lượng giấc ngủ của các em học sinh hiện cũng không đảm bảo vì không có kiến thức "vệ sinh giấc ngủ".

Giấc ngủ của các em vẫn bị làm phiền bởi các thiết bị điện tử, những tiếng ồn nội sinh và ngoại sinh trong gia đình.

Không gian phòng ngủ cũng có thể gây mất ngủ nếu không khí trong phòng chưa thông thoáng, thiếu lượng oxy cần thiết dẫn đến ngột ngạt làm giấc ngủ không sâu.

Nhiều bạn ăn quá no trước khi ngủ sẽ khiến chúng ta khó ngủ do cơ thể phải tăng cường làm việc để tiêu hóa lượng thức ăn đó.

Nhiều học sinh ngủ ít mà chất lượng giấc ngủ càng ngày càng kém (Ảnh: Getty Images).

Về khía cạnh tâm lý, hãy thử hình dung tình huống, trước đây khi không có điện thoại và thiết bị công nghệ phổ biến như bây giờ. Khi vào giường là lúc chúng ta rất mệt và chỉ nghĩ đến nghỉ ngơi.

Vì vậy khi bước đến giường ngủ là cơ thể chúng ta tự động thư giãn tâm lý buông lỏng nên dễ chìm vào giấc ngủ.

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay cuộc sống hiện đại các bạn học sinh đã hình thành thói quen làm mọi việc trên giường.

Hễ lên giường ngủ, các em bắt đầu cầm điện thoại để kiểm tra mọi thứ mà cả ngày bận rộn chúng ta chưa kịp làm.

Cái giường bây giờ không còn là chỗ để ngủ mà trở thành chỗ để gặp gỡ bạn bè, giải trí, thậm chí là chỗ để giải quyết công việc học hành hay xử lý các mối quan hệ thông qua Internet.

Như vậy, cái giường đã biến thành bàn làm việc, thành câu lạc bộ giải trí. Lúc đó, nằm trên giường cơ thể chúng ta không còn tự động giãn mềm và thư giãn để chuẩn bị ngủ nữa mà lúc nào cũng trong tâm trạng hưng phấn kích động vì muốn đọc tin, muốn kết nối, phải giải quyết nốt công việc.

Vì vậy, nhiều học sinh đã ngủ ít mà chất lượng giấc ngủ lại càng ngày càng kém.

Thời gian được điều chỉnh thành từng địa chỉ phù hợp (Ảnh: Mỹ Hà).

Điều chỉnh phù hợp thời gian với từng địa phương

Với tất cả những lý do trên, tôi ủng hộ việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi và nhu cầu giấc ngủ theo khuyến cáo để hỗ trợ cho sự phát triển toàn diện của người học.

Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và cập nhật hơn.

Không nên chỉ dựa trên một số ý kiến chuyên gia nghĩ rằng nên lùi giờ vào 7 giờ 30 phút hay đến 8 giờ để thực hiện.

Đồng thời, việc điều chỉnh giờ học phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Làm được như vậy, cần trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng nhà trường để có phương án phù hợp.

"Tham khảo một số quốc gia khác, họ điều chỉnh giờ lên lớp từ 8:30 sáng, học sinh sẽ được ăn sáng đầy đủ và học xuyên qua trưa trước khi bước vào giờ thư giãn buổi chiều.

Việc học xuyên qua trưa cũng được quyết định căn cứ trên các kết quả nghiên cứu về nhịp đường cong cảm xúc tích cực và cảm xúc tiêu cực của học sinh trong ngày.

Thời gian học tập sẽ tận dụng tối đa những khung thời gian cảm xúc tích cực lên cao và sẽ tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các chương trình luyện tập thể chất vào khung thời gian cảm xúc tiêu cực lên cao", PGS Trần Thành Nam cho hay.

Tất nhiên, một yếu tố quan trọng, việc tính toán lùi giờ học vào thời điểm nào cũng phải cân nhắc đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng khác ví dụ như việc đưa đón con đi học bị lệch so với giờ đi làm của cha mẹ….

Trong thời gian chưa thể điều chỉnh được chính sách, cha mẹ và các gia đình cần ý thức được về nhu cầu giấc ngủ và ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển của con.

Các gia đình nên tự thực hiện một số chiến lược "vệ sinh" giấc ngủ để giúp con có giấc ngủ ngắn nhưng chất lượng, giúp tái tạo sức bền tâm lý.

7 lời khuyên của PGS Trần Thành Nam để học sinh ngủ ngon hơn buổi tối

- Nếu ban ngày có ngủ thì chỉ giới hạn ngủ ngắn 30 phút. Ngủ nhiều ban ngày thì tất nhiên tối sẽ không ngủ được. Nhưng nếu ban ngày học căng thẳng thì ngủ ngắn khoảng 20-30 phút sẽ cải thiện tâm trạng, tăng khả năng tập trung và thư giãn mắt rất tốt.

- Tránh sử dụng các chất gây kích thích như nước có cafein, nước tăng lực, vitamin vào buổi chiều tối.

- Tăng cường tập các bài tập thể dục giúp học sinh có giấc ngủ ngon hơn nhưng không nên tập trước giờ đi ngủ. Trước giờ đi ngủ, các em chỉ nên vận động nhẹ nhàng, có thể tắm nước ấm hoặc uống thức uống hơi ấm.

- Tránh ăn quá no, ăn quá nhiều gia vị cay, nhiều hoa quả lên men buổi tối.

- Các em có thể viết những lo lắng trong ngày và ném vào thùng rác trước khi ngủ, kèm với đó là tập trung điều hòa hơi thở.

- Hãy để ánh sáng phòng ngủ yếu để dễ ngủ.

- Tốt nhất để tất cả các thiết bị điện tử nằm ở ngoài phòng ngủ, ngoài tầm với của các bạn để có giấc ngủ ngon.

Nguồn tham khảo: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/dieu-chinh-gio-hoc-phu-hop-va-cham-soc-giac-ngu-hoc-tro-20221019233414842.htm

---

Nếu phát hiện hoặc chứng nhận hành vi bạo lực, bị hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn vui lòng:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ chính thức các tài khoản của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia bảo vệ Trẻ em:  https : //www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111  https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111:  Tongdai111.vn