• 111
  • lang
  • lang

Hỗ trợ trẻ từ 7-11 tuổi thoát khỏi cái bẫy dụ dỗ trực tuyến

Với trẻ ở độ tuổi khác nhau, cha mẹ cần điều chỉnh cách trò chuyện và tìm nội dung giáo dục phù hợp hơn cho trẻ. Dưới đây là một số gợi ý cho phụ huynh trao đổi với trẻ từ 7-11 tuổi. Khi trẻ ở độ tuổi từ 7 - 11 tuổi, đa số trẻ có thể tự mình sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại, máy tính bảng nhưng vẫn cần được cha mẹ quản lý và hỗ trợ để quá trình trẻ sử dụng được an toàn, lành mạnh.

Một số trò chơi và ứng dụng với trẻ từ 7-11 tuổi có thể có tính năng nhiều người chơi và trò chuyện trực tuyến được với những người chơi khác. Dù chính cha mẹ cũng hiểu được rằng không phải người dùng internet nào cũng là kẻ dụ dỗ, nhưng phụ huynh vẫn cần nhấn mạnh và trò chuyện cởi mở hơn với trẻ về việc giao tiếp trên mạng, và các con có thể nhờ phụ huynh can thiệp nếu các con cảm thấy lo lắng về những tin nhắn con nhận được từ người lạ.

Những dấu hiệu bất thường từ người chơi trực tuyến cần cảnh giác?

Không phải tin nhắn quấy rối, có ý định xâm hại nào cũng giống nhau, và những kẻ dụ dỗ rất chuyên nghiệp trong việc tạo ra hàng loạt nội dung nhằm tấn công, dụ dỗ hay muốn tổn thương trẻ. Tuy nhiên, những dấu hiệu được đưa ra dưới đây có thể giúp trẻ nâng cao cảnh giác hơn và tìm đến cha mẹ hoặc người lớn mà trẻ tin tưởng để được hỗ trợ. Người bạn trực tuyến của trẻ sẽ khơi gợi hoặc dùng từ ngữ ép buộc để:

- Muốn gặp trẻ trực tiếp

- Trẻ chia sẻ thông tin cá nhân của trẻ hoặc của người trong gia đình hoặc ai khác

- Trẻ gửi hình ảnh, video của trẻ

- Chia sẻ với trẻ những đoạn tin nhắn, hình ảnh hoặc video liên quan đến tình dục

- Muốn trẻ giữ bí mật cuộc trò chuyện và những thông tin về người đó, không cho trẻ kể về những cuộc hội thoại hoặc người bạn trực tuyến với cha mẹ hoặc với những người bạn khác

- Không cho trẻ biết nhiều thông tin về người đó

- Luôn online chờ và nhanh chóng đáp lại tin nhắn của trẻ.

 

5 mẹo hỗ trợ để cha mẹ có thể giúp đỡ con mình trong độ tuổi 7-11 tuổi 

1. Hãy cởi mở và thử tìm hiểu sở thích của các con khi chúng dùng internet và các thiết bị điện tử thông minh. Đây là bước quan trọng trong quá trình thấu hiểu và giúp đỡ trẻ an toàn khi dùng internet. Đồng thời, cha mẹ cũng có thể tạo ra niềm tin với con trẻ rằng cha mẹ hiểu được con đang làm gì và con có thể tìm đến cha mẹ khi cần sự giúp đỡ, khi con sợ hãi hoặc lo lắng.

2. Cùng nói chuyện và phân tích với trẻ về sự khác biệt giữa người bạn thật trong đời sống và người bạn chỉ mới quen biết qua internet, và tình bạn trực tuyến có thể là một khái niệm mới đầy thử thách. Ngay cả với người trưởng thành, việc tự kiểm soát lượng thông tin trao đổi với người bạn trực tuyến và nhận biết, cảnh giác với những người quen qua internet cũng không hề dễ dàng. Do đó, cha mẹ cần giúp trẻ học và cảnh giác hơn, thiết lập những ranh giới thích hợp cho trẻ trên internet. Trẻ luôn cần ghi nhớ rằng cho dù những người bạn trực tuyến có thân thiện, tốt bụng đến mức nào, và cả hai bên đã nói chuyện với nhau lâu đến đâu, thì những người bạn đấy trong thực tế vẫn là người lạ đối với con.

3. Hướng dẫn trẻ chủ đề và cách trò chuyện với những người chơi trực tuyến khác: chỉ tập trung vào trò chơi và những chủ đề xung quanh trò chơi. Trẻ nên được biết về một vài dấu hiệu "cảnh báo" để trẻ ngừng nói chuyện, báo cáo hành vi của người chơi đó và nói chuyện ngay với cha mẹ. Ví dụ: những lời mời hẹn gặp mặt trực tiếp, hỏi về những thông tin cá nhân, hoặc yêu cầu trẻ gửi hình ảnh, video của trẻ, hoặc rủ trẻ trò chuyện qua các ứng dụng tin nhắn cá nhân, hoặc bắt trẻ hứa giữ bí mật về những nội dung trò chuyện giữa 2 bên.

4. Cùng trẻ xác định vị trí nút "Báo cáo" hoặc "Ngăn chặn" đối với những người chơi/ người dùng trực tuyến mà trẻ hoặc cha mẹ cảm thấy bất an, nguy hiểm. Hãy xác định 2 nút quan trọng đó trên bất cứ ứng dụng, trang web hoặc trò chơi trực tuyến nào của trẻ.

5. Hãy cùng trẻ tạo ra một bản thoả thuận gia đình: đặt ra những giới hạn an toàn để giúp trẻ an toàn khi sử dụng internet và các thiết bị công nghệ. Cha mẹ cũng có thể hỏi ý kiến từ trẻ về những hành động nào có thể giúp cả gia đình sử dụng internet được an toàn.

-------------

Nguồn tham khảo: 

https://www.innocentlivesfoundation.org/everything-you-need-to-know-about-online-grooming/

https://www.childnet.com/parents-and-carers/hot-topics/online-grooming
-------------
Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616