• 111
  • lang
  • lang

Giáo dục như thế nào để trẻ không trở thành kẻ bắt nạt? (Phần 2)

BLHĐ bắt nguồn từ những cảm xúc cá nhân tiêu cực và hậu quả có thể là các hành vi bạo lực. Nhưng những cảm xúc này có thể được nhận ra sớm hơn bởi người thân của trẻ, là dấu hiệu cảnh báo để có thể ngăn chặn được BLHĐ xảy ra. Dưới đây là một vài điểm mà phụ huynh nên tìm hiểu khi trao đổi với trẻ về hành vi bạo lực.

Lý do vì sao trẻ lại đi bắt nạt?

Bất cứ đứa trẻ nào cũng có khả năng bắt nạt người khác. Và có 2 lí do lớn nhất về hành vi này.

Lí do thứ nhất, khi việc những đứa trẻ nổi tiếng hoặc quyền lực dùng việc bắt nạt để duy trì mức độ nổi tiếng và sự nổi tiếng của chúng. Lí do còn lại là khi trẻ trải qua một sự kích động, mất mát, hoặc thiếu thốn nào đó đã thôi thúc chúng đi bắt nạt những trẻ khác.

Ngoài ra, trẻ con được xem, được đọc, được nhìn thấy các hành vi bắt nạt, bạo lực thông qua các phương tiện truyền thông, chương trình TV, tại chính trường học hoặc trong chính gia đình của trẻ. Tuy nhiên, các bạn trẻ không hiểu được những hành vi tiêu cực đó không được chấp nhận ở bất cứ đâu. 

Phụ huynh phải làm gì khi con trẻ bắt nạt bạn khác?

Đầu tiên, phụ huynh hãy cố gắng bình tĩnh, thu thập tất cả thông tin cần thiết, cho nhà trường biết được rằng phụ huynh cũng muốn hợp tác để xử lý sự cố này. Đồng thời, phụ huynh cũng nên biết rằng trẻ sẽ cần tuân theo các quy định xử lý của nhà trường. Cha mẹ hãy cùng cố gắng tìm hiểu về hành vi của con rõ ràng, tường tận thay vì vội vàng trách mắng và bắt con phải chịu hình phạt.

Việc giúp trẻ cư xử đúng mực hơn hoàn toàn có thể xảy ra nếu cha mẹ nỗ lực giúp trẻ. Sau đây là 4 cách để bắt đầu hành trình này.

1. Nhận thức được hành vi 

Hãy cố gắng bình tĩnh, dùng giọng điệu tử tế, tôn trọng để trao đổi cùng trẻ, hỏi trẻ về những gì đã xảy ra và lí do trẻ lại hành động như vậy. Phụ huynh cố gắng lắng nghe và tránh việc đổ lỗi cho trẻ. Các con cần hiểu rõ những gì mình đã làm và hoàn toàn ổn khi chấp nhận đó là lỗi của mình

Một số câu hỏi nên được đặt ra để cha mẹ giúp trẻ hiểu được hành vi bạo lực đã ảnh hưởng đến người khác như thế nào: Những gì con làm có phải là thiếu tôn trọng các bạn không? Hành vi của con có làm tổn thương, làm đau các bạn không? Con có muốn mình bị đối xử như vậy không?. Đồng thời, cha mẹ cũng phải nhấn mạnh rằng ai cũng xứng đáng được đối xử tử tế "Chúng ta không cư xử với nhau như vậy trong gia đình, và cũng không muốn người khác đổi xử với mình như thế".


2. Nhấn mạnh hậu quả 

Giúp trẻ hiểu được trẻ phải chịu trách nhiệm về hành vi ứng xử, thái độ của mình: có sẵn khung hình phạt, mức xử lý tương ứng với mức độ nghiêm trọng trong hành vi của trẻ. Cha mẹ làm rõ với trẻ, ghi rõ ràng, xem lại hàng tuần và thực sự áp dụng chúng. 

Tuỳ thuộc vào tình huống mà cha mẹ có thể phạt bằng việc cắt một số phần thưởng hoặc trò giải trí của trẻ vì sẽ có ảnh hưởng nhất định đến trẻ: tạm thời cấm dùng điện thoại di động, cắt giờ xem TV hoặc chơi game, không cho phép ra ngoài chơi.

Bênh cạnh đó, nếu có thể hãy trao đổi thêm với trẻ, khuyến khích chúng ghi ra suy nghĩ của bản thân, đặt trường hợp mình vào trẻ bị bắt nạt, định hướng những cách giải quyết tích cực nếu lại xảy ra sự cố, viết thư xin lỗi...

3. Hãy chủ động làm việc với nhà trường 

Các nhân viên của nhà trường sẽ hỗ trợ tốt nhất khi cha mẹ cho thấy rằng cha mẹ thực sự muốn cải thiện tình hình. Phụ huynh đừng lo lắng và có suy nghĩ sẽ bị đánh giá là một phụ huynh tệ. Nuôi dạy trẻ không phải là một việc dễ dàng và việc cần sự giúp đỡ từ người khác hoàn toàn bình thường. Do đó, cha mẹ đừng ngại, chần chừ nếu cần sự giúp đỡ từ nhà trường khi muốn giúp con trẻ học được những hành vi phù hợp.

Cha mẹ có thể liên hệ với giáo viên của trẻ, hoặc các giáo viên quan trọng với trẻ, thầy cô hiệu trưởng, thầy cô tư vấn, các thầy cô quản lý trong trường để có thể cùng xây dựng kế hoạch giúp trẻ ngưng việc bắt nạt. Hãy liên hệ trực tiếp và thường xuyên để biết được tình hình cải thiện của trẻ ở trường.

4. Học và luyện tập các kỹ năng mềm

Hãy giúp trẻ trưởng thành bằng cách hướng dẫn trẻ học các kỹ năng mềm để trẻ có thể giải quyết vấn đề, đương đầu với những trường hợp khó khăn trong tương lai.

Những kỹ năng mềm bao gồm việc tự nâng cao nhận thức, tự quản lý bản thân, khả năng tự phục hồi, ứng biến với xã hội, và việc có trách nhiệm với các quyết định của mình. Hãy tham khảo một số chương trình ngoại khoá có thể giúp các con học được các kỹ năng mềm, xây dựng được các mối quan hệ tích cực. Đây chính là một món quà thiết thực dành cho con trẻ.

-------------
Nguồn tham khảo: 
https://dailymom.com/nurture/educating-your-child-about-school-violence/
https://www.parents.com/kids/problems/bullying/when-your-child-is-the-bully/

-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy: 
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111: 
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616