GIÁO DỤC HÀNH VI VỚI TRẺ TRƯỚC 5 TUỔi
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng: "bé còn quá nhỏ để hiểu một hành động là đúng hay sai". Nhưng theo GS. Gardner, ĐH Oxford, Anh Quốc, đã cho thấy: các bé từ 6 tháng tuổi đã có thể bắt đầu học hành vi, hầu hết các bé trước 5 tuổi đều bắt chước, nắm bắt thành thạo hành vi của cha mẹ và có thể hiểu được hành vi tốt hay xấu nếu được dạy đúng cách. GS. Gardner còn nhấn mạnh: việc giáo dục hành vi trước 5 tuổi là một điều quan trọng vì một số hành vi nền tảng trong tính cách bé sẽ được hình thành, phụ thuộc vào mức độ tình huống diễn ra, và tính cách này sẽ tồn tại đến khi bé trưởng thành.
2 YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI CỦA TRẺ TRƯỚC 5 TUỔI
* YẾU TỐ 1: Hành vi của cha mẹ hoặc người chăm sóc
Mọi hành vi xấu hoặc tốt của cha mẹ, người chăm sóc sẽ được bé tiếp thu không chọn lọc và bắt chước cực kì chính xác. Thời điểm học hỏi nhanh là khi bé bước qua 10 tháng tuổi. Bé có thể nhìn vào nét mặt để đoán hành vi của bạn.
* YẾU TỐ 2: Cách xử lý tình huống của cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Bé cũng dễ dàng học được cách biểu hiện hành vi của bạn với tình huống.
NHỮNG TÌNH HUỐNG THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH XỬ LÝ
TÌNH HUỐNG 1: Tình huống này hướng đến phát triển khả năng nhận thức, rất quan trọng cho cách ứng xử và tính cách của trẻ sau này.
Bé đòi nhiều lần 1 món đồ và bạn muốn kết thúc nó và nói "không với bé", bé vẫn tiếp tục đòi và cuối cùng là khóc. Tình huống này thường gặp ở các bé từ 7 - 16 tháng tuổi. Và cũng gặp ở 1 số bé lớn 3-4 tuổi.
CÁCH XỬ LÝ CHƯA ĐÚNG: Cha mẹ đã quyết định kết thúc và nói "không với bé" , nhưng bé vẫn cứ đòi, cha mẹ lại tiếp tục nói không lần 2 nhưng và tiếp tục đòi 1-2 lần nữa, sau đó bé kết thúc bằng cách khóc và "ăn vạ, đập đầu xuống gối hoặc đất". Và cha mẹ chọn cách lấy món đồ đó cho bé chơi để bé không khóc nữa.
CHA MẸ NÊN LÀM GÌ?
GS. Penny, Trung Tâm Phát triển hành vi trẻ nhỏ Westbrook, Anh Quốc, khuyên cha mẹ:
Thật sai lầm khi cha mẹ không định nghĩa rõ ràng chữ "không với bé", cách cha mẹ đang làm như trên là dạy bé hiểu hành vi nói "không với bé" là tạm thời, là có lẽ, thậm chí 1 số bé sẽ hiểu là "được" nếu tiếp tục đòi thêm vài lần nữa.
Để xử lý tình huống này, Cha mẹ nên làm gì?
Thứ 1, khi bạn nói "không với bé", thì đem cất món đó ra khỏi tầm mắt bé và khuôn mặt bạn nghiêm, nhưng đừng quát tháo bé. Điều này làm bé hiểu lời nói của bạn phù hợp với hành vi dứt khoát của bạn.
Thứ 2, bạn sẽ thấy hành vi bé thay đổi theo hành vi của bạn, bé sẽ khóc liền ngay sau đó mà không đòi nữa, bạn cứ để bé khóc 1-2 phút, sau đó hướng bé đến 1 món đồ chơi khác hoặc 1 hoạt động khác. Điều này giúp bé hiểu được hành vi khóc vòi vỉn không phải là hành vi đúng.
Bạn làm 3-4 lần, thì bé sẽ được hướng tới hành vi tốt và cuộc sống bạn không áp lực với những tình huống vòi vỉn hay khóc ăn vạ dai dẳng của bé nữa vì bé đã học được hành vi tốt và nhận thức được sự cương quyết của bạn.
TÌNH HUỐNG 2: Tình huống này hướng tới phát triển tính tự chủ và chịu trách nhiệm ở trẻ. Các bé thiếu tính tự chủ và chịu trách nhiệm là thường nhút nhát khi bé lớn và thường thất bại nhiều trong công việc và học tập, vỏ não cũng ít phát triển hơn vì thiếu sự phân tích.
Khi bé chạy bị ngã hoặc đụng trúng đồ vật nào bị té mặc dù chỉ là ngã bình thường không có thương tích nghiêm trọng, bé khóc, và tiếng khóc bắt đầu lớn hơn khi thấy bạn gần đó.
XỬ LÝ CHƯA ĐÚNG: Cha mẹ ngay lập tức bế bé dậy và "đánh trừ" vào vật dụng làm bé ngã và nói rằng " mẹ đánh cái ghế này, cái ghế hư quá làm cu Bin mẹ ngã, đánh cái ghế này,.." Bé sẽ nín khóc nhanh.
CHA MẸ NÊN LÀM GÌ?
Gs. Kelly, chuyên gia phân tích não bộ baby center, Mỹ khuyên: Việc xử lý theo cách trên là một cách dạy bé đổ lỗi công khai cho người khác, ở đây là cái ghế, bé hiểu rằng bé không bao giờ sai và bạn cũng không ngạc nhiên rằng: khi bé bị vậy lần 2, bé lại khóc và đợi bạn bênh vực bé. Đừng nghĩ xử lý hành vi này là vô hại, đó là cách dạy cho bé hành vi thiếu tự tin trong tình huống của cuộc sống. Các bé trước 5 tuổi cần sự khuyến khích yêu thương của cha mẹ để đối phó với nhiều tình huống khác nhau, nhưng không phải ở dạng là bé luôn được bảo vệ.
