Internet là nơi có rất nhiều nguồn tài nguyên thông tin, nhưng đồng thời internet cũng là nơi mà những kẻ xấu nhắm đến trẻ em. Khi trẻ em có khả năng truy cập internet thông qua các thiết bị thông minh, mạng xã hội và trò chơi trực tuyến, trẻ em càng dễ có nguy cơ bị tổn thương. Do đó, ngày càng nhiều loại tội phạm lợi dụng internet để dụ dỗ và lạm dụng tình dục trẻ em.
1/ Dụ dỗ trên trực tuyến là gì?
“Dụ dỗ” trực tuyến là quá trình thiết lập liên lạc với trẻ em thông qua Internet với ý định dụ dỗ, lôi kéo hoặc xúi giục trẻ em tham gia các hoạt động tình dục, là quá trình mà bất cứ người nào cố gắng xây dựng lòng tin của trẻ, thông qua mạng internet, có ý định lạm dụng và gây tổn thương cho trẻ.
Hoạt động tình dục này sẽ mang đến tổn thương cho trẻ em, bao gồm hành vi không chỉ giới hạn ở việc gặp gỡ thực tế với tội phạm, ví dụ như lạm dụng tình dục trẻ em thông qua webcam hoặc sản xuất tài liệu xâm hại tình dục trẻ em hoặc các tài liệu tình dục tự tạo.
2/ Quá trình dụ dỗ trực tuyến này diễn ra như thế nào? Bằng cách nào thủ phạm bắt đầu dụ dỗ trẻ?
Quá trình dụ dỗ có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài hoặc ngắn. Khi bắt đầu, kẻ dụ dỗ sẽ tìm đến trẻ ở những nơi như mạng xã hội, trong các trò chơi trực tuyến. Tuy nhiên, sau đó kẻ dụ dỗ sẽ tiếp cận trẻ mạnh mẽ hơn qua những đoạn hội thoại riêng tư.
Những kẻ dụ dỗ rất chuyên nghiệp, và thường sẽ giả mạo thành người bạn bằng tuổi với trẻ, có cùng sở thích và thói quen với trẻ để tạo dựng sự thân thiết. Nhóm tội phạm này có thể dùng tài khoản giả mạo, hình ảnh giả mạo. Tuy nhiên, cũng có những kẻ dụ dỗ không che giấu tuổi thật và giới tính thật. Nhóm này sẽ mạo danh hình ảnh của một nhân vật ai cũng khao khát được làm quen như người mẫu, huấn luyện viên, vận động viên, người nổi tiếng… Hoặc cũng có nhóm người sẽ xây dựng hình ảnh người chín chắn, nhiều kinh nghiệm và cố gắng tạo quan hệ của một người hướng dẫn đáng tin tưởng với nạn nhân.
Những tội phạm dụ dỗ trực tuyến sẽ tham gia trò chơi giống hệt của trẻ, hoặc truy cập vào những trang web, ứng dụng giống của trẻ và bắt đầu xây dựng tình bạn với trẻ. Con trẻ có thể dễ dàng bị lôi cuốn, cảm thấy thân thiết với một người bạn trực tuyến hết lòng giúp đỡ. Những kẻ dụ dỗ này có thể cũng tìm kiếm cách kiểm soát, tống tiền trẻ, thậm chí là khiến trẻ tách biệt, cách xa gia đình, bạn bè.
Điều đáng lưu ý là trẻ có thể sẽ không tự nhận thức được chúng đang bị dụ dỗ hoặc bị bắt nạt, lợi dụng bởi một người bạn trực tuyến.
3/ Trẻ nào sẽ gặp nguy hiểm?
Bất cứ trẻ nào cũng có thể gặp nguy cơ bị dụ dỗ, dù ở bất kỳ độ tuổi, giới tính, quốc tịch, vị trí...
Nhóm trẻ em có tỷ lệ gặp phải kẻ dụ dỗ trực tuyến cao có thể kể đến như nhóm trẻ em dễ bị tổn thương và trẻ khuyết tật. Ngoài ra, những trẻ cần sự chăm sóc đặc biệt sẽ thiếu đi khả năng tư duy phản biện, khó tự nắm bắt thông tin hay được giáo dục về các mối liên hệ trực tuyến. Khả năng giao tiếp của nhóm trẻ em này gặp khó khăn và sẽ không dễ dàng để các em có thể tự báo cáo các hành vi xấu.
4/ Những gợi ý trong việc giáo dục trẻ về dụ dỗ trực tuyến, với trẻ ở độ tuổi từ 3 - 7 tuổi
Trẻ em dưới 7 tuổi là những bạn trẻ rất hứng thú với việc dùng các thiết bị công nghệ, ít nhất có khoảng 24%-37% trẻ trong độ tuổi 3-7 đang được sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng.
