• 111
  • lang
  • lang

Hoàn thiện khung pháp lý phòng, chống bạo lực trẻ em tại Việt Nam

Bảo vệ trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc là bảo đảm cho tương lai phát triển bền vững của đất nước. Một thực tế đáng buồn trong thời gian qua tuy đã giảm 1,6% nhưng tình hình xâm hại trẻ em lại diễn biến phức tạp, đặc biệt xảy ra một số vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong xã hội.

Bảo vệ trẻ em được sống an toàn, hạnh phúc là bảo đảm cho tương lai phát triển bền vững của đất nước. Ảnh: Unicef Việt Nam.

 

Những nguy cơ đáng báo động

Theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111), năm 2021, trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỉ lệ cao nhất (72,84%), tăng 5,3% so với năm 2020.

Bạo lực gia đình đối với trẻ em đã và đang để lại hậu quả hết sức nguy hại. Trẻ em bị bạo lực không chỉ ảnh hưởng về thể chất, sức khỏe mà còn liên quan đến yếu tố tinh thần. Theo các chuyên gia, phản ứng về mặt tâm lý khi trẻ em đối mặt với những tình huống bạo lực là rất lớn ngay cả trước khi tình huống bạo lực xảy ra; ảnh hướng đến sự tự tin, khiến trẻ phải sống trong lo sợ; không chỉ ám ảnh lúc thức mà còn in hằn vào trong giấc mơ. Những vết thương về mặt tinh thần sẽ để lại những di chứng, khuyết tật tâm lý nặng nề sau này.

Hành vi bạo lực của người thân trong gia đình còn là gương xấu, ảnh hưởng đến hành vi của các em đối với bạn bè, những người xung quanh và thậm chí là với con của các em sau này. Trẻ em với nhân cách, thể trạng chưa hoàn thiện, vẫn còn phụ thuộc nhiều vào người lớn, vào cha mẹ, người nuôi dưỡng, cần có môi trường lành mạnh để hoàn thiện.

Nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em khó có khả năng phản ứng, kháng cự, kêu cứu. Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều vụ bạo lực gia đình đối với trẻ em đặc biệt nghiêm trọng xảy ra. Trường hợp trẻ em bị bạo hành trong một thời gian dài chỉ bị phát hiện khi các em đã được đưa đến bệnh viện trong tình trạng đã tử vong hoặc nguy kịch đến tính mạng.

Gia đình là nền móng của xã hội, vốn được xem là môi trường an toàn với trẻ em, nhưng đa phần các vụ việc xâm hại trẻ em đến từ người thân. Tình trạng này đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu gia đình và giới thực hiện năm 2019 chỉ ra rằng, 69% trẻ em cho biết đã từng bị bố mẹ xử phạt bằng bất kỳ hình thức nào như: đánh, đấm, đạp, tát… và 31,6% cha mẹ thừa nhận họ đã xử phạt con bằng hình thức bạo lực. Mặt khác, trẻ em cũng là nhóm xã hội có nguy cơ cao bị xâm hại tình dục trong gia đình, theo đó trong số trẻ bị xâm hại tình dục có tới 21,3% bị chính người thân trong gia đình xâm hại.

Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra. Cũng trong năm 2021, theo Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em trong tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em thì số vụ do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%. Nhiều vụ việc bạo hành trẻ em thương tâm xảy ra trong gia đình với các trường hợp cha mẹ ly thân, ly hôn, trẻ em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Điều đáng lên án là một số vụ bạo hành có sự dung túng, bao che, tiếp tay bởi chính những người ruột thịt của các em, đây là hồi chuông báo động cho các cơ quan liên quan, cộng đồng xã hội và những bậc làm cha, mẹ trong thời gian qua.

Hướng tới bảo vệ nạn nhân là trẻ em

Trước thực trạng đó, để bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ bạo lực gia đình, Quốc hội mới đây đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với một số nội dung hướng tới nạn nhân là trẻ em sau:

Nguyên tắc nguyên tắc phòng, chống, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình bạo lực gia đình của Luật đều hướng tới bảo vệ trẻ em. Trong đó, Khoản 6, Điều 5 dự thảo Luật quy định: “Ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên yếu thế trong gia đình (phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em…)”; Khoản 2 Điều 31 nêu rõ: “Ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật”.

Có thể thấy, trẻ em luôn là đối tượng đầu tiên mà Luật hướng tới để bảo vệ khỏi bạo lực cũng như ảnh hưởng của các hành vi bạo lực gia đình. Trong quá trình xét xử các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, luôn cần quan tâm đến việc bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em khi trẻ là nạn nhân hay trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng của các hành vi bạo lực gia đình.

Đồng thời, khi bạo lực gia đình xảy ra, trẻ em cũng là đối tượng ưu tiên trước nhất được bảo vệ, hỗ trợ. Bên cạnh đó, bạo lực với trẻ em là “tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”. Có thể thấy, pháp luật Việt Nam nói chung và Luật nói riêng luôn xử lý nghiêm minh hành vi làm tổn hại đến trẻ em.

