• 111
  • lang
  • lang

Hoạt động thành lập nhóm tự lực hỗ trợ người bị mua bán trở về tại các địa phương

Nhằm tích cực chấm dứt thực trạng mua bán người ngày càng phức tạp bằng một phương pháp toàn diện, tổ chức Tầm Nhìn Thế Giới Việt Nam (World Vision Vietnam) đã thực hiện Chương trình Chấm dứt Mua bán người (ETIP), thông qua các hoạt động của các nhóm tự lực cộng đồng tại nhiều địa phương trong Dự án Bảo vệ nạn nhân. Sau nhiều năm liên tục thực hiện ở nhiều cấp, mô hình sinh hoạt nhóm tự lực cộng đồng đã chứng minh được nhiều ảnh hưởng tích cực đối với quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người bị mua bán trở về. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về nhóm sinh hoạt và những lợi ích đối với các thành viên tham gia. 

Nhóm tự lực (hay nhóm trợ giúp) được hiểu là một tập hợp những người có cùng hoàn cảnh (về kinh tế, về tâm lý, về hoàn cảnh sống, gia đình,...). Những người này gắn kết với nhau bằng những hoạt động chung của nhóm như chia sẻ kinh nghiệm, bộc lộ bản thân và học hỏi kiến thức nhằm giúp đỡ lẫn nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nhóm tự lực hỗ trợ người bị mua bán trở về là tập hợp những người trở về cộng đồng và/hoặc những người có nguy cơ cao bị mua bán. Thông qua sinh hoạt nhóm, các thành viên nhóm hỗ trợ lẫn nhau và được hỗ trợ bởi các cơ quan, tổ chức để nâng cao hiểu biết, tăng cường năng lực và tăng cường cơ hội hòa nhập cộng đồng, phát triển cuộc sống cá nhân của họ. 

Với số lượng thành viên nhóm thường dao động từ 8 đến 15 thành viên, nhóm thường hoạt động dựa trên những nguyên tắc tự nguyện, bảo mật, tôn trọng, an toàn, không làm tổn thương thêm, bình đẳng và trao quyền. Các nguyên tắc được đặt ra nhằm đảm bảo nhóm tự lực chính là nơi tin cậy để sinh hoạt trong thời gian dài, để các thành viên được tự do học tập, phát triển, vượt qua quá khứ mà không lo sợ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử. 

Bên cạnh đó, mục tiêu thành lập của các nhóm tự lực hỗ trợ người trở về hòa nhập cộng đồng được đặt ra rất rõ ràng, luôn lấy nạn nhân hoặc người có nguy cơ cao bị mua bán làm trung tâm:

- Tạo môi trường an toàn, tin tưởng để các thành viên nhóm chia sẻ những khó khăn gặp phải trong cuộc sống do tác động của nạn mua bán người.

- Tăng cường năng lực của mỗi thành viên nhóm thông qua các hoạt động chia sẻ; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và hỗ trợ kinh tế để chính họ vươn lên trong cuộc sống.

- Tăng cường kiến thức của thành viên nhóm và cộng đồng xung quanh về vấn đề mua bán người, di cư an toàn, từ đó góp phần giảm tình trạng mua bán người tại địa phương cũng như các địa bàn khác. 

 

Mỗi mục tiêu trên đều mang những ý nghĩa thực tế và nhân văn với các thành viên tham gia và cộng đồng xung quanh họ.

- Tăng sự tự tin cho các thành viên: Khi tham gia nhóm tự lực, các thành viên nhóm có cơ hội giao tiếp với các thành viên khác trong nhóm, với cán bộ và với cộng đồng; được chia sẻ, đồng cảm và cảm thấy mình được bảo vệ; được học hỏi kiến thức, kỹ năng và có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập,... Đây chính là những yếu tố để giúp họ tự tin hơn.

- Giải tỏa cảm xúc tiêu cực: Khi tham gia vào nhóm tự lực, các thành viên được chia sẻ những cảm xúc tiêu cực, được các thành viên trong nhóm, cán bộ, chuyên gia lắng nghe và thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu. Ngoài ra, các thành viên nhóm cũng được chia sẻ những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống (kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng suy nghĩ tích cực, kỹ năng giải quyết vấn đề,...) bởi chính các thành viên hay cán bộ, chuyên gia. Nhờ đó, họ giảm bớt những cảm xúc tiêu cực khi đứng trước những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.

- Tạo môi trường an toàn cho thành viên nhóm: Những nguyên tắc của sinh hoạt nhóm tự lực là tôn trọng, bảo mật và không làm tổn thương thêm các thành viên nhóm. Đây chính là những yếu tố để tạo môi trường an toàn cho những thành viên tham gia để họ có thể chia sẻ những vấn đề khó khăn của họ.

