"Cấm chạy giỡn! hiểu không?" Người mẹ bất ngờ nắm tay cậu bé kéo lê trên sàn nhà còn đứa trẻ thì to tròn mắt, uất ức, không hợp tác với người mẹ mặc dù đã bị ép ngồi vào bàn và buộc nín khóc bàn tay vung lên cao như sẵn sàng tát vào mặt trẻ nếu có một tiếng nào từ cậu bé phát ra. Tình huống này xảy ra khi cậu bé chạy giỡn và va vào chậu bông trong một tiệc cưới.
Người mẹ quay ra nói với người bạn ngồi kế bên: “Nó rất hư, suốt ngày chạy và quậy khắp nơi
TRẺ ĐƯỢC ĐỊNH NGHĨA “HƯ”
Câu chuyện trên là một tình huống có thật. Cũng không ít những tình huống tương tự ở một không gian khác và cách ứng xử khác, có thể mang tính bạo lực hơn. Bây giờ chúng ta cùng nhau xem diễn biến tâm lý của các bé như thế nào?
Trạng thái 1: Trẻ đang cảm thấy phấn khích và cảm thấy vui.
Trạng thái 2: Trẻ cảm thấy ngạc nhiên khi va vào cái chậu hoa và sự ngạc nhiên sẽ lớn hơn khi mẹ chạy từ xa tới đánh bất ngờ hoặc la chửi hoặc kéo thật mạnh.
Trạng thái 3: Sẽ rất nhanh trẻ chuyển sang sự sợ hãi và uất ức vì hành động của mẹ
Trạng thái 4: Trẻ không biết tại sao trẻ phải ngồi ở đây và dĩ nhiên trẻ còn rất ghét bạn và không hợp tác với bạn.
Trạng thái 5: Trẻ không thể hợp tác với bạn hơn nữa vì không hiểu sao bạn nói trẻ “hư” và dường như bạn đổ hết tội lỗi cho trẻ và biện minh cho 1 hành động.
Từ một trạng thái vui vẻ và ngạc nhiên, đến cảm giác sợ hãi và uất ức, kết thúc bằng cảm giác bị gắn ép cho một tội danh “hư”, mà thực tế trẻ chưa được cho lí do.
Đó một chuỗi các cảm xúc ngắn hạn. Buộc trẻ chấp nhận các cảm xúc này. Dĩ nhiên, đến cuối trẻ cũng chưa hiểu lí do “tại sao trẻ phải chịu cảm xúc này”. Thực tế, hành xử này của bạn chỉ làm trẻ vẫn tái phạm lại (với trẻ nhỏ) hoặc càng xa lánh bạn hơn (với trẻ lớn), không thể chịu ngồi và lắng nghe bạn được
BẠN ĐÃ SAI
Điều sai lầm là cha mẹ chúng ta đôi lúc chỉ nhìn vào hậu quả và mong muốn trẻ phải theo ý mình bảo bằng sự tức giận và sử dụng công cụ của sự tức giận (đánh hoặc la mắng). Tuy nhiên, cha mẹ chúng ta ít khi nhìn nhận và hướng trẻ vào một quy trình để trẻ hiểu và lựa chọn để không làm sai.
Sự thật,trẻ dưới 5 tuổi sẽ không hiểu sai hay đúng và lí do bị đánh và la mắng theo kiểu hổ báo ở trên. Dĩ nhiên, trẻ trải qua trạng thái 1-5 mà “không có bài học” nào được dạy.
Trẻ từ 5-10 tuổi mặc dù có thể hiểu sai hay đúng, nhưng khi bạn hành xử kiểu trên thì không giúp trẻ hiểu đúng hay sai, chỉ làm trẻ trải qua trạng thái 3 và 4 khắc sâu hơn. Dĩ nhiên, trẻ lại càng bướng bỉnh và khó bảo.
Trẻ tuổi teen (giai đoạn dậy thì)-18 tuổi: Trẻ có thể hiểu sai đúng, nhưng sự độc lập ở trẻ sẽ làm trẻ muốn tự do, mức phản kháng trẻ lớn hơn và có xu hướng tìm sự bình yên ở bạn bè, sau khi trải qua trạng thái 3, trẻ cảm giác sự sợ hãi ở nơi bạn, tìm sự cảm thông nơi bạn bè. Trẻ sẽ càng xa lánh bạn và khó có thể chia sẻ với bạn được. Nếu cao trào càng diễn ra ở trạng thái 4 và 5, trẻ sẽ tự tìm bức phá, cái tuổi “nổi loạn” có thể thêm “dầu vào lửa”.
