• 111
  • lang
  • lang

Hoạt động hỗ trợ gia đình gặp khó khăn nhằm giảm tỷ lệ kết hôn trẻ em

Hỗ trợ các gia đình có trẻ em vượt qua được nghịch cảnh, đói nghèo bằng các sáng kiến về hoạt động sinh kế là một trong những phương thức quan trọng để giúp trẻ em có cơ hội đến trường.

Việc cho trẻ trong gia đình được tiếp tục học tập còn giúp giảm thiểu tỷ lệ trẻ phải kết hôn sớm, một tình trạng vẫn còn diễn ra tại nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Kết hôn trẻ em là một thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt ở địa bàn của người dân tộc thiểu số.

Zalo

Qua một số báo cáo tại các tỉnh thành như Hoà Bình, Yên Bái, Điện Biên và Quảng Trị, trẻ em không thấy động lực tiếp tục đi học vì cơ hội công việc sau khi đi học không rõ ràng và nỗi sợ nếu dành nhiều thời gian đi học sẽ ít cơ hội lập gia đình. Báo cáo này cũng nói rằng "Khác với diễn ngôn cho rằng trẻ em kết hôn do người lớn ép buộc hay xúi giục, trẻ em ở các địa bàn nghiên cứu là chủ thể quyết định việc kết hôn của mình. Tuy nhiên, quyết định kết hôn của các em lại bị chi phối bởi sự giới hạn lựa chọn và bất bình đẳng giới."

Zalo

Không thể phủ nhận áp lực của xã hội lên các em, nhất là trẻ em gái, bằng các định kiến như quá lứa thì khó mà lấy được chồng, đã góp phần cho kết hôn trẻ em diễn ra bất chấp các quy định của xã hội, các hình phạt răn đe từ chính quyền địa phương.

Zalo

Bên cạnh đó, đời sống kinh tế nông nghiệp và những quy chuẩn văn hóa của dân tộc các em cũng là những nguyên nhân gốc rễ. Do sống trong điều kiện đòi hỏi đứa trẻ tham gia vào việc đóng góp sức lực, kinh tế cho gia đình, trẻ em DTTS được xem là trưởng thành khá sớm so với độ tuổi qui định kết hôn trong luật. Những lý do này cũng đồng thời tạo áp lực bỏ học cho các em để dành toàn thời gian tham gia lao động cho gia đình em và gia đình chồng.

Zalo

Nắm bắt được tình hình trên, các tổ chức xã hội và phi chính phủ đã tham gia vào công cuộc cải thiện đời sống, kinh tế của nhiều gia đình ở một số tỉnh thành được chọn làm vùng dự án. Phải kể đến những đóng góp mang tính bền vững từ tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới Việt Nam ( World Vision Việt Nam) với các chương trình hỗ trợ thiết thực như: cấp phát dụng cụ gia đình, hỗ trợ gạo, gia cầm, vật nuôi, thực phẩm, tiền mặt, lắp đặt hệ thống nước, cung cấp thùng đựng nước, các buổi tập huấn nâng cao kỹ năng với cán bộ xã, với người dân trong xã…

Zalo

Các hoạt động hỗ trợ trên được thực hiện trong nhiều thời điểm, kể cả các thời điểm có bão lũ tại địa phương và đặc biệt là đại dịch để có thể đảm bảo gia đình và các em không gặp tình trạng bị tổn thương, thiếu thốn, có thể dẫn đến việc trẻ phải đi lao động, nghỉ học hay kết hôn.

Zalo

Vì các tổ chức hiểu được sau khi nghỉ học, khi phải kết hôn, các em gái thường nuối tiếc nhiều hơn so với trẻ em trai vì nguy cơ các em phải đối mặt với nhiều rủi ro: phải nghỉ học giữa chừng, những áp lực về sinh đẻ, chăm sóc con cái, quan hệ với gia đình chồng, bất bình đẳng giới trong gia đình, bạo hành, v.v... Hầu hết các em gái cưới chồng đều tự đặt mình ra ngoài các sinh hoạt nhóm đồng đẳng nên các em thường thiếu thông tin hoặc bị hạn chế về kỹ năng, mất cơ hội phát triển…

Zalo

Và với sự tiến bộ của công nghệ và cơ sở hạ tầng, khả năng các bạn trẻ có thể thuận lợi giao tiếp qua mạng xã hội, dễ dàng gặp gỡ, kéo theo việc đơn giản hoá các thủ tục kết hôn tại địa phương sẽ khiến tỷ lệ kết hôn trẻ em có thể tăng lại. Những sự thay đổi này cũng đồng thời càng kéo dài khoảng cách giữa những trẻ em có thể được đến trường để tiếp cận với sự tiến bộ về công nghệ trong giáo dục với những trẻ không có cơ hội đến trường.

-------------

Nguồn tham khảo:

http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2019/01/2017_ChildMarriage_Report_VN_FINAL.pdf

https://www.facebook.com/WorldVisionVN/posts/1446490172187918

https://www.facebook.com/WorldVisionVN/posts/1442517192585216

https://www.facebook.com/WorldVisionVN/posts/1438218283015107

-------------

Nếu phát hiện hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em hoặc lao động trẻ em, xin đừng thờ ơ. Bạn hãy:
- Gọi đến Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em 111
- Báo cáo qua Ứng dụng Tổng đài 111
- Liên hệ các tài khoản chính thức của Tổng đài 111:
+ Facebook Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ Em: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
+ Zalo Tổng đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616