• 111
  • lang
  • lang

Giải mã nguyên nhân lạm dụng chất gây nghiện ở giới trẻ

Lạm dụng các chất gây nghiện trong giới trẻ đang gia tăng trên toàn cầu không chỉ là một vấn đề y tế mà còn là hiện tượng xã hội phức tạp.

Hiểu rõ những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này sẽ giúp các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Sự tò mò và thiếu hiểu biết

Ở tuổi vị thành niên, sự tò mò và mong muốn thử nghiệm những điều mới mẻ là tâm lý phổ biến. Các chất gây nghiện như rượu, ma túy hay thuốc lá điện tử… thường được các em coi là “trải nghiệm” thú vị và khác biệt.

Nhiều thanh thiếu niên cho rằng, thử một lần sẽ không gây hại hoặc tự tin mình có thể kiểm soát được hành vi. Tuy nhiên, chính sự thiếu hiểu biết về hậu quả lâu dài khiến các em dễ rơi vào vòng xoáy phụ thuộc.

Bắt nạt học đường cũng góp phần đẩy trẻ đến các chất gây nghiện. Ảnh: Dewey .

Ảnh hưởng từ môi trường gia đình

Trẻ em sống trong môi trường có người lớn sử dụng rượu bia hoặc các chất gây nghiện thường coi đó là hành vi bình thường. Nếu các chất này có sẵn trong nhà, khả năng các em sử dụng sẽ tăng lên.

Ngoài ra, cha mẹ thường xuyên cãi vã, áp đặt lối sống hoặc thiếu quan tâm, hỗ trợ con cũng có thể đẩy trẻ tìm đến chất gây nghiện như một cách phản kháng hoặc để tự xoa dịu nỗi đau tinh thần.

Áp lực xã hội và bạn bè

Áp lực hòa nhập trong nhóm bạn bè là yếu tố phổ biến dẫn đến việc sử dụng chất gây nghiện ở giới trẻ. Nhiều em cảm thấy khó từ chối khi bị bạn bè lôi kéo, sợ bị coi là “lạc lõng” hoặc không hợp thời.

Nạn bắt nạt học đường cũng góp phần đẩy trẻ đến các chất gây nghiện. Những em bị bắt nạt, cô lập, lạm dụng hoặc cảm thấy không được chấp nhận có xu hướng tìm đến rượu hoặc ma túy để xoa dịu nỗi đau.

Căng thẳng tâm lý và chấn thương

Các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, hoặc chấn thương tâm lý sau những sự kiện đau buồn khiến nhiều thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện như một cách đối phó.

Mặc dù có thể tìm thấy sự giải thoát ngắn hạn, nhưng theo thời gian, việc sử dụng chất gây nghiện khiến sức khỏe thể chất và tinh thần trở nên tồi tệ hơn, khiến trẻ bị lệ thuộc vào nó.

Áp lực học tập và hình mẫu xã hội

Ở một số trường hợp, các em học sinh lạm dụng chất gây nghiện để cải thiện hiệu suất học tập hoặc thi đấu thể thao. Chất gây nghiện được trẻ sử dụng như công cụ để giữ cho tinh thần tỉnh táo, giảm căng thẳng hoặc nâng cao thành tích.

Nhiều bạn trẻ, đặc biệt là nữ giới, tin rằng sử dụng chất kích thích sẽ giúp giảm cân hoặc duy trì vóc dáng, dẫn đến nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống và lệ thuộc vào các chất này.

Cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc của con, tạo môi trường gia đình an toàn và lành mạnh để giúp trẻ tránh xa chất gây nghiện. Ảnh: TL.

Thiếu giáo dục về chất gây nghiện và kỹ năng sống

Hiện nay, ở một số trường học, giáo dục phòng chống chất gây nghiện chưa thật sự được chú trọng hoặc triển khai hiệu quả. Nhiều thanh thiếu niên thiếu kiến thức cơ bản để nhận biết nguy cơ và hậu quả của việc sử dụng chất gây nghiện.

Ngoài ra, việc thiếu kỹ năng sống, chẳng hạn như đối phó với áp lực hoặc xử lý cảm xúc tiêu cực, cũng khiến các em dễ tìm đến các chất này như một “lối thoát”
tạm thời.

Ảnh hưởng từ văn hóa đại chúng

Các nền tảng mạng xã hội, âm nhạc và phim ảnh đôi khi vô tình lãng mạn hóa việc sử dụng chất gây nghiện, khiến giới trẻ nghĩ rằng đây là biểu tượng của sự tự do, cá tính hoặc “sành điệu”. Những hình ảnh này tạo ra một ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt đối với thanh thiếu niên vì các em đang trong giai đoạn hình thành nhân cách.

Đói nghèo và bất bình đẳng xã hội

Ở các cộng đồng gặp nhiều khó khăn, trẻ em và thanh thiếu niên thường ít có cơ hội học tập, vui chơi và phát triển. Điều này khiến các em dễ rơi vào vòng xoáy tệ nạn xã hội và lạm dụng chất gây nghiện. Những bất bình đẳng trong cuộc sống tạo cảm giác bị bỏ rơi, khiến các em tìm đến chất gây nghiện để quên đi thực tại.

Giải pháp để ngăn chặn tình trạng giới trẻ lạm dụng chất gây nghiện?

Để giảm thiểu lạm dụng chất gây nghiện ở giới trẻ, cần sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Tăng cường quan tâm từ gia đình: Cha mẹ cần lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc và tâm lý của con, tạo môi trường gia đình an toàn và lành mạnh.

Giáo dục trong trường học: Các chương trình phòng chống chất gây nghiện nên nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng của các chất này đối với sức khỏe và tương lai. Các trường học cần trang bị kỹ năng sống để giúp học sinh đối phó với áp lực và xử lý cảm xúc tiêu cực.

Hỗ trợ tâm lý: Cần phát triển các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tâm lý dễ tiếp cận cho thanh thiếu niên, đặc biệt là những em đang gặp khó khăn hoặc tổn thương.

Thắt chặt quản lý xã hội: Cần có các biện pháp nghiêm ngặt hơn để kiểm soát việc mua bán và sử dụng các chất gây nghiện; giám sát chặt chẽ những môi trường có nguy cơ phát sinh tệ nạn.

Lạm dụng chất gây nghiện ở giới trẻ không chỉ là vấn đề của cá nhân mà là hồi chuông cảnh báo cho cả xã hội. Việc xây dựng một hệ thống giáo dục, hỗ trợ và quản lý hiệu quả sẽ giúp bảo vệ thế hệ trẻ khỏi nguy cơ rơi vào vòng xoáy nguy hiểm của các chất gây nghiện.

https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/giai-ma-nguyen-nhan-lam-dung-chat-gay-nghien-o-gioi-tre-20241212154333345.htm

__

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến ​​hành động bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:

- Gọi điện đến Tổng đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua ứng dụng của Tổng đài 111

- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:Các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng Đài điện thoại Quốc gia Bảo vệ Trẻ em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo: Tổng đài 111
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn
+ Tiktok: Tổng đài 111 
+ Youtube: Tổng đài 111

Tổng đài hoạt động 24/7 và hoàn toàn miễn phí.