Do đó, việc người lớn có chiến lược giám sát thời lượng trẻ dùng, nội dung, ứng dụng trẻ tiếp xúc bằng các thiết bị công nghệ rất quan trọng. Cha mẹ, người trông trẻ hãy đảm bảo rằng các ứng dụng, nội dung mà trẻ tiếp xúc hàng ngày đều phù hợp với độ tuổi và tính năng "kiểm soát của phụ huynh" được sử dụng triệt để. Nhiều trò chơi trực tuyến hiện nay cho phép trẻ được giao tiếp với những người chơi khác qua khung trò chuyện. Vì vậy, cha mẹ cần kiểm soát chặt chẽ loại ứng dụng, trò chơi mà con trẻ đang tham gia.
Cho dù trẻ có thông thạo sử dụng các thiết bị đến mức nào, nhưng cha mẹ vẫn nên nghiêm túc trong việc giám sát, trông chừng việc trẻ sử dụng. Hãy đặt ra những quy tắc như: không dùng điện thoại, máy tính bảng khi không có cha mẹ xung quanh, không được mang máy tính bảng vào phòng ngủ một mình. Đồng thời, những lời dặn dò, câu chuyện về an toàn mạng nên thường xuyên được chia sẻ với trẻ để trẻ cũng tự nâng cao cảnh giác, biết báo với cha mẹ về những tình huống xấu.
5/ 5 mẹo nhỏ để cùng quan sát và hỗ trợ trẻ trong độ tuổi 3-7 tuổi
1. Cùng khám phá: Cha mẹ có thể thử cùng ngồi với trẻ, tham gia trò chơi trực tuyến hoặc đọc nội dung trẻ đang đọc trong một vài khoảng thời gian nhất định để có thể hiểu rõ những gì trẻ đang quan tâm, đồng thời quan sát được nội dung trẻ truy cập
2. Đề cập về những vấn đề an toàn mạng ngay khi thấy trẻ có biểu hiện yêu thích các nội dung trực tuyến: Đặc biệt nhắc nhở trẻ rằng dù cho người bạn trên mạng của con có thân thiện, tốt bụng, đáng yêu như thế nào, họ vẫn là những người lạ mà con không hiểu biết rõ, và cha mẹ cũng vậy. Đồng thời, cha mẹ cũng đừng quên giáo dục con về những phần riêng tư trên cơ thể mà không ai có quyền được đụng chạm, và quy tắc này cũng có thể áp dụng với môi trường trực tuyến.
3. Thiết lập các giới hạn rõ ràng cho trẻ: Cha mẹ cần nghiêm túc thiết lập cho trẻ những giới hạn nhất định về việc sử dụng các thiết bị điện tử: dùng ở đâu, khi nào, bao nhiêu lâu… Đồng thời hãy cố gắng giúp trẻ tập trung vào những buổi tụ họp gia đình và hạn chế việc sử dụng các thiết bị, và trong trường hợp có sử dụng, thì sử dụng ngay tại nơi có cha mẹ, và trẻ phải xin phép cha mẹ trước khi muốn truy cập bất kỳ nội dung trực tuyến mới nào.
4. Sử dụng triệt để tính năng "kiểm soát của phụ huynh": việc sử dụng tính năng này sẽ giúp tăng cường tính an toàn cho vùng internet mà trẻ có thể truy cập được. Tính năng "kiểm soát của phụ huynh" hiện có thể được thiết lập trên rất nhiều thiết bị, đặc biệt là đường truyền internet. Tuy nhiên tính năng này không thể thay thế hoàn toàn cho việc giáo dục, trò chuyện với trẻ về sử dụng internet và các thiết bị một cách an toàn.
5. Tìm tòi và giới thiệu cho trẻ những trò chơi, ứng dụng, trang web giải trí, học tập phù hợp với độ tuổi của trẻ: Hành động này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ chủ động tìm kiếm và vô tình tiếp xúc với nội dung không phù hợp với độ tuổi, có thể khiến trẻ lo lắng và sợ hãi. Khi trẻ sử dụng những ứng dụng thiết kế riêng cho độ tuổi của trẻ sẽ tăng cơ hội trẻ được đảm bảo an toàn với những tính năng phù hợp, và giới hạn được mức độ tiếp xúc với những người chơi khác.
Mời theo dõi các phần tiếp theo
-------------
Nguồn tham khảo:
https://www.innocentlivesfoundation.org/everything-you-need-to-know-about-online-grooming/
https://www.childnet.com/parents-and-carers/hot-topics/online-grooming
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616