• 111
  • lang
  • lang

Hiểu thêm về nhóm người di cư lao động

Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, lao động di cư là một xu thế tất yếu. Những khó khăn hoặc cơ hội kinh tế, sinh kế được coi là động lực trực tiếp dẫn đến tình trạng di cư của lực lượng lao động.

Thống kê từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 (Tổng điều tra) của Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù dân số Việt Nam liên tục tăng nhưng lượng người di cư đang có dấu hiệu giảm rõ rệt về số lượng và tỷ lệ. Trong số 88,4 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Đặc biệt là độ tuổi phổ biến của người di cư là từ 20-39 tuổi, chiếm 61,8% tổng số người di cư, gần gấp đôi tỷ lệ di cư của nguời không di cư cùng nhóm tuổi (33,2%). Đây cũng chính là nhóm tuổi trẻ, nhóm tuổi tham gia chính vào lực lượng lao động, có xu hướng đi xa, chấp nhận thử thách để thay đổi môi trường sống cũng như tìm kiếm các cơ hội việc làm với mong muốn nâng cao chất lượng sống.

Zalo
 

Mặc dù có vai trò quan trọng trong lực lượng lao động của cả nước cũng như phát triển kinh tế - xã hội đất nước, nhưng lao động di cư vẫn là nhóm dễ bị tổn thương nhất và khó tiếp cận được với các chính sách về an sinh xã hội trong đó có chính sách về việc làm. Các nghiên cứu về di cư ở Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (Worldbank), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cũng chỉ ra rằng, lao động di cư, đặc biệt là lao động nữ là một trong những lực lượng lao động chịu nhiều thiệt thòi do mô hình kinh tế tăng trưởng nhanh hiện nay.

Zalo
 

Lao động di cư có thể xoay sở cải thiện được thu nhập trong môi trường sống mới, nhất là ở khu vực thành thị nhưng điều kiện sống và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của họ còn rất kém so với người dân gốc tại địa phương đó. Hoặc nếu là di cư sang quốc gia khác, họ sẽ bị rào cản ngôn ngữ và văn hoá, thậm chí là giấy tờ hợp pháp ngăn cản tiếp cận với các phúc lợi về y tế, an sinh, xã hội trong trường hợp khẩn cấp.

Zalo
 

Dù tham gia vào cả lực lượng lao động chính thức và phi chính thức, nhiều lao động di cư vẫn không được hưởng những quyền lợi từ các chính sách an sinh xã hội như: Lao động, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo trợ xã hội, các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, tiếp cận thông tin… Đa số người lao động di cư không biết nơi cung cấp thông tin và tư vấn về Lao động và BHXH cho mình.

Vấn đề lớn nhất đối với lao động di cư đó là việc làm do nhiều lao động phải đối mặt với tình trạng việc làm bấp bênh, không ổn định, tiền công lao động thấp hơn. Nhiều doanh nghiệp thường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, chi phí thấp thông qua việc không đảm bảo điều kiện làm việc, thời gian làm việc dài hạn và hạn chế cung cấp cho người lao động những phúc lợi xã hội mà họ xứng đáng được thụ hưởng.

Zalo
 

Ngoài ra, nhiều người di cư lao động cũng phải hứng chịu sự kỳ thị đến từ chính những người cùng quê hương, hoặc cộng đồng mới tại nơi họ chuyển đến làm việc và sinh sống. Trong báo cáo "Sự kỳ thị đối với lao động nhập cư nghèo tại các đô thị Việt Nam", 2015, hai tác giả cho biết sự kỳ thị có thể xuất hiện trong lĩnh vực lao động việc làm kết hợp với sự kỳ thị trong cộng đồng sinh sống, khi tiếp cận các dịch vụ công (y tế, giáo dục, giấy tờ) và trải nghiệm đời sống đô thị.

Bị mặc cảm, sợ bị ghẻ lạnh, bị phân biệt, bị đối xử với thái độ nghi ngờ, thiếu tự tin, khiến họ bị vùi dập tinh thần vươn lên học hỏi, muốn được hoà nhập. Ngoài ra, không ít người di cư lao động thừa nhận rằng họ bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc, khiến e ngại phải lên tiếng khi gặp khó khăn, làm giảm mong muốn được gắn kết với công việc và cũng là lí do để họ dễ dàng rời bỏ công việc khi không thể chịu đựng được. Từ đây, họ sống co cụm, né tránh, ngại tham gia các hoạt động xã hội, cũng như các đoàn thể địa phương nơi sinh sống.

Zalo
 

Như vậy, bên cạnh những câu chuyện về niềm vui của người lao động di cư khi họ đặt chân đến vùng đất mới, công việc mới, về nguồn động lực to lớn đã giúp họ vượt qua được những khó khăn với nhiều thay đổi mới trong cuộc sống, ta cũng thấy rằng họ phải trải nghiệm không ít những bấp bênh, vất vả, thử thách và trở nên dễ tổn thương hơn. Cần rất nhiều nỗ lực xuyên suốt, từ nhiều bên, để có thể đảm bảo được cuộc sống, sức khoẻ, sự phát triển của những người lao động di cư, được giúp đỡ, được trân trọng như những nhóm lao động khác đang cùng đóng góp cho nền kinh tế, cho quê hương và cho chính tương lai của họ.

----------

Nguồn tham khảo:

https://www.weadapt.org/sites/weadapt.org/files/legacy-new/knowledge-base/files/550586afa3415care-vietnam-cdst-vietnamese.pdf

http://consosukien.vn/an-sinh-xa-hoi-cho-lao-dong-di-cu.htm

https://www.researchgate.net/profile/Kham-Tran/publication/292144702_22715-75895-1-PB/links/56aa3db908aef6e05df45663/22715-75895-1-PB.pdf

----------

Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/124927393982155061