- Các thành viên nhóm được tăng cường kiến thức và kỹ năng để phát triển bản thân, phát triển cuộc sống: Thông qua các buổi sinh hoạt nhóm và các hoạt động nâng cao năng lực, các thành viên nhóm sẽ có thêm kiến thức về phòng chống mua bán người, di cư an toàn, về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, quản lý tài chính, kỹ năng sống,v.v... Đây chính là chất liệu quan trọng để giúp cho một người trở nên tự tin hơn, có giá trị hơn và dễ hòa nhập với cộng đồng xung quanh hơn.


 

- Giảm sự tự kỳ thị và kỳ thị của cộng đồng: Theo nhiều nghiên cứu, những người bị mua bán dễ có xu hướng tự kỳ thị bản thân. Họ xem họ là người có tội, là người không còn giá trị do đã bị mua bán, bị xúc phạm, bị lạm dụng,... Trong gia đình và cộng đồng, nhiều người cũng có cái nhìn tiêu cực về người trở về. Thông qua hoạt động của nhóm tự lực, thành viên nhóm sẽ hiểu về vấn đề mua bán người một cách đầy đủ hơn, hiểu về hoàn cảnh của họ một cách tích cực hơn, yêu quý bản thân và biết cách thể hiện bản thân khi giao tiếp với cộng đồng, xã hội. Từ đó, cộng đồng cũng tăng cường hiểu biết về những người bị mua bán trở về, giảm sự kỳ thị và đối xử với những người trở về một cách bình đẳng, tôn trọng như những thành viên khác trong cộng đồng. Đây chính là cầu nối cho việc tái hòa nhập cộng đồng của những người bị mua bán trở về.

- Nâng cao hiểu biết của cộng đồng về vấn đề phòng chống mua bán người: Thành viên nhóm tự lực có thể là hạt nhân để tuyên truyền về vấn đề phòng chống mua bán người và di cư an toàn cho chính người thân của họ và cho cộng đồng xung quanh.
+ Chia sẻ lại với người thân, hàng xóm, cộng đồng về những kiến thức, kỹ năng phòng chống mua bán người và di cư an toàn mà họ học được từ sinh hoạt nhóm và các hoạt động hội thảo, tập huấn.
+ Chia sẻ chính câu chuyện mà họ đã gặp phải, những trải nghiệm của bản thân (khi họ đã cân bằng và sẵn sàng, tự nguyện chia sẻ dựa trên việc họ đã hiểu biết đầy đủ về những nguy cơ, trở ngại khi nói ra câu chuyện của mình).


        
 

Những kết quả khả quan của hoạt động sinh hoạt nhóm tự lực hỗ trợ người bị mua bán trở về chính là động lực để có thể hoàn thiện hơn các dự án cộng đồng. Kết quả cho thấy thành viên nhóm tích cực tham gia sinh hoạt, tư tưởng ổn định, chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn tham gia các hoạt động của cộng đồng. Gia đình, người thân của thành viên nhóm và cộng đồng đã có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về những nạn nhân bị mua bán, có sự thông cảm hơn đối với những người trở về. Đảng ủy, chính quyền địa phương cũng quan tâm, tạo điều kiện cho nhóm hoạt động.

-------------------

Nguồn tham khảo: 
Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision Vietnam) phối hợp với Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tỉnh Yên Bái: Tài Liệu Hướng Dẫn Xây Dựng Và Vận Hành Mô Hình Nhóm Tự Lực Hỗ Trợ Người Bị Mua Bán Trở Về Hòa Nhập Cộng Đồng  

-------------------
Ra nước ngoài làm việc luôn là một quyết định lớn và cần được chuẩn bị thấu đáo, cẩn trọng. Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” (TMSV) - Dự án được tài trợ bởi Bộ Nội vụ, Vương quốc Anh - thông qua trang thông tin "Nghĩ trước bước sau”, trang Facebook và Kênh Zalo của Tổng đài 111 cung cấp cho bạn thông tin để tìm hiểu thật kỹ càng trước khi đưa ra quyết định. Xem các tập phim của series “Nghĩ trước bước sau” và cập nhật các bài viết trên các kênh truyền thông của Tổng đài 111 nằm trong chiến dịch “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” để cập nhật kiến thức, theo dõi tin tức chính thống về lao động và việc làm ở nước ngoài, đặc biệt là tại Anh cho người Việt Nam.  
Facebook Nghĩ trước bước sau: https://www.facebook.com/nghitruocbuocsau
Xem phim Nghĩ trước bước sau: https://www.shorturl.at/bJOVW
Tổng đài quốc gia 111: https://www.facebook.com/tongdaiquocgiabvte
Tài khoản Zalo chính thức của Tổng Đài 111 https://zalo.me/1249273939821550616