Đối với các đối tượng của Dự án xoá bỏ phòng chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại (TMSV), chương trình sinh kế có vai trò hết sức quan trọng đối với các đối tượng đích trong việc tái hoà nhập cộng đồng.
Hoạt động sinh kế là một biện pháp ổn định kinh tế được áp dụng trong quá trình hỗ trợ cá nhân, cộng đồng với nô lệ thời hiện đại, bao gồm mua bán người. Vai trò của kinh tế trong gia đình là một nền tảng thiết yếu giúp gia đình ổn định, hỗ trợ các thành viên trong gia đình phát triển tốt hơn.
Mục tiêu của xây dựng và triển khai các hoạt động sinh kế cho người dân nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, hỗ trợ điều kiện kinh tế của gia đình họ khấm khá hơn bằng tạo cơ hội kiếm tiền, khả năng nuôi sống, được tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế, hoạt động nghề nghiệp phù hợp. Song song, sự trợ giúp này cần được triển khai theo cách thức phù hợp, đầy đủ, tế nhị và có chất lượng cao.
Theo dõi video về hoạt động triển khai chương trình sinh kế tại Quảng Ninh:
https://www.facebook.com/136630283173920/videos/440591540520668
“Trợ giúp” đề cập tới sự hỗ trợ phòng chống mua bán người chính thức, được cung cấp bởi các tổ chức phi chính phủ (NGOs) trong nước và quốc tế, các tổ chức quốc tế (IOs) và các cơ quan chính phủ, cũng như sự hỗ trợ phổ biến hơn (chẳng hạn như sự hỗ trợ cụ thể không liên quan tới mua bán người) do các cơ quan chính phủ cung cấp (ví dụ dịch vụ xã hội, các cơ quan bảo vệ trẻ em và cơ quan y tế), các tổ chức phi chính phủ hoặc tổ chức quốc tế.
Nhiều đối tượng đích, cá nhân có nhu cầu tăng cường năng lực kinh tế, nâng cao chuyên môn trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình đã tìm đến sự trợ giúp của Dự án.
Tăng cường năng lực kinh tế, ví dụ như bắt đầu một công việc hoặc bắt đầu kinh doanh nhỏ, thường được người bị mua bán coi là nhu cầu hàng đầu sau khi bị mua bán. Người bị mua bán cần đi làm ngay và kiếm tiền để tự trợ giúp chính mình và gia đình cũng như giải quyết các vấn đề kinh tế đã phát sinh từ trước khi bị mua bán hoặc do hậu quả của việc mua bán người.
Nhiều người bị mua bán đã di cư do nhu cầu và vấn đề kinh tế ở nhà. Nhìn chung, hoàn cảnh kinh tế của những người này không cải thiện sau khi bị mua bán, mà hầu hết đều xấu đi. Một số người bị mua bán lâm vào tình cảnh nợ nần do trước đó phải vay tiền để di cư và không có khả năng trả nợ do bị mua bán. Những người khác phải vay nợ để trả chi phí đi lại khi họ quay trở về nhà hoặc phải trả tiền chuộc để thoát khỏi tình trạng bị mua bán. Nhiều người bị mua bán không thể làm việc sau khi bị mua bán do bị ốm đau hoặc không thể tìm được việc làm và điều này đồng nghĩa với việc họ không kiếm được tiền và thường lại rơi vào cảnh nợ nần (hoặc nợ chồng chất).
Tình trạng nợ nần là nguyên chính khiến nạn nhân (và gia đình họ) bị căng thẳng. Do vậy không lấy gì làm ngạc nhiên khi cả những người bị mua bán lẫn gia đình họ coi vấn đề kinh tế là mối quan ngại và nhân tố hàng đầu trong quá trình (tái) hòa nhập.
Có thể đi làm thường là nhân tố then chốt bảo đảm sự ổn định tâm lý. Ổn định kinh tế cũng có tác động đến bản sắc cá nhân, lòng tự trọng và sự công nhận trong xã hội. Các cơ hội kinh tế phải phù hợp với nguyện vọng, năng lực và lợi ích của họ. Pháp luật quốc tế về quyền con người đã thừa nhận quyền làm việc của con người.
Những thách thức trong việc hỗ trợ tăng cường năng lực kinh tế cho người bị mua bán
Tăng cường năng lực kinh tế là giúp người bị mua bán được trang bị một số kỹ năng, nguồn lực và sự tự tin để hỗ trợ họ và gia đình phát triển kinh tế. Các hướng tiếp cận (tái) hòa nhập bền vững phải giải quyết được nhu cầu (và mong muốn) về kinh tếcủa người bị mua bán. Các chương trình (tái) hòa nhập toàn diện bao gồm cả nhân tố tăng cường năng lực kinh tế, thông qua đào tạo nghề và bố trí việc làm hoặc thông qua việc lập kế hoạch và đào tạo kinh doanh cũng như hỗ trợ khởi nghiệp.
Một số chương trình tăng cường năng lực kinh tế được thiết kế tốt và thực hiện bởi các chuyên gia trong lĩnh vực này. Những chương trình này chủ yếu dựa vào kiến thức về nhu cầu của thị trường lao động địa phương, bao gồm việc tiếp cận với dạy nghề (chất lượng cao) và bên cung cấp dịch vụ làm việc với nạn nhân bị mua bán để nâng cao năng lực (và sự tự tin) để đáp ứng các nhu cầu của thị trường.
Những chương trình này đã được tính toán một cách kỹ càng trong cả quá trình, ví dụ: kiểm tra đầu ra sau khi kết thúc dạy nghề, chương trình thực tập, chương trình sẵn sàng làm việc, thí điểm các kỹ năng trước khi hỗ trợ kinh doanh, dạy nghề về quản trị kinh doanh, v.v... Một số người bị mua bán còn được hỗ trợ thêm các lớp xóa mù chữ, tư vấn và kỹ năng sống để tăng cường các kỹ năng tại nơi làm việc. Những chương trình này cũng được giám sát trong thời gian dài và trong trường hợp cần thiết tiến hành hỗ trợ và tư vấn bổ sung để ngăn chặn sự thụt lùi và để thúc đẩy thành công.
------------
Nguồn tham khảo:
https://www.facebook.com/136630283173920/videos/440591540520668
http://un-act.org/wp-content/uploads/2017/11/Reintegration_Guidebook_VN.pdf
------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616