Trong 9 tháng đầu năm 2020 Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 585.460 cuộc gọi đến (tăng 161.884 cuộc so với cùng kỳ năm 2019), trong đó có 22.667 ca tư vấn (giảm 626 cuộc so với cùng kỳ năm trước) và 928 hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em (tăng 225 ca so với cùng kỳ năm trước).
Đối tượng trên 18 tuổi gọi tới Tổng đài 111 trong 9 tháng đầu năm chiếm 75%; 11-14 tuổi chiếm 13,7%; đối tượng 0-10 tuổi chiếm 4,7%; khoảng 15- dưới 16 tuổi chiếm 4,2%.
9 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ cuộc gọi tư vấn chuyên sâu tăng nhẹ ở ở nội dung xâm hại, bạo lực (47,6% so với 42,3% trong 9 tháng 2019) và nội dung tư vấn về pháp luật (25,3% so với 22,3% trong 9 tháng 2019); các nội dung khác là quan hệ ứng xử, sức khỏe thể chất và tâm lý, sức khỏe sinh sản đều giảm nhẹ so với 9 tháng 2019.
Nội dung các cuộc gọi tư vấn chuyên sâu: Giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em và gia đình; Mối nguy hiểm, hậu quả của các hành vi xâm hại trẻ em và quy định pháp luật đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em; Trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các yếu tố nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em; Tư vấn kiến thức, kỹ năng giải quyết các mẫu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, cung cấp các đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi của trẻ em; Những quy định pháp luật như làm giấy khai sinh cho trẻ em, quyền và bổn phận của trẻ em trong gia đình, nhà trường, cộng đồng; Hướng dẫn và trang bị kỹ năng cho trẻ em trong việc xây dựng, duy trì các mối quan hệ trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội.
Phát sinh các vấn đề do ảnh hưởng từ dịch Covid-19: Trẻ em không phải đi học, không được giao lưu với bạn bè, ít vận động, vui chơi ngoài trời khiến các em nhàm chán và có những dấu hiệu rối loạn tâm lý. Trẻ em sử dụng các thiết bị điện tử như ti vi, máy tính bảng, laptop, điện thoại chưa phù hợp để giải trí hoặc không hoàn thành công việc được giao. Bố mẹ lúng túng trong việc lên thời gian biểu cho con, thiếu kỹ năng tương tác với trẻ em lớn và kỹ năng chơi với trẻ em nhỏ, từ đó mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái tăng lên.
Cuộc gọi của phụ huynh và trẻ em liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tăng lên so với cùng kỳ các năm trước. Phụ huynh và trẻ em mong muốn được Tổng đài hướng dẫn cách bảo vệ an toàn cho trẻ em khi tham gia môi trường mạng và cách giải quyết khi trẻ em bị XHTD, bắt nạt, nói xấu, xúc phạm trên mạng. Tỉ lệ trẻ em phát sinh các mối quan hệ tình cảm và bị XHTD với bạn quen qua mạng tăng lên. Gia tăng các vụ việc giao cấu và trẻ em bị XHTD bởi bạn bè/ người yêu, đặc biệt trong số đó thủ phạm là những người bạn quen qua mạng xã hội. Bé gái 12 tuổi ở huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã bị thanh niên 18 tuổi quen qua mạng dụ dỗ và đưa về nhà XHTD là ví dụ điển hình.
Cán bộ địa phương gặp khó khăn trong việc xử lý các trường hợp người giám hộ không thực hiện đúng trách nhiệm trong chăm việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em.
Trong số 430 ca bạo lực trẻ em, có 308 trường hợp được nhận dịch vụ hỗ trợ, 27 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Có 182/234 ca trẻ em bị XHTD được nhận dịch vụ hỗ trợ, 43 trường hợp không nhận được hỗ trợ. Lý do trẻ em không được nhận hỗ trợ là: gia đình từ chối nhận hỗ trợ, gia đình không hợp tác, trẻ em chuyển đi nơi khác không liên lạc được, địa phương đợi kết quả điều tra từ công an hoặc xác minh không có vụ việc.