Luật dành một mục lớn để quy định về biện pháp hỗ trợ, kiểm soát hành vi bạo lực gia đình nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em từ sớm, từ xa. Trong đó, quy định rõ ràng, cụ thể về biện pháp kiểm soát hành vi bạo lực (Điều 53); giáo dục kiến thức pháp luật cho người có hành vi bạo lực (Điều 54); giáo dục kỹ năng kiểm soát cho người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 55) và cai nghiện rượu, bia đối với trường hợp gây bạo lực gia đình (Điều 56). Đây là những điểm mới, nổi bật để phòng tránh, đẩy lùi nguy cơ bạo lực gia đình, từ đó tạo ra môi trường sống an toàn cho trẻ; đồng thời nêu cao trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi, nguy cơ bạo lực từ sớm.

Luật hóa trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát người có hành vi bạo lực sau khi bị xử lý nhằm bảo vệ nạn nhân nói chung và nạn nhân là trẻ em nói riêng khỏi nguy cơ tái diễn bạo lực gia đình. Điều 50 quy định: “Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên Ban công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thôn, tổ dân phố; chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; công an cấp xã có trách nhiệm giám sát người có hành vi bạo lực gia đình sau khi được xử lý theo quy định của pháp luật”. Điều này cho thấy sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc nắm bắt tình hình, giải quyết những vấn đề phát sinh tại cơ sở, ngăn chặn, phòng ngừa nguy cơ bạo lực gia đình đối với trẻ em.

Quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn bạo lực gia đình cùng như các cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện và xã hội hóa công tác này để bảo vệ trẻ em. Trong đó, luật hóa trách nhiệm từ trung ương đến địa phương; từ các bộ, ban ngành đến các tổ chức xã hội, chính quyền sở tại. Điều này cho thấy, phòng chống bạo lực gia đình, bảo vệ, chăm sóc nạn nhân đặc biệt nạn nhân là trẻ em không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là của cả hệ thống chính trị, xã hội để mang lại môi trường sống an toàn tại gia đình. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định về các biện pháp nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tinh thần, danh dự, các quyền, lợi ích của trẻ em.

Khắc phục những hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam nhất là liên quan đến trẻ em như những tồn tại về công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ trẻ em; khó khăn, trở ngại trong khai báo, cung cấp thông tin khi bị bạo hành; tiêu chí của hòa giải viên, tổ hòa giải cũng như những quy định cụ thể về việc cứu người trong trường hợp cấp thiết, đặc biệt với các nạn nhân là trẻ em… Do vậy, Luật sửa đổi đã bổ sung tiêu chuẩn đối với hòa giải viên, nhân viên tư vấn, nhân viên hỗ trợ…; việc phối hợp liên ngành… Để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho người bị bạo lực gia đình, đặc biệt là trẻ em. Luật sửa đổi cũng bổ sung những nội dung về hỗ trợ khẩn cấp như nhu cầu thiết yếu như chỗ ở, ăn mặc, vật dụng cá nhân phù hợp với lứa tuổi nhằm bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho trẻ em.

Hoàn thiện pháp luật để bảo vệ trẻ

Bên cạnh những nội dung mới, nổi bật trong việc bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình, các vấn đề liên quan đến luật hóa các quy định bảo vệ sự an toàn của trẻ em vẫn cần được bổ sung và hoàn thiện.

Trước hết, cần làm rõ riêng các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, trong đó có thể bổ sung hành vi cưỡng ép, sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác. Đồng thời, bổ sung các quy định về biện pháp hòa giải trong phòng ngừa bạo lực gia đình đối với trường hợp nạn nhân bạo lực gia đình là trẻ em.

Hai là, cần có quy định cụ thể, chi tiết, chặt chẽ việc xác định vai trò, trách nhiệm của người giám hộ hay người đại diện theo pháp luật của trẻ em trong bảo đảm quyền và nghĩa vụ người bị bạo lực. Theo quy định Bộ luật Dân sự năm 2015, người chưa đủ 16 không có năng lực hành vi dân sự. Mọi giao dịch dân sự của người chưa đủ 16 do người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Trẻ em không thể yêu cầu các biện pháp bảo vệ, ngăn chặn; không thể trực tiếp yêu cầu bồi thường thiệt hại; thậm chí quyền khiếu nại, tố cáo về phòng, chống bạo lực gia đình cũng không thể thực hiện. Mặt khác, việc cung cấp thông tin không phù hợp đối với đối tượng trẻ em phải thông qua người giám hộ hay người đại diện theo pháp luật.

Ba là, cần nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật trong trường hợp người gây ra hành vi bạo lực với trẻ lại người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của trẻ em. Theo đó, quy định rõ ràng, chi tiết quyền và trách nhiệm của người giám hộ đương nhiên, người giám hộ được cử, người đại diện theo pháp luật để bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

Bốn là, bổ sung quy định cần phát huy vai trò của nhà trường, đội ngũ giáo viên trong tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em nhất là trẻ từ 6 tuổi trở lên vào mục các hình thức tư vấn nhằm tăng cường sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong bảo vệ trẻ em trước các hành vi bạo lực do chính người thân của trẻ gây ra. Có thể mở rộng phạm vi, địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác bạo lực gia đình phù hợp với trẻ em.

ThS. Đặng Văn Trình - ThS. Nguyễn Hữu Sứ

Nguồn tham khảo: 

https://baomoi.com/hoan-thien-khung-phap-ly-phong-chong-bao-luc-tre-em-tai-viet-nam/c/44344154.epi

----------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616
+ Website Tổng đài 111: Tongdai111.vn