Trước tình huống này, cha mẹ làm gì?
Thứ 1: Đến bên bé ngay khi bé ngã, nhưng cho bé có thời gian để tự đứng dậy (2-3 phút), dùng lời nói khuyến khích bé đứng hoặc ngồi dậy. Nếu bé vẫn không ngồi dậy thì bạn đến đỡ bé dậy, cố để bé dùng lực bản thân để ngồi dậy.
Thứ 2, khi bé ngồi dậy, bé thường chỉ vào vật dụng làm bé ngã hoặc khóc lớn hơn. Bạn không để ý đến vật dụng bé chỉ, mà xoa dịu bé để bé không khóc. Khi bé dừng khóc, bạn dẫn bé (không bế bé) đến bên cái ghế và nói với bé với khuôn mặt nghiêm nghị: lần sau con đi/chạy nhớ chú ý đến cái ghế nằm đây nhé, nếu không chú ý, con lại bị ngã đau nữa".
Làm tốt 2 điều này sau 1 vài lần, bạn sẽ ngạc nhiên là tại sao: khi té bé chỉ khóc 1-2 tiếng và tự đứng dậy, bé cũng ít nhõng nhẽo hơn vì bé đã học được hành vi tự điều chỉnh cảm xúc cho bản thân.
TÌNH HUỐNG 3: Tình huống này hướng tới phát triển giao tiếp xã hội. Điều này rất quan trọng để bé có thể trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai hay không, vì cách mà bé học để giao tiếp tốt với mọi người. Thường gặp với các bé từ 1 tuổi trở lên.
Khi chơi đồ chơi cùng với 1 bạn khác, khi bé kia đụng vào đồ chơi của bé, bé có hành động cắn hoặc đánh vào mặt bé kia, làm bé kia khóc.
XỬ LÝ CHƯA ĐÚNG: cha mẹ thường để bé ngồi đó, và hỏi thăm bé của bạn trước, sau đó bạn mới hỏi thăm bé kia.
CHA MẸ NÊN LÀM GÌ?
Gs. Penny khuyên: trong tình huống này, bạn nên cho bé nhận thấy cách xử lý tình huống công bằng và nghiêm túc của bạn.
Thứ 1: bạn đến ngay để tách 2 bé ra. Sau đó, bạn nhìn vào bé với khuôn mặt nghiêm và nói với giọng nghiêm là: " Cu Bin, con không được cắn bạn, cắn làm bạn đau" và bạn hỏi thăm bé kia và yêu cầu bé xin lỗi nạn nhân.
Bé có thể phản ứng là sẽ khóc và không chịu nói lời xin lỗi. Bạn cho bé thời gian 1 phút để tự điều chỉnh và nói lời xin lỗi. Dù bé có chịu nói lời xin lỗi hay không. Bạn tiếp tục chăm sóc bé bị cắn và cho bé đứng bên cạnh để có thể chăm sóc, quan tâm bé kia cùng bạn nếu có cơ hội. VD, Bin, đặt tay của con lên đây giúp mẹ, để bạn không bị đau.
Thứ 2: Sau khi chăm sóc, bạn bế con ra 1 chỗ yên tĩnh không có ai, ngồi với bé nhưng không nói gì trong 2 phút. Sau 2 phút im lặng, bạn chuyển từ tư thế ngồi sang đứng dậy hoặc quỳ xuống ngang tầm mắt bé và nói với giọng nghiêm: "Mẹ thật sự rất giận hành động đó của con, [mặc dù con có giúp mẹ chăm sóc bạn]. Cắn bạn là sai".
Lúc nói, 2 tay của bạn nên để 2 bên hông, đừng chỉ vào mặt bé, ngôn ngữ cơ thể cũng làm bé hiểu rằng bé đã làm 1 việc nghiêm trọng và mẹ không hài lòng về hành động của bé.
Làm tốt 2 bước này, bé sẽ không tái diễn hoặc nếu tái diễn bé sẽ ít khóc và chịu lắng nghe bạn nhiều hơn
---
Notes: Anh Nguyen
Gardner, F. and Shaw, D. S. (2008) Behavioral Problems of Infancy and Preschool Children (0–5), in Rutter's Child and Adolescent Psychiatry, Fifth Edition (eds M. Rutter, D. V. M. Bishop, D. S. Pine, S. Scott, J. Stevenson, E. Taylor and A. Thapar), Blackwell Publishing Ltd., Oxford, UK
Penny, P. (2004) The essential guide to teaching children of all ages manners, respect and the social skills to get ahead in life., Panic publishing, UK
Kelly, K (2015) Helping Your Child Cope With Anger and Frustration, Understandorg, [Accessed 9/9/2019]
---
Hãy liên hệ với tổng đài 111 hoặc số điện thoại 02437476154 nếu bạn đang mong muốn được hỗ trợ trực tiếp.
Văn phòng tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em - số 44/84 Ngọc Khánh - Ba Đình - Hà Nội:
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý miễn phí cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc bị ảnh hưởng của bạo lực dẫn đến sang chấn tâm lý.
- Đánh giá, tư vấn, trị liệu tâm lý trực tiếp cho những trẻ em bị rối nhiễu như trẻ tự kỉ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ bị trầm cảm, trẻ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển ngôn ngữ.
- Tham vấn tâm lý làm bạn cùng con ở tuổi dậy thì
- Tham vấn tâm lý stress, trầm cảm, lo âu.