• 111
  • lang
  • lang

Giai đoạn nào quan trọng nhất cho sự thành bại của một đứa trẻ?

Não bộ trẻ có nhiều điều rất thú vị và được ví như một chiếc bông thấm. Lúc mới sinh, chiếc bông thấm bắt đầu thấm hút bất cứ thứ gì xảy ra trong môi trường những năm đầu đời của nó. Dù nước trong hay nước đục, dù ít hay nhiều, nó vẫn cứ thấm vào chiếc bông thấm này để rồi trở thành cái mà nó sẽ sử dụng cho phần cuộc đời sau này của một đứa trẻ. Khi nói về giai đoạn quan trọng nhất cho sự thành bại của một đứa trẻ, bà Maria Montessori từng nói “không phải ở tuổi học đại học, mà là thời kỳ đầu tiên, giai đoạn mới sinh đến khi sáu tuổi”. Nếu chọn thời điểm để đầu tư, thì đây chính là lúc cha mẹ nên đầu tư hơn bao giờ hết.

Vì sao như vậy?

VÌ ĐÂY LÀ GIAI ĐOẠN VÀNG TRONG PHÁT TRIỂN NÃO BỘ

Giống như sự phát triển chiều cao, não bộ cũng có cột mốc quan trọng cho sự phát triển của nó. Như chúng ta đã biết, hơn 90% não bộ sẽ hoàn thiện trước 6 tuổi. Cụ thể, não bộ sẽ tăng tốc cả cấu trúc, số lượng tế bào, và kết nối thần kinh trong suốt giai đoạn này.

Do đó, 2 điều chúng ta cần làm là:

1. Đảm bảo nguồn nguyên liệu tốt và đầy đủ cho giai đoạn tăng tốc này của nó

Nguyên liệu để xây dựng cấu trúc não bộ là thông qua dinh dưỡng. Đây là những lời khuyên về dinh dưỡng cha mẹ có thể tham khảo:

* Chất đạm cần đa dạng nguồn, nên bắt đầu giới thiệu nguồn đạm chứa sắt từ tuần thứ 3 ăn dặm hoặc khi trẻ 6.5-7 tháng tuổi. Tế bào não cần sắt để đảm bảo hoạt động đúng chức năng. Các nguồn chứa sắt như thịt bò, thịt heo, lòng đỏ trứng.

* Chất béo omega-3 DHA một dạng chất béo không bão hòa chuỗi dài có vai trò quan trọng trong sự phát triển tế bào thần kinh của trẻ ở độ tuổi sớm.

Theo một nghiên cứu tổng quan và phân tích dữ liệu từ 24 nghiên cứu khác nhau bởi nhóm của TS. Cooper, ĐH King’s College London đã cho thấy chất béo omega-3 DHA giúp cải thiện khả năng học hỏi và nhận thức của não bộ. Mặt khác, TS. Kirby cùng cộng sự tại ĐH South Wales, Anh đã xem xét 29 thử nghiệm lâm sàng trên trẻ em liên quan đến vai trò của chất béo này trên khả năng học hỏi. Họ đã tìm thấy chế độ ăn giàu chất béo giúp hổ trợ khả năng đọc, nói, đánh vần, nhận thức của trẻ.

Nguồn chất béo này có nhiều trong các loại cá dầu như cá hồi, cá thu, cá chép, lươn sông. Hấp là cách lấy được nguồn dinh dưỡng này tốt nhất. Trẻ nhỏ được khuyên nên duy trì 2-3 ngày/tuần những loại cá trên, trung bình 90-180g thịt cá đã nấu chín/ngày cho trẻ từ 1-5 tuổi là đủ. Hoặc có thể bổ sung DHA cho trẻ nếu chế độ ăn của trẻ không đa dạng hoặc trẻ biếng ăn cá thịt. Với trẻ em, nên chọn DHA dạng lỏng dễ hấp thụ, như dòng Kids Smart Drops DHA Nature’s Way khá nổi tiếng tại Úc có sự kết hợp thêm thành phần chất béo EPA cùng với DHA giúp tăng khả năng hấp thu và phù hợp với trẻ.

* Rau xanh: trẻ 1-6 tuổi nên duy trì ít nhất 2 loại rau xanh với khẩu phần 160g/ngày để đảm bảo trẻ có đủ 1 số loại vitamin khoáng cần cho phát triển não bộ.

* Hạn chế giới thiệu các loại bánh kẹo trước 2 tuổi. Duy trì chế độ ăn lành mạnh, ít bánh snack

2. Xây dựng yếu tố kích thích

* Sớm tương tác da kề da và cho trẻ lúc bú mẹ.

* Khi trẻ được 3 tuần tuổi, trẻ có thể nghe và nhìn mẹ nếu mẹ nhìn trẻ ở khoảng cách gần. Những trò chơi như âm thanh, màu sắc tương phản đen-trắng sẽ làm trẻ đáp ứng và giao tiếp.

* Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, cha mẹ nên thay đổi cấu trúc thức ăn từ lỏng mịn đến thô dần và khi trẻ qua 10 tháng tuổi nên bắt đầu ăn cơm nát thay vì cháo lỏng. TS. Edmund, Trung tâm Computational Neuroscience, Oxford, UK, cho biết cấu trúc thức ăn liên quan đến hoạt động của não bộ từ sớm trong việc kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Việc này giúp trẻ phát triển tốt nhận thức về cấu trúc, cùng với mùi vị và màu sắc của thức ăn liên quan.

* Nên tạo ra các kích thích tích cực thông qua tương tác, đọc sách và trò chuyện ở độ tuổi sớm.

Notes

Cooper RE, Tye C, Kuntsi J, Vassos E, Asherson P. Omega-3 polyunsaturated fatty acid supplementation and cognition: A systematic review and meta-analysis. J Psychopharmacol. 2015 Jul;29(7):753-63.

Kirby A, Derbyshire E (2018) Omega-3/6 Fatty Acids and Learning in Children and Young People: A Review of Randomised Controlled Trials Published in the Last 5 Years. J Nutr Food Sci 8: 670.

Edmund T. Rolls (2010) Taste, Olfactory and Food-texture Processing in the Brain and the Control of Appetite

---

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/124927393982155061