Roald Dahl, nhà văn vĩ đại người Anh, với những tác phẩm lớn dành cho trẻ con, từng chia sẻ: “trẻ có thể hư, nhưng không phải lỗi của các bé, mà chính là lỗi của bạn, chính cha mẹ chúng ta”
HÀNH XỬ NÊN CÓ CỦA MỘT NGƯỜI CHA NGƯỜI MẸ
Đặc điểm của trẻ dưới 5 tuổi trong cách ứng xử:
Trẻ cần được “cầm tay chỉ dẫn” và cần được nói điều gì sẽ xảy ra, và trẻ học từ những trải nghiệm này. Trở lại ví dụ ở tình huống trên, ngay từ bắt đầu, bạn nên cho trẻ biết lễ cưới là như thế nào? Có ai? “tại sao trẻ mặc bộ đồ xinh đẹp? tại sao trẻ không được đùa giỡn”. Nhiều cha mẹ chỉ chăm chăm vào la trẻ, nhưng thực tế không cho trẻ biết trước những điều này.
Đặc điểm trẻ từ 5-10 tuổi:
Trẻ cần hiểu những điều nào đúng và điều nào sai. Dĩ nhiễn, đã đến lúc cho trẻ biết hậu quả khi con làm sai. Cho trẻ lựa chọn và dạy trẻ chịu trách nhiệm. Trở lại ví dụ ở tình huống trên, bạn nên cho trẻ biết điều gì sẽ đến và những mong đợi nào trẻ cần có ở một lễ cưới trang nghiêm. “liệu đùa giỡn có được cho phép không” và cho trẻ tự trả lời những câu hỏi. Do đó, dù trẻ có ương bướng trong lễ cưới, bạn chỉ cần ngưng hành động của trẻ và dẫn trẻ ra ngoài và nhắc về trách nhiệm trẻ cần có. Đó là lựa chọn của trẻ, nếu đó là lựa chọn của con thì con phải tôn trọng.
Đặc điểm trẻ tuổi teen và dậy thì:
Đừng áp đặt suy nghĩ của bạn vào suy nghĩ và hành động của trẻ. Tránh dùng bạo lực vì nếu dùng vũ lực, trạng thái 3,4,5 sẽ khắc sâu hơn. Kỹ năng hữu hiệu cần có là luôn cho trẻ thời gian và không gian để suy nghĩ, tự quyết định với lí do hợp lý và tự chịu trách nhiệm. Bạn cũng cần lựa chọn vai trò của mình: Làm cha mẹ hay làm bạn với con trong giai đoạn này. Tôi tin làm bạn sẽ giúp bạn hiểu con bạn hơn. Có rất nhiều vấn đề xảy ra ở độ tuổi này, đặc biệt liên quan đến giới tính hoặc tình cảm tuổi học trò. Nên nhớ đừng khởi đầu nó bằng trạng thái tâm lý thứ 2, vì nếu làm vậy bạn sẽ khởi động 1 chuỗi tâm lý phía sau. Gặp vấn đề nào thì hãy kể cho trẻ nghe câu chuyện của bạn liên quan đến vấn đề đó, gợi mở và trò chuyện liệu con nghĩ mẹ/cha sẽ giải quyết nó như thế nào, và con sẽ giải quyết như thế nào?
Con cái chúng ta cũng giống như cái cây vậy, khi nhỏ chúng cần chúng ta chăm sóc và yêu thương, nhưng khi lớn chúng sẽ tự sống tốt được và cho trái ngọt của riêng chúng.
Để lớn mạnh cây cần được vung trồng và yêu thương từ lúc nhỏ-đó là giai đoạn cả trẻ và bạn đều có cùng 1 mối quan tâm. Tại sao chúng ta không dùng thời gian này để tương tác, yêu thương và giúp trẻ phát triển tốt nhất. Như, Mẹ Teresa từng nói: "Tình yêu là loại quả của cả bốn mùa, và nằm trong tầm với của mọi bàn tay."
Note: Anh Nguyen
Ferrey, A. E., Hughes, N. D., Simkin, S., Locock, L., Stewart, A., Kapur, N., … Hawton, K. (2016). Changes in parenting strategies after a young person’s self-harm: a qualitative study. Child and Adolescent Psychiatry and Mental Health, 10, 20.
Koerting, J., Smith, E., Knowles, M. M., Latter, S., Elsey, H., McCann, D. C., … Sonuga-Barke, E. J. (2013). Barriers to, and facilitators of, parenting programmes for childhood behaviour problems: a qualitative synthesis of studies of parents’ and professionals’ perceptions. European Child & Adolescent Psychiatry, 22(11), 653–